Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có chuyện viết “hay”, miễn vay được tiền, không chú trọng hiệu quả

Thứ năm, 09/08/2018 - 19:43

(Thanh tra)- Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 9/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn

Còn “mạnh ai người ấy làm”

Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, giai đoạn 2011-2016, các quy định về quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công theo các quy định mới đều hướng đến chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn.

Giai đoạn 2011-2016, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010. Bình quân, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước. Tổng giải ngân cả giai đoạn giám sát khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ VND).

Cũng trong giai đoạn này, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 226 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17-18% tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, trong đó trả nợ gốc là khoảng 158.200 tỷ đồng (chiếm 70% tổng nghĩa vụ trả nợ), trả nợ lãi và phí là 67.800 tỷ đồng (chiếm 30% tổng nghĩa vụ trả nợ).

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cơ bản được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn.

Bên cạnh kết quả, còn không ít hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn. Theo đoàn giám sát, huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, manh mún, chưa dành sự quan tâm thích đáng đến việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn vay (thể hiện qua cách "mạnh ai người ấy làm").

“Qua giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều dự án có quy mô nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay.

Hạn chế nữa là công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, tại tỉnh Quảng Trị dự án quản lý thiên tai (WB5) kế hoạch bố trí 13,6 tỷ đồng trong khi giải ngân là 113,096 tỷ đồng (gấp hơn 8 lần). Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị (JICA) kế hoạch vốn bố trí 57 tỷ đồng trong khi giải ngân là 116,278 tỷ đồng (gấp 2 lần)...

Giai đoạn 2011-2015, việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách cao hơn so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định, đoàn giám sát khái quát.

Đáng chú ý, từ 2016, theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu giải ngân đủ cho các dự án, hiệp định vay đã ký kết đến 31/12/2016 thì đã thiếu 60-90 nghìn tỷ đồng so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chưa kể những dự án, hiệp định ký kết từ sau ngày 31/12/2016.

“Như vậy, nếu cho phép các dự án giải ngân theo tiến độ để tháo gỡ vướng mắc thì sẽ dẫn đến giải ngân vượt hạn mức Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất lớn, không bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính”, báo cáo giám sát đánh giá.

Thêm vào đó, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa, kéo dài, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp. Quá trình thực hiện nhiều dự án, công trình còn nhiều bất cập dẫn đến đội vốn lên nhiều lần so với dự toán ban đầu…

Làm rõ trách nhiệm

Theo đoàn giám sát, có nhiều nguyên nhân dấn đến những hạn chế trên. Trong đó, có việc nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA của một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, phần nào do quan niệm rằng nguồn vốn tài trợ "cho không", việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi.

Vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến hiệu quả của dự án, dự án viết "hay" để miễn là vay được tiền, không chú trọng đến hiệu quả thiết thực, chưa thấy được trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Các bộ, ngành và địa phương thì chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong quá trình triển khai, vẫn còn tư tưởng “ỷ lại, trông chờ” nguồn vốn ODA và vay ưu đãi do ngân sách Trung ương cấp phát và chờ vốn đối ứng ngân sách Trung ương bổ sung.

Trong giai đoạn tiếp theo, đoàn giám sát cho rằng, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, phải được đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đối với nợ công.

Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn các dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, tạo cơ sở để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định, bảo đảm quyền lợi của phía Việt Nam trong tiếp nhận nguồn vốn; kiên quyết loại bỏ các dự án không thực sự cấp bách, không phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế và khả năng trả nợ, không vay cho chi thường xuyên.

Riêng việc để vượt trần 300.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn ODA giai đoạn 2016-2020, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm và đề xuất giải pháp tổng thể cân đối, điều hòa nguồn lực tài chính đã được Quốc hội quyết định trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm.

“Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan tổ chức khi để xảy ra các sai phạm và xử lý theo quy định”, đoàn giám sát đề nghị.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của Bộ Tài chính (là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công) trong việc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, địa phương, bảo kết chặt chẽ các khâu trong quá trình quản lý, đàm phán, ký kết, sử dụng hiệu quả vốn vay và bảo đảm khả năng trả nợ.

Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, nguốn vốn vay ODA đã đóng góp nhiều vào thành tựu phát triển của đất nước. Đoàn giám sát đã đánh giá đúng những hạn chế, vấn đề là cần “mạnh dạn đưa ra địa chỉ cụ thể” những bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt.

Cùng chung băn khoăn, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thị Thanh Hải, quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 có thất thoát, yếu kém không, địa chỉ ở đâu, lãng phí thế nào?, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân và cử tri rất trông chờ vào kết quả của đoàn giám sát, và đi kèm với đó là địa chỉ trách nhiệm cũng như giải pháp.

Đã tiến hành bao nhiêu cuộc thanh tra kiểm tra? Có bao nhiêu cá nhân bị xem xét, nghiên cứu trách nhiệm khi không làm đúng quy định khi chương trình xây dựng xong nhưng không hoạt động được?”, bà Hải nêu.

Theo báo cáo, năm 2011 giải ngân vốn ODA vượt dự toán 5.775 tỷ đồng, năm 2012 vượt 17.143 tỷ đồng, năm 2013 vượt 29.422 tỷ đồng, năm 2014 vượt 26.169 tỷ đồng, năm 2015 vượt 30.725 tỷ đồng, năm 2016 vượt 17.033 tỷ đồng.

"Cảm thấy lo lắng", Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình kiến nghị, cần đẩy mạnh giám sát của các đơn vị dân cử địa phương, Trung ương. "Từng Uỷ ban, Hội đồng dân tộc phải nắm được các dự án ODA mình quản lý và giám sát cho được số dự án này", ông Bình nói.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm