Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chính phủ đề xuất Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn dự phòng

Hương Giang

Thứ sáu, 10/11/2023 - 18:18

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng và giao HĐND TP đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm. Quy định mới này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho TP Hà Nội, theo Chính phủ.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng nhiều chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, trong đó tổ chức bộ máy, biên chế. Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: Hanoimoi

Chiều nay 10/11, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra, rồi thảo luận tại tổ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo luật này gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với luật năm 2012).

Hà Nội được linh hoạt, chủ động trong quyết biên chế?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Điểm mới của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là TP Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND phường và bổ sung TP trực thuộc Thủ đô. HĐND TP tăng số lượng đại biểu từ 95 lên 125 người; số lượng Phó Chủ tịch HĐND tăng từ 2 lên 3 người.

Dự thảo luật quy định theo hướng, trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng.

Biên chế tăng này được xác định dựa vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội.

“HĐND TP Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm”, theo dự thảo.

Theo Chính phủ, quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho Hà Nội trong việc quyết định biên chế, phù hợp với nhu cầu thực tế của Thủ đô.

Tờ trình cho biết, hiện việc xác định số lượng biên chế căn cứ trên cơ sở đề án vị trí, việc làm đã được phê duyệt. Việc giao biên chế chưa thực sự hợp lý vì chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế của TP Hà Nội.

Ví dụ, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 là 9.014 người (7.935 công chức và 1.079 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68), giảm so với 1.473 công chức và 200 chỉ tiêu hợp đồng so với năm 2015. Với viên chức (hưởng lương ngân sách Nhà nước) được giao năm 2021 là 116.007 biên chế, giảm 12.890 biên chế so với năm 2015

Trong khi đó, giai đoạn từ 2015 - 2021, số công chức nghỉ hưu là 1.291 người, số viên chức nghỉ hưu là 12.590 người. Đến tháng 6/2021, số người nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế là 1.441 trường hợp.

“Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ với công chức, viên chức của TP Hà Nội rất lớn, đặc biệt đối với công chức”, Chính phủ cho biết.

Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế, luật không nên quy định để tranh chồng chéo

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc có cơ chế để TP Hà Nội được chủ động hơn về biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao là cần thiết.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, quy định như dự thảo luật là chưa rõ ràng, chưa xác định thẩm quyền, cơ chế, nguyên tắc để quyết định việc tăng thêm biên chế cho TP Hà Nội.

Hiện nay, việc quản lý biên chế đang được thực hiện tập trung, thống nhất theo Quy định số 70 của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị, quyết định cụ thể biên chế của các cơ quan, tổ chức, địa phương.

“Trong luật không nên quy định về nội dung này để tránh chồng chéo về thẩm quyền và bảo đảm thống nhất trong thực hiện”, Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.

Theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến cho rằng, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định biên chế của chính quyền địa phương (gồm cả biên chế của TP Hà Nội) được thực hiện trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị (hiện chủ yếu do Chính phủ quy định).

Để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bổ sung thêm biên chế cho TP Hà Nội cũng như làm cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá, giám sát hiệu quả sau này, trong luật nên xác định cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND TP trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Đồng thời, có quy định khống chế một tỷ lệ nhất định không được vượt quá trong tổng chi ngân sách thường xuyên (hoặc tổng ngân sách địa phương của từng cấp) dành cho chi hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, đảng, đoàn thể thuộc phạm vi quản lý của Thành ủy Hà Nội.

Như vậy, khi phần thu của ngân sách địa phương được gia tăng thì TP cũng sẽ được sử dụng ngân sách nhiều hơn để chi cho bộ máy quản lý (bao gồm cả việc tăng thêm biên chế hoặc sử dụng để tăng thêm thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có).

Trong phạm vi tổng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, chính quyền TP sẽ quyết định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cụ thể trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp trên địa bàn.

“Quy định này sẽ nâng cao tính công khai, minh bạch, tạo cơ sở pháp lý để TP Hà Nội có thể có cơ chế linh hoạt hơn về quản lý biên chế, có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm trong từng thời kỳ tùy theo yêu cầu quản lý, quy mô phát triển của địa phương”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm