Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 17/03/2023 - 14:46
(Thanh tra) - Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng
Sáng ngày 17/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu, Chính phủ đề nghị bổ sung Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng
Với Dự án Luật căn cước công dân (sửa đổi), theo Bộ trưởng, việc xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, Chính phủ đề nghị dự án luật tập trung vào các nhóm chính sách gồm:
Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân; thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân.
Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Thẩm tra nội dung này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban và các cơ quan nhận thấy có 4 nhóm chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Đi vào các chính sách cụ thể, ông Tùng cho hay, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tán thành với chính sách quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân.
Các ý kiến đề nghị quy định “chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong thẻ Căn cước công dân phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan”.
“Do thông tin được đề xuất tích hợp, bổ sung đều là thông tin cá nhân, gắn với quyền con người, quyền công dân, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thống nhất với các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để đưa ra giải pháp phù hợp, có tính khả thi; đồng thời, bổ sung đánh giá về chi phí xã hội nói chung và ngân sách nhà nước dành cho việc này”, ông Tùng nói.
Cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi theo yêu cầu vẫn phát sinh kinh phí
Liên quan đến đề xuất bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc hohòng An ninh “đề nghị cân nhắc”.
Các cơ quan này phân tích độ tuổi dưới 14 tuổi, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt… nên thông tin nhân dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác.
Trong khi đó, phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là các giao dịch đòi hỏi phải có thẻ Căn cước công dân, thường phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện.
Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ Căn cước công dân của lứa tuổi này. “Việc cấp thẻ cho dù là theo yêu cầu tự nguyện nhưng vẫn phát sinh kinh phí”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng chính sách cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất của Chính phủ không có tính bắt buộc mà thực hiện theo nhu cầu của người dân là phù hợp, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em dưới 14 tuổi để ghi nhận trong thẻ Căn cước công dân; đồng thời, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.
Về việc bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch sinh sống tại Việt Nam, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị “không quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này để không dẫn đến trùng lặp, phát sinh thêm giấy tờ”.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết có 31.117 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, trong đó có nhiều người không có giấy tờ tùy thân, chưa được đăng ký cư trú nên cần có biện pháp quản lý phù hợp, tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, hành chính, dịch vụ công.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ, tiêu chí để cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú, không có giấy tờ tùy thân...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.
Hương Giang
16:19 23/11/2024(Thanh tra) - Bên cạnh yêu cầu Chính phủ có giải pháp căn cơ hạ giá bất động sản về giá trị thực phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, Quốc hội đồng thời nêu rõ, phải sớm nghiên cứu, đề xuất quy định về mức thuế cao hơn với người nhiều đất, nhà ở.
Hương Giang
16:09 23/11/2024Hương Giang
15:08 23/11/2024Hương Giang
10:45 23/11/2024Hương Giang
09:06 23/11/2024Hoàng Nam
22:10 22/11/2024Văn Thanh
Hương Trà
Lê Hữu Chính
Chu Tuấn - Quang Danh
Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình
Lợi Châu
Đức Anh
Văn Thanh
Hương Giang