Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ sau sáp nhập tỉnh, xã

Hương Giang

Thứ tư, 11/06/2025 - 13:01

(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, cần phải có chế độ tiền lương phù hợp cho cán bộ vì trách nhiệm của họ rất lớn sau sáp nhập tỉnh, xã.

Sáng 11/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Sắp xếp tổ chức, bộ máy, bố trí nhân sự, chế độ tiền lương là vấn đề đại biểu quan tâm, cũng như có những điều băn khoăn.

Cần có chế độ chính sách đặc biệt với cán bộ sau sáp nhập

Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nói, sau sáp nhập, nhân sự phó đoàn đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch HĐND giữ nguyên, cho hết nhiệm kỳ, nghĩa là đến khi bầu cử. Song, theo ông, công tác nhân sự của địa phương cho đại hội Đảng các cấp đã kết thúc vào tháng 10.

“Nếu không bố trí sớm các chức danh phó trưởng đoàn hoặc phó chủ tịch HĐND dôi dư thì sẽ gặp khó khăn”, ông Lềnh đề nghị, sớm có hướng dẫn để bố trí công tác phù hợp.

Đại biểu đoàn Lào Cai cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát và có hướng dẫn, quy định cụ thể về chế độ chính sách đặc thù, đặc biệt với cán bộ sau sáp nhập.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk). Ảnh: Đ.X

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, phải có chính sách hỗ trợ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ mới.

“Cải cách tiền lương cho cán bộ cấp tỉnh cần được thực hiện. Thêm nữa, khi thực hiện sáp nhập, trách nhiệm của giám đốc, bí thư, chủ tịch cấp xã rất lớn, nên cần có sự động viên, khích lệ, ghi nhận và nguồn lực để đáp ứng chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức trong bối cảnh, giai đoạn mới”, theo lời đại biểu Nguyệt.

Là Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, bà Nguyệt “rất băn khoăn” khi chức danh này chỉ thực hiện đến hết nhiệm kỳ, sang nhiệm kỳ mới phải bầu cử. Trong khi, đại hội Đảng ở địa phương, nhân sự cấp ủy mới sẽ chỉ định.

“Bố trí cán bộ đó sẽ thế nào?”, bà Nguyệt nói và đề nghị có hướng dẫn để bảo đảm chức vụ ngang cấp, Phó đoàn đại biểu Quốc hội yên tâm công tác.

Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề “rất lớn”

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, quá trình sắp xếp đang ở giai đoạn “nước rút” nhưng được thực hiện với tinh thần "thần tốc" song lại vô cùng thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản, khoa học và chặt chẽ, đảm bảo đi bước nào chắc chắn bước đó.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Đ.X

Theo bà, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này có sự thay đổi rất lớn về tư duy. “Không thuần túy là sắp xếp các đơn vị hành chính liền kề với nhau, mà dựa trên hình thái lãnh thổ tự nhiên sao cho hợp lý, đặc biệt là hình thái lãnh thổ hướng ra biển lớn”, bộ trưởng nói.

Sau sắp xếp, Việt Nam sẽ có 34 tỉnh thành, trong đó có 28 tỉnh và 6 TP trực thuộc trung ương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, theo chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, chính quyền địa phương 2 cấp quyết tâm vận hành 1/7. “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cho việc này”, bà Trà khẳng định.

Về việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, bà Trà nhấn mạnh, đây là vấn đề “rất lớn” đang được triển khai; song song là sắp xếp tài sản, tài chính công; thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Theo đề án của Chính phủ, các tỉnh, thành mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng đơn vị hành chính cấp tỉnh cũ. Trung tâm chính trị - hành chính mới được dự kiến bố trí tại nơi bảo đảm thuận lợi về giao thương, có tiềm năng, lợi thế và không gian phát triển kinh tế.

Không để lãng phí trụ sở dôi dư

Qua thực tiễn, đại biểu Lềnh cho hay, một số khu vực địa giới hành chính của các tỉnh cũ chưa được phân định rõ một số khu vực. Điều này, theo ông, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý.

Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai). Ảnh: P.Thắng

Vì vậy, đại biểu đoàn Lào Cai kiến nghị, sau sáp nhập, Chính phủ sớm chỉ đạo các tỉnh mới rà soát quy hoạch, để bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc của đề án, cũng như để tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí về nguồn lực của Nhà nước, người dân.

Vấn đề nữa được các đại biểu quan tâm là sắp xếp, bố trí trụ sở, xử lý tài chính tài sản công. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố được sắp xếp là 38.182 trụ sở. Trong đó, 33.956 trụ sở sẽ tiếp tục được sử dụng, còn 4.226 trụ sở dôi dư.

Việc bố trí, sử dụng trụ sở và xử lý tài chính, tài sản công sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh, bố trí, sử dụng trụ sở phải bảo đảm công năng, tránh lãng phí. Theo bà, trước hết, phải đảm bảo cán bộ, công chức các tỉnh sắp xếp thuận lợi trong đi lại và sử dụng tài sản công phục vụ nhiệm vụ công vụ.

Về lâu dài, bà Nguyệt đề nghị, tính toán để điều chỉnh, sửa chữa các trụ sở dôi dư để phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, y tế, giáo dục. Bởi “trụ sở công đôi dư không phải trụ sở nào cũng phù hợp cho y tế, giáo dục”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

(Thanh tra) - 3 Thứ trưởng Bộ Công an là các ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội; Lê Văn Tuyến; Nguyễn Văn Long được thăng cấp bậc hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng, theo quyết định của Chủ tịch nước.

Hương Giang

10:59 14/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm