Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp “trị” đầu cơ, thổi giá đất

Hương Giang

Thứ hai, 28/10/2024 - 17:00

(Thanh tra) - “Trong quy chế đấu giá, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc, nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp.

Chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình trước Quốc hội về đấu giá quyền sử dụng đất và nêu các giải pháp để hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp “trị” đầu cơ, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận thực tế thời gian qua tại một số địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có biểu hiện đầu cơ, thổi giá, tạo mặt bằng giá cao.

Điều này, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Đầu tiên là do việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.

Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh.

“Sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Nguyên nhân nữa là các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá, dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.

Cạnh đó, có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm, dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh với đấu giá quyền sử dụng đất, ngoài việc phải triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu giá tài sản Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Giá và pháp luật có liên quan, các địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Các địa phương cũng cần phải điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm.

“Trong quy chế đấu giá, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định công khai các trường hợp trúng giá cao  nhưng bỏ cọc, nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản”, ông Duy nói.

Giải pháp nữa, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường bất động sản.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra. “Đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc đấu giá sử dụng đất đai theo quy định”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất để quản lý, chấn chỉnh công tác đấu giá đất và phối hợp với các bộ ngành đề xuất các cấp có thẩm quyền để quản lý.

Tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn tăng trưởng chung nền kinh tế

Cũng tham gia giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, vốn cho bất động sản thường có giá trị lớn, thời hạn dài, nên thường được huy động từ nhiều kênh. Trong đó, vốn ngân hàng chỉ là một kênh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: P.Thắng

Theo bà Hồng, các tổ chức tín dụng ngoài kinh doanh theo mục đích của mình, họ phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo thu hồi vốn để chi trả cho người gửi tiền.

“Nếu không sẽ gây hệ luỵ với chính ngân hàng, an toàn hệ thống”, bà Hồng nhấn mạnh.

Thực tế, theo bà Hồng, tín dụng bất động sản tăng nhanh, cao hơn mức tăng trưởng chung nền kinh tế. Số dư nợ tín dụng bất động sản là 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ chung nền kinh tế.

Tiếp cận tín dụng bất động sản khó khăn ở nửa cuối 2022, ngay cả khi doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Thống đốc cho biết, thời điểm đó hệ thống ngân hàng đối mặt với sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào 6/10/2022. Đây là sự cố quy mô lớn chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng lan truyền tới thanh khoản các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nước ngoài và tỷ giá.

Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu cao nhất là an toàn hệ thống, bảo đảm khả năng chi trả cho người gửi tiền. Tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất, chưa nới room tín dụng để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Tới tháng 12, khi tình hình ổn định, thanh khoản cải thiện, cơ quan này mới nới room tín dụng. Nhờ đó, hệ thống tín dụng an toàn.

“Thời điểm đó các ngân hàng lo ngại người dân sẽ rút tiền, nên họ thận trọng cho vay mới, nhất là dự án bất động sản có kỳ hạn vay dài”, bà Hồng nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

(Thanh tra) - Chiều ngày 3/12/2024, tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV đã tiến hành phiên chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm là công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Trung Hà

20:40 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm