Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chậm miễn nhiệm cán bộ có 50% “bỏ phiếu không tín nhiệm”, hậu quả có thể rất tai hại

Hương Giang

Thứ sáu, 09/06/2023 - 22:06

(Thanh tra) - Người có 1/2 đến 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó. Nếu người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá 50% tổng số đại biểu đánh giá “không tín nhiệm” thì tiến hành ngay quy trình miễn nhiệm, theo đề nghị của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Nghị quyết này dự kiến thay thế Nghị quyết 85 năm 2014, chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các chức danh Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn vào cuối năm nay.

Thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm “tùy nghi”, có thể tạo sự không bình đẳng

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nói, việc sửa đổi nghị quyết là để thể chế hóa Quy định số 96 của Trung ương.

“Quy định 96 nêu những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm, không chờ hết nhiệm kỳ”, ông Trí dẫn lại.

Dự thảo nghị quyết quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá 1/2 đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Ông Trí đề nghị, Quốc hội mạnh dạn bỏ phiếu tín nhiệm luôn tại kỳ họp đó với người có 1/2 đến 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”. Bởi theo ông, công tác tổ chức cán bộ “càng lâu càng khó làm, nhiều tiêu cực sẽ xảy ra”.

“Nếu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, số phiếu như vậy thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm luôn là tốt nhất”, đại biểu Trí nêu.

Chung mối quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nói, quy định như dự thảo thì thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm “tùy nghi”, có thể cách nhau từ 4 đến 5 tháng.

Cho rằng cách làm như vậy không tạo sự thống nhất, bình đẳng giữa những người có số phiếu tín nhiệm thấp, ông Cường đề nghị quy định chỉ một thời điểm bỏ phiếu là “ngay tại kỳ họp đó”.

Ông cũng đề nghị, với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó.

Tương tự, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá 50% tổng số đại biểu đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm với người đó.

“Trường hợp chưa chuẩn bị được nhân sự thay thế thì giao quyền cho người phó, không nên để xảy ra trường hợp, một người đã trải qua 2 quy trình lấy phiếu tín nhiệm, tiếp đó lại bỏ phiếu tín nhiệm và có quá 50% bỏ phiếu không tín nhiệm nhưng lại để 4-5 tháng sau, nếu cộng 2 lần vào thành khoảng 8 - 10 tháng sau chúng ta mới miễn nhiệm. Làm như vậy có thể dẫn đến những hậu quả rất tai hại về quản lý Nhà nước, cũng như về dư luận nhân dân”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích.

Không nên hạn chế quyền được xin từ chức

Vẫn theo ông Cường, không nên hạn chế không cho người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” được xin từ chức.

“Xin từ chức là quyền của cán bộ, công chức. Đảng có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức không đủ năng lực, uy tín, có sai phạm từ chức. Do đó, không nên hạn chế quyền này”, đại biểu Cường nói.

Theo ông, khác biệt lớn nhất về hệ quả pháp lý của người có quá nửa đến 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” là có qua hay không qua thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn lại Điều 3 dự thảo nghị quyết về giải thích từ ngữ lấy phiếu tín nhiệm.

Theo bà, lấy phiếu tín nhiệm nhằm 6 mục đích: Làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ; đưa ra khỏi quy hoạch; cho từ chức; bỏ phiếu tín nhiệm; miễn nhiệm; bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Tuy nhiên, cũng tại Điều 12 dự thảo chỉ đề cập đến 3 loại hệ quả dành cho người có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức độ cao là: Cho từ chức, bỏ phiếu tín nhiệm và miễn nhiệm.

“Còn 3 mục đích khác, là đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi quy hoạch và bố trí công tác khác thấp hơn chưa thấy được thể hiện trong dự thảo”, bà Hoa đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm vấn đề này.

Nghiên cứu Quy định 96 của Đảng, bà Hoa còn thấy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ.

Quy định 96 của Đảng còn có một nội dung đáng lưu ý, là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao, theo nữ đại biểu.

Vì vậy, bà Hoa đề nghị, với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì phải được sử dụng như thế nào, vào việc gì cũng cần được thể hiện trong lần sửa đổi nghị quyết này.

Theo chương trình kỳ họp 5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vào ngày 23/6.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm