Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 21/04/2022 - 20:00
(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thấy các ưu đãi nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong còn “hẹp, chưa có chính sách mới, đột phá”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X
Chiều ngày 21/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều ưu đãi “hút” nhà đầu tư chiến lược cho khu kinh tế Vân Phong
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển cho Khánh Hòa, Chính phủ đề xuất 10 chính sách, cơ chế đặc thù.
Một trong những điểm mới trong dự thảo nghị quyết là đưa ra các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong.
Cơ chế đó là ưu đãi cho nhà đầu tư về thủ tục hải quan, thuế; hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường, tái định cư; tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ nội hàm chính sách theo hướng làm rõ “được ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư, hỗ trợ bồi thường tái định cư…”; “được tổ chức, tham gia xúc tiến đầu tư…” là hỗ trợ thủ tục gì; hình thức xúc tiến đầu tư…
Ông Cường cũng cho hay, một số ý kiến thấy thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong có ý nghĩa đột phá, tác động lan tỏa vùng kinh tế Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.
Trong khi, hạ tầng khu kinh tế Vân Phong còn rất hạn chế, cần huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án lớn bằng các chính sách ưu đãi thiết thực; cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với các ngành nghề thu hút đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Vì thế, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị bổ sung thêm 2chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Vân Phong.
Một là, áp dụng thí điểm cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vân Phong được khấu trừ bổ sung đối với các chi phí về nghiên cứu phát triển (R&D) khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hai là, phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược trong khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Phân cấp mạnh hơn cũng là “tăng trách nhiệm của địa phương”
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thấy ưu đãi nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong còn “hẹp, chưa có chính sách mới, đột phá”.
Ông Huệ đồng tình với Ủy ban Tài chính Ngân sách bổ sung thêm ưu đãi như khấu trừ các chi phí về nghiên cứu phát triển khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Có thể cho tất cả các doanh nghiệp trong khu kinh tế này, chí ít là cho các nhà đầu tư chiến lược”, ông Huệ nêu ý kiến và cho hay, cơ chế này nhiều nước đã áp dụng. Vừa qua để kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia, cơ quan cũng đề xuất nhưng chưa bàn hành được trong gói gần 350 nghìn tỷ, vì vậy nên thí điểm ở khu kinh tế Vân Phong để rút kinh nghiệm.
Chủ tịch Quốc hội cũng thấy cần phân cấp mạnh hơn cho tỉnh Khánh Hoà khi được quyết định chủ trương đầu tư dự án vào khu kinh tế Vân Phong, bởi nếu uỷ quyền, phân cấp cho tỉnh thì “cũng tăng trách nhiệm của địa phương”.
Song ông Huệ lưu ý dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy trình uỷ quyền chặt chẽ, cơ chế lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Nhấn mạnh kỳ vọng rất lớn với khu kinh tế Vân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh nói thiết kế chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược “rất khó”.
Ông Ninh khẳng định nếu được phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án trong khu kinh tế Vân Phong thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cũng chỉ áp dụng giới hạn với nhà đầu tư chiến lược.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận nhiều ưu đãi đặc thù thu hút nhà đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong chưa chạm tới mong muốn của các nhà đầu tư. “Đúng là các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong đang “hẻo quá”, ông nói.
Theo ông Dũng, Vân Phong có hai đặc điểm nổi trội là du lịch, dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics. Các nghiên cứu trước đây về chính sách ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế này đưa ra nhiều đề xuất như miễn thị thực nhập cảnh, miễn giảm thuế... nhưng khi thảo luận, lấy ý kiến các bên liên quan thì thấy khá phức tạp, vướng mắc về pháp lý.
Với các đề nghị bổ sung ưu đãi cho nhà đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh sẽ tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Xử lý khi nhà đầu tư không thực hiện cam kết “khá chung chung”
Bên cạnh các ưu đãi, dự thảo nghị quyết cũng quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện các cam kết, nhất là cam kết thực hiện đúng các nội dung và tiến độ quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, không chuyển nhượng dự án trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng….
“Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ không được hưởng ưu đãi và phải chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không đáp ứng các điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân và các điều kiện khác về nhà đầu tư chiến lược”, Bộ trưởng Dũng nêu.
Đa số ý kiến cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định xử lý khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết “khá chung chung, chưa mang tính ràng buộc”.
Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị, bổ sung chế tài xử lý trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược không bảo đảm điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân, các điều kiện khác.
“Cần làm rõ nội hàm: “chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không thực hiện đúng cam kết của mình” để bảo đảm tính minh bạch, đủ căn cứ thực hiện”, ông Cường nói.
Cơ quan thẩm tra còn lưu ý, thời hạn không được chuyển nhượng dự án như quy định của dự thảo là ngắn, dễ lợi dụng chính sách để đầu tư “núp bóng”, khó bảo đảm gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, đề nghị quy định thời hạn dài hơn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước do đang điều trị bệnh.
Hương Giang
17:00 21/11/2024(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.
Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên