Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 18/11/2024 - 13:59
(Thanh tra) - Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ phải rõ trách nhiệm; đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ đắc lực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hồi cuối tháng 10. Ảnh: TTXVN
Động lực mới, khí thế mới
Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng nhận định, công tác này đã đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, đồng bộ cả phòng và chống, cả ở Trung ương và địa phương.
Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực mới, khí thế mới, niềm tin mới để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một trong những kết quả nổi bật được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh là các cơ quan đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ nhiều cán bộ sai phạm, cảnh tỉnh, răn đe, sàng lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của kỷ nguyên mới.
Số liệu cho thấy, đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 9/2024, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kỷ luật trên 1.800 tổ chức đảng, 84.300 đảng viên, trong đó có trên 1.800 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ tồn đọng, kéo dài, cả vụ, việc mới phát sinh, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Điển hình, đại án Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An….
Dù vậy, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong các vụ tham nhũng, tiêu cực có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, hình thành các “nhóm lợi ích”, thậm chí chi phối công tác cán bộ và hoạt động của cơ quan Nhà nước.
“Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, với nhiều hình thức khác nhau, có vụ việc rất nghiêm trọng, “bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”, ông Đặng Văn Dũng nêu.
Đấu tranh phòng, chống lãng phí, theo Tổng Bí thư, cần được thống nhất nhận thức là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Quyết tâm chống lãng phí của Tổng Bí thư, của cả hệ thống nhanh chóng được thể hiện qua việc kịp thời bổ sung chức năng “chống lãng phí” của Ban Chỉ đạo Trung ương, cùng với đó là các yêu cầu cụ thể được đặt ra.
Rõ địa chỉ chịu trách nhiệm
Ông Đặng Văn Dũng cho biết, Tổng Bí thư lưu ý phải nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí
Cùng với đó, chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý “một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng nhấn mạnh.
Với khí thế, quyết tâm được Tổng Bí thư tạo ra, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) tin tưởng chắc chắn sẽ có những bước chuyển, kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.
Nhớ lại cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Lâm thông tin đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều công trình từ Trung ương đến địa phương thuộc diện lãng phí, trong đó chậm tiến độ chỉ là một phần.
Sau giám sát, nhiều địa phương đã nỗ lực giải quyết, khắc phục; nhiều công trình, dự án đã được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng thừa nhận thực tế cho thấy việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội còn chưa quyết liệt. Một phần nguyên nhân là do các cơ quan có trách nhiệm còn thiếu nỗ lực, vì thế phải làm rõ nguyên nhân, có “địa chỉ” trách nhiệm.
Dẫn chứng Dự án Bệnh viện Việt Đức và Dự án Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam, ông Lâm cho hay thời điểm giám sát, Quốc hội đã yêu cầu phải sớm khắc phục, đưa các công trình vào hoạt động. Từ khi giám sát đến nay đã hơn 3 năm, các công trình vẫn chưa đưa vào sử dụng.
“Để lãng phí xảy ra trong quá trình lâu dài như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có liên quan”, ông Lâm nêu quan điểm.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề cập đến cuộc giám sát tối cao và cho biết, tại Nghị quyết 78 của Quốc hội ban hành năm 2022 đã đưa ra danh mục 51 dự án đầu tư có vấn đề, 13 dự án trọng điểm bị chậm trễ, 19 dự án để hoang hóa, 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng.
“Chúng ta cần phải xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra để vừa cảnh tỉnh, vừa làm gương, cũng vừa cắt đi những phần lãng phí lâu nay tồn tại”, ông An nói và bày tỏ đồng tình với sự sốt ruột của Tổng Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương về phòng, chống lãng phí.
Theo ông, lãng phí đang gây bức xúc đến mức không thể không làm và làm phải có chuyển biến. “Nếu làm không tốt, lãng phí cùng với tham nhũng sẽ hủy hoại đất nước bằng cách làm mất đi động lực và nguồn lực phát triển đất nước”, ông An nhấn mạnh, nguồn lực giữ vai trò rất quan trọng khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Chống tham nhũng, lãng phí không cản trở phát triển kinh tế
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là “kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu…” đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ ở tầm cao mới, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là: Tiến hành đến tận cơ sở, chi bộ, dưới sự giám sát của Nhân dân; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng lên trên hết; phải đi đôi với khuyến khích và bảo vệ đổi mới, sáng tạo; phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Về giải pháp, ông Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, vừa bịt kín “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể lợi dụng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Cùng với đó, triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân có sai phạm, các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
“Không chỉ xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà còn xử lý nghiêm cả những người dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để xuyên tạc, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu.
Ông Đặng Văn Dũng cũng nhấn mạnh cần xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”, “như cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Thực tế, lãng phí đang tồn tại ở rất nhiều hình thức, từ của cải vật chất cho đến thời gian, quy trình, thủ tục…
“Chống lãng phí không cần đao to búa lớn, mà cần xây dựng văn hóa, tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất như từng cái tăm, tờ giấy. Việc hình thành văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí rất quan trọng, tiết kiệm từ cái nhỏ sẽ tạo nên những giá trị lớn”, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng phải đi đôi với phòng, chống lãng phí. “Những tác hại của lãng phí không kém gì tham nhũng. Tôi rất tán thành lời hiệu triệu của Tổng Bí thư và cho rằng phải quyết liệt trong lĩnh vực này”, ông Mai bày tỏ.
Theo ông, phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được Bác Hồ chỉ rõ. Vấn đề hiện nay là hành động như tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức, người dân nhận thức đúng, đủ và thực hiện cho tốt. Đồng thời, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các cơ quan dân cử, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
“Quan trọng là phải có quyết tâm chính trị cao trong phát hiện, xử lý tội lãng phí, tội tham nhũng, có như thế mới tập trung nguồn lực xây dựng đất nước hùng cường”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật nguyên Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng, nguyên Chủ tịch tỉnh Phùng Quang Hùng và nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hà Hòa Bình do có vi phạm liên quan Tập đoàn Phúc Sơn.
Hương Giang
17:10 18/11/2024(Thanh tra) - Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ phải rõ trách nhiệm; đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ đắc lực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hương Giang
13:59 18/11/2024Phương Hiếu
12:37 18/11/2024Trần Kiên
08:55 18/11/2024Trọng Tài
Hoàng Nam
Hương Giang
Trần Kiên
Thanh Hoa
Phương Anh
Phương Anh
N. Phó - L. Bằng
Hoàng Long
Lâm Ánh
Hoàng Nam
Thanh Nhung