Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ trưởng: “Nguồn cung xăng dầu không bao giờ thiếu”, đại biểu tranh luận, sao có việc treo biển "hết hàng”

Hương Giang

Thứ tư, 16/03/2022 - 10:20

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, “nguồn cung xăng dầu không bao giờ thiếu”. Đại biểu Quốc hội tranh luận, cửa hàng bán lẻ đóng cửa nói “không có xăng dầu lấy gì bán”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn vấn đề cung ứng xăng dầu. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua được nhiều đại biểu chất vấn, tranh luận.

Có khả năng giảm giá xăng dầu không?

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới so với đầu năm biến động từ 44,01 - 60,02%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24,94 - 39,56%.

“Vậy quá trình điều hành giá xăng dầu đó có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?”, ông Sáu chất vấn.

Lý giải giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn giá thế giới, Bộ trưởng Công thương cho hay là do sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn xăng dầu. “Nếu không trích từ Quỹ Xăng dầu từ 500 - 1.500 đồng/lít trong quá trình điều hành thì chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới”, ông Diên nói.

Tư lệnh ngành Công thương khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, duy trì Quỹ Bình ổn là “vô cùng quan trọng”. Song Quỹ Bình ổn này hạn, bây giờ chỉ còn trên dưới 600 tỷ đồng, trong khi có doanh nghiệp nhập khẩu lớn đã âm quỹ này rất lớn.

Vì vậy, 2 bộ (Tài chính, Công thương) tham mưu, đề xuất và Chính phủ đã có nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế môi trường để giảm giá xăng dầu. Trường hợp, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì cần nghiên cứu các loại thuế khác.

“Nếu hết các loại thuế mà không ổn nữa thì để kiềm giá, giữ chỉ số CPI, giữ ổn định nền kinh tế, không để các đối tượng dễ bị tổn thương khó khăn thì Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền sử dụng Quỹ Bình ổn, Quỹ An sinh để hỗ trợ”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, TP trong cả nước.

Về khả năng giảm giá xăng dầu hay không, trả lời đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), ông Diên nói, giá giảm hay không thì phụ thuộc thị trường thế giới.

Bộ Công Thương cam kết, biên độ giá thế giới tăng quá cao thì liên bộ điều hành biên độ tăng ở mức có thể chấp nhận được. Công cụ là Quỹ Bình ổn, rồi quỹ này không còn thì sử dụng thuế, phí.

Ông Diên tiếp tục nhắc lại, nếu thuế, phí giảm hết cỡ mà giá vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.

Theo Bộ trưởng, hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến. Trong nước, nguồn cung lại gặp khó khăn do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (cung ứng 35-40% sản lượng dầu trong nước mỗi tháng) giảm sản lượng đột ngột từ 100% xuống 80%, có lúc chỉ còn 55%.

Bộ Công thương đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu phải nhập đủ sản lượng do Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để bảo đảm nguồn cung trong nước. “Nguồn cung xăng dầu không bao giờ thiếu”, Bộ trưởng Diên khẳng định. 

Đang thanh tra 33 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu

Gắn với đó là công tác thanh kiểm tra. Ông Diên cho biết có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì đã kiểm tra 16.800 cửa hàng, số cửa hàng phát hiện vi phạm rất ít.

Số cây xăng đóng cửa vì thiếu xăng theo ông Diên là do số cửa hàng này nhận nguồn từ Nghi Sơn nên không thể tránh khỏi tình trạng đóng cửa.

Từ điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận. Theo ông Hòa, dư luận cho rằng không chỉ các đại lý bán lẻ xăng dầu “găm hàng”. Ông cho biết đã tìm hiểu vì sao các cửa hàng không bán xăng dầu thì “người ta nói không có xăng dầu lấy gì bán”.

“Phải chăng có việc găm hàng từ tuyến vĩ mô?”, đại biểu Hòa chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Đ.X

Trả lời, Bộ trưởng tiếp tục khẳng định, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ, chỉ có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, trong đó phần lớn là do sự cố về kỹ thuật.

“Có nơi nói không có hàng, truy đến tận cùng thì các cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn mà Nghi Sơn dừng đột ngột. Các cửa hàng bán lẻ này cũng không dễ gì đi nhận hàng ở doanh nghiệp đầu mối khác. Bộ Công thương đã chỉ đạo kịp thời là chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng không lấy hàng của Nghi Sơn nên chỉ vài ngày đã khắc phục”, Bộ trưởng cho hay.

Ông cũng cho biết, Bộ Công thương đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu và đến nay đã có kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, do chưa đầy đủ dữ liệu, căn cứ, quy trình nên Bộ trưởng “chưa thể báo cáo cụ thể” với đại biểu.

“Tinh thần là nếu phát hiện thấy những doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình theo quyết định chứ chưa nói “găm hàng” như đại biểu nêu thì dứt khoát sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, hình thức cao nhất là đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm