Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 09/10/2024 - 10:48
(Thanh tra) - Nêu rõ người có nhu cầu thực về đất, nhà ở khó có khả năng tiếp cận vì giá cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu, tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai, nhà ở vì giá cao, vượt quá khả năng chi trả. Ảnh: P.Thắng
Nhận định mua bán đất, nhà ở hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, sáng 9/10.
Duy nhất chỉ tiêu GDP bình quân đầu người có thể chưa đạt
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khái quát những kết quả nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, ước cả năm 2024.
Theo ông Dũng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.
Chỉ tiêu duy nhất chưa đạt là GDP bình quân đầu người, ở mức 4.647 USD một người một năm, do biến động tỷ giá. Mức này thấp hơn mục tiêu 4.700-4.730 USD một người một năm.
Ông Dũng cho hay, nếu tính theo VND, tại thời điểm xây dựng kế hoạch 2024, mục tiêu GDP bình quân đầu người khoảng 112 triệu đồng, thì ước thực hiện năm nay là 123 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước. Cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Với mức này, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
“Chính phủ đặt mục tiêu phấn đầu tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%”, ông Dũng nói.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng 3,88%, trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ 1/7, điều chỉnh giá một số dịch vụ; cả năm ước tăng 4,5%.
Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó, vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối (gần 1 tỷ USD) sau hơn 6 tháng thi công đã đưa vào vận hành.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tra cho biết, ủy ban này nhận định, trong bối cảnh khó khăn của tình hình thế giới, những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp.
Thị trường vàng trong nước có nhiều yếu tố rủi ro
Dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức, theo cơ quan thẩm tra.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận xét thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu cao và việc xử lý các ngân hàng yếu kém chậm. Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm thấp, khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận vốn tín dụng hạn chế.
“Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Thanh nói và lưu ý, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực thị trường ngoại tệ, tỷ giá.
Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng quản lý, giám sát thị trường vàng, chứng khoán trái phiếu và bất động sản.
“Nghiên cứu thực hiện các giải pháp để hướng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ cho việc huy động vốn của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy đầu tư tư nhân và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững của Việt Nam”, theo Ủy ban Kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá thị trường vàng trong nước có nhiều yếu tố rủi ro. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để bảo đảm thị trường trong nước và quốc tế tiệm cận cần nhau”, bà Nga nói.
“Bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tái diễn
Với thị trường bất động sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định “có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn”.
Theo cơ quan thẩm tra, cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao. “Người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận”, ông Thanh nói.
Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận. Đặc biệt, thời gian qua, tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
“Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi cho người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả”, ông Thanh nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng thị trường bất động sản diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao. “Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường bất động sản”, theo lời bà Nga.
Thêm nữa, theo bà Nga, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở vẫn rất chậm, nhất là tại các địa phương. Bà đề nghị đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn 3 luật này, khi các luật đã có hiệu lực sớm 5 tháng (từ 1/8/2024)
Điều khiến cơ quan thẩm tra lo ngại nữa là tốc độ giải ngân đầu tư công rất thấp. Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 8 đạt hơn 37% kế hoạch, đạt gần 40,5% mức Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ (đạt hơn 39,5% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng giao). Mức này thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, 9 bộ, cơ quan Trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, trên 45% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, còn 31 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình chung cả nước.
“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.
Năm 2025 dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, phấn đấu cao hơn
Về năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...
Trên cơ sở này, theo ông Dũng, Chính phủ đề ra 12 nhóm giải pháp như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền