Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“10 ha lúa, 20 ha rừng phải trình lên đến Thủ tướng, mất nhiều thời gian, lãng phí nguồn lực”

Hương Giang

Thứ sáu, 09/06/2023 - 16:55

(Thanh tra) - “10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước thì mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Như Ý

Phát biểu tại tổ ở Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 9/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là luật rất khó, rất nhạy cảm.

“Về nguyên tắc, không có một văn bản nào có thể xử lý và bao phủ hết mọi góc cạnh của cuộc sống. Việc sửa Luật Đất đai cũng vậy, nhưng cố gắng giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn lực quan trọng của đất nước là đất đai”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu Quốc hội với thực tiễn công tác tại các bộ, ngành, địa phương sẽ có nhiều góp ý xác đáng để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.

Mạnh dạn phân cấp, phân quyền

“Luật ban hành phải đáp ứng mong mỏi của nhân dân”, người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng khi luật được thông qua sẽ góp phần quan trọng trong giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Góp ý cụ thể về dự thảo luật, Thủ tướng đề nghị mạnh dạn phân cấp, phân quyền”. Theo ông, đây là nội dung đang rất vướng trong thực tế, nên theo Thủ tướng, phải quy định trong luật mới làm được.

“Ví dụ 10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước thì mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội” Thủ tướng ví dụ và cho rằng, phân cấp, phân quyền phải quy định trong luật thì Chính phủ mới làm được.

Ông cũng lưu ý phân cấp, phân quyền phải ở mức độ phù hợp để đảm bảo quản lý được; đi đôi với phân bổ nguồn lực; nâng cao khả năng thực thi của đơn vị cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh đi “chệch hướng”.

Trăn trở thứ hai được lãnh đạo Chính phủ đề cập, là thủ tục hành chính. “Có rất nhiều thủ tục hành chính về đất đai cần tháo gỡ, làm sao giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm đi lại cho người dân, giảm những chi phí không cần thiết. Nhiều thủ tục kéo dài làm mất thời gian, chi phí và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Giải pháp được Thủ tướng đưa ra là, cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.

Không để người dân khó khăn khi phải nhường đất 

Vấn đề thứ ba liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thủ tướng cho rằng quy hoạch đất vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa phải có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững, lâu dài.

“Đất đai là một hằng số, làm sao để sử dụng hiệu quả không gian trên trời, mặt đất, không gian ngầm, liên quan cả không gian biển. Lấn biển như thế nào để đảm bảo môi trường cũng như phát triển của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiết kiệm tài nguyên đất đai.

Về thu hồi đất và tái định cư, theo Thủ tướng, đây là điều mà người dân và cử tri quan tâm rất nhiều.

Quán triệt quan điểm của Đảng là thực hiện dự án tái định cư, phải đảm bảo cuộc sống của người bị thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Theo người đứng đầu Chính phủ, quy định này cần được lượng hóa trong luật.

Giá đất cũng là vấn đề rất được cử tri quan tâm. Thủ tướng cho rằng, định giá đất phải phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Luật đã quy định nhưng đây là vấn đề khó, thị trường thì luôn lên xuống, mình tuân thủ thị trường thì có can thiệp khi cần thiết không? Phải cân đối chỗ này”, Thủ tướng cho rằng cần có công cụ quản lý của Nhà nước, để bảo đảm thị trường vừa phát triển lành mạnh, nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất triển khai các dự án.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh phải nâng cao năng lực cán bộ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai có tính chất bao quát được và có thể tra cứu liên thông giữa các địa phương để tham khảo.

Tiếp tục nhấn mạnh đây là luật rất khó và nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, Thủ tướng nói, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến và tiếp thu tối đa, đảm bảo Luật Đất đai sửa đổi vừa phải xử lý được vướng mắc hiện tạo, vừa có tầm nhìn trong tương lai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm