Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Làm việc ngày 9 - 10 giờ quanh năm không thể có hạnh phúc”

Thứ tư, 23/10/2019 - 15:46

(Thanh tra) - “Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 – 10 giờ quanh cả năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu, không có điều đó đâu. Trên thế giới từ bỏ điều nay đã 133 năm nay rồi”, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân

Quốc hội (QH) dành nguyên một ngày 23/10 thảo luận ở hội trường dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Làm từ 40 giờ/tuần trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài

Góp ý vào dự thảo luật, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến thời giờ làm việc trong ngày và trong năm.

Theo ông, giai đoạn Karl Marx, người ta phải làm việc 10-16 giờ/ngày. Cho nên mới hình thành phong trào đấu tranh giảm giờ làm. Tiêu biểu là cuộc biểu tình tại TP Chicago vào ngày 1/5/1886 với khẩu hiệu ngày làm việc 8 giờ nhưng không giảm tiền lương.

3 năm sau, Hội nghị Quốc tế Cộng sản Paris do Karl Marx - Friedrich Engels chủ trì chọn ngày 1/5/1890 trở đi là Ngày Quốc tế lao động, đấu tranh làm 8 giờ/ngày.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến doanh nhân nổi tiếng Henry Ford (người sáng lập Công ty Ford Motor) cũng thực hiện chế độ 1 ngày làm 8 giờ.

“Ông ấy làm thí nghiệm, ngày 8 giờ nhưng tuần làm 5 ngày thì năng suất không giảm mà vẫn tăng. Cho nên, ông Henry Ford tư bản chuyển từ làm 6 ngày sang 5 ngày/tuần. Sau đó nhiều nước làm theo.

Tới năm 1940, Mỹ có luật của Quốc hội 1 tuần làm 40 giờ. Đó là thời điểm trước chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc 5 năm”, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nói và cho biết, sau đó các nước cũng chuyển từ làm 48 giờ sang 40 giờ/tuần, tức làm 5 ngày/tuần.

Cũng theo ông Nhân, đã có một cuộc tranh luận làm 48 giờ hay 40 giờ.  Song người ta đã chứng minh làm từ “40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng”.

Trở lại nước ta, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nói, từ năm 60 ở miền Bắc công chức làm 8 tiếng/ngày và làm 6 ngày. Đến năm 1999 khi chuyển sang làm 5 ngày/tuần theo thông lệ quốc tế.

“Tức là ta đã chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Các nước không quy định công nhân làm nhiều giờ hơn công chức

Hiện nay, theo quy định hiện hành người làm cho Nhà nước thì làm 5 ngày/tuần, người lao động làm tại các doanh nghiệp thì làm 6 ngày tức làm 48 giờ/tuần.

“Rõ ràng điều này không bình đẳng. Ở các nước không có Luật Lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ, họ chỉ quy định chung cho đất nước”, ông Nhân nói.

Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nói tiếp, từ năm 2000 đến nay, trên thế giới các nước đã giảm giờ làm. Trong 36-38 nước trong tổ chức kinh tế thế giới, chỉ có 2 nước vẫn làm trên 40 giờ là Mexico 48 giờ/tuần và Hàn Quốc 43 giờ/tuần, còn lại không còn làm 40 giờ/tuần mà giảm dần như nước Đức làm 26 giờ/tuần, trong khi nước này “là một trong những nước năng suất cao nhất thế giới”.

Từ phân tích trên, ông Nhân cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình giảm giờ làm cho người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần trong vòng 10 năm, có thể trước mắt làm 44 giờ/tuần. Sau năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì người lao động sẽ làm 40 giờ/tuần, tức là làm 5 ngày/tuần.

“Tuy nhiên, vẫn đi sau thế giới 80 năm”, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh lưu ý.

Về giờ làm thêm, theo ông Nhân, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập, nhưng hậu quả trước mắt là sức khoẻ người lao động giảm sút, năng suất lao động không tăng.

“Theo thống kê, nếu người lao động làm hơn 40 giờ mỗi tuần thì năng suất không tăng”, Bí thư Nhân nhắc lại.

Người Việt Nam mong muốn gì?

Ông Nhân đặt vấn đề, vậy người Việt Nam muốn gì? Theo ông, hạnh phúc của người Việt Nam thì lâu nay chúng ta nêu nhiều giá trị. Nhưng cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, điều tra người Việt Nam mong muốn gì thì về kinh tế, người Việt Nam mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng 95,4% người dân Việt Nam mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ…

“Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 – 10 giờ quanh cả năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu, không có điều đó đâu. Trên thế giới từ bỏ điều nay đã 133 năm nay rồi”, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nêu rõ.

Ông nhấn mạnh, nói làm thêm là tự nguyện nhưng thực tế thì không thực sự như vậy.

“Một dây chuyền may mà có quá nửa công nhân nghỉ làm thêm thì số còn lại không thể may được cái áo, không làm được đôi giày. Nên nói tự nguyện là một phần thôi”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân dẫn ví dụ.

Cho nên, theo ông Nhân, muốn tăng năng xuất lao động thì phải đổi mới công nghệ, còn tăng giờ làm thì sẽ giảm năng suất lao động.

“Mục tiêu đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm”, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh chốt lại.

Hương  Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm