Hết nạc thì vạc “vườn cao su”?

Có mặt tại những khu vực vườn cao su của Nông trường Trường Sơn (xã Gio An, huyện Gio Linh), Nông trường Bảy Tư (xã Gio Sơn, huyện Gio Linh), Nông trường Dốc Miếu (xã Phong Bình, huyện Gio Linh)… thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị quản lý là chi chít những điểm khai thác đá cũ có, mới có. Điều dễ nhận thấy nhất chính là việc hàng loạt vết bánh xe cơ giới “chui” thẳng vào các vườn cao su để khai thác đá.

Tại 1 lô cao su của Nông trường Dốc Miếu, chiếc xe máy đào cùng 1 chiếc xe ben đang rầm rộ khai thác đá bazan (người dân còn gọi đá mồ côi). Khi phát hiện phóng viên ghi hình, các đối tượng liền khóa cửa xe rời khỏi hiện trường. Giữa lô cao su là những hố đất để lại, trên chiếc xe ben là những viên đá bazan vừa mới được khai thác còn vương màu đất.

leftcenterrightdel
 Máy móc cơ giới được đưa vào vườn cao su để khai thác đá tại địa bàn xã Phong Bình. Ảnh: Minh Tân

Cách đó không xa, dọc theo tuyến đường ĐT76 là những bãi đá “khủng” với hàng trăm m3 được tập kết cạnh các vườn cao su. Trong đó, đa phần là số đá vừa được khai thác với những dấu vết hoàn toàn mới. Một số người dân cho biết, số đá này sau khi tập kết dọc các tuyến đường sẽ được một số cá nhân thu mua rồi chở về các nơi khác tiêu thụ.

Tại Nông trường Trường Sơn, tình trạng khai thác đá trái phép được ông Trương Văn Hàm, Giám đốc Nông trường biện minh, do công ty có chủ trương cho cải tạo đất và thí điểm ở các nông trường, trong đó có Nông trường Trường Sơn. “Chúng tôi mới làm tuần nay và đã dừng 2 - 3 ngày rồi. Số đá chúng tôi đưa ra khỏi lô cao su và tập kết 1 bãi trên tuyến đường ĐT75, thuộc địa phận thôn An Hướng, xã Gio An”, ông Hàm cho biết thêm.

leftcenterrightdel
 Ở các vườn cao su khác do Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị quản lý cũng diễn ra tình trạng khai thác đá trái phép. Ảnh: Minh Tân

Khi chúng tôi đề cập đến việc giấy phép, chủ trương cải tạo đất, vận chuyển khoáng sản thì ông Hàm cho rằng, đang “thí điểm” nên nông trường đang làm sau đó báo cáo công ty rồi mới xin!

Ghi nhận tại khu vực trên, số đá được nông trường tự ý đào xới, khai thác đã được tập kết ngay phía ngoài, sát tuyến đường ĐT75 với khoảng 120m3.

Trái ngược với những gì Giám đốc Nông trường thông tin, từ nguồn tin của người dân, chúng tôi tiếp cận thêm 1 bãi đá khác được tập kết tại một bãi đất trống nằm sâu trong con đường bê-tông phục vụ cho việc khai thác mủ mà nông trường quản lý. Số đá này với dấu vết hoàn toàn mới được khai thác với khoảng 80 - 90m3 nhưng Giám đốc Nông trường Trường Sơn lại không đề cập đến. Xung quanh đó là hàng loạt dấu vết xe vận chuyển đá ra, vào vẫn còn mới. Phải chăng có điều gì còn khuất tất?

Dừng việc khai thác đá trái phép

Dọc theo các tuyến đường ĐT74, ĐT75, ĐT76 qua địa bàn các xã của huyện Gio Linh là hàng loạt bãi đá vừa mới được khai thác chở về tập kết. Trong đó, đa phần là số đá vừa được khai thác từ các vườn cao su ra. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ mới dừng lại ở việc ngăn chặn khi sự đã rồi.

Ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, sau khi nhận thông tin phản ánh, UBND xã cùng các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra và lập biên bản đối với Nông trường Trường Sơn về việc thu gom đá mồ côi tại các lô cao su của nông trường. Qua kiểm tra ban đầu, phát hiện nông trường đã tự ý khai thác, thu gom 120m3 đá mồ côi.

“UBND xã đã yêu cầu nông trường dừng việc khai thác đá mồ côi và yêu cầu phía nông trường có trách nhiệm quản lý số đá đã thu gom, tập kết trên. Việc tự ý khai thác, thu gom đá bazan khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật”, ông Song khẳng định.

leftcenterrightdel
 Bãi đá tập kết dọc theo tuyến đường ĐT76 sát các vườn cao su. Ảnh: Minh Tân

Tại xã Gio Sơn, ông Đỗ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã thừa nhận: Tình trạng đưa máy móc vào các vườn cao su thuộc Nông trường Bảy Tư trên địa bàn xã khai thác đá trái phép có diễn ra. Không chỉ vậy, tình trạng một số đối tượng lén lút khai thác, thu gom đá ở địa bàn khác rồi tập kết về địa bàn xã Gio Sơn diễn ra nhiều năm qua. Vào tháng 6/2023, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, trên địa bàn xã có tập kết hơn 12.000m3 đá bazan thì trong đó có gần 6.000m3 đá là không có giấy phép.

“Bước đầu, phía nông trường thừa nhận việc khai thác đá này, tuy nhiên họ cho rằng việc khai thác, chở đá từ các vườn cao su ra nhằm cải tạo lại các lối đi cho cơ giới hóa, công nhân đi cạo mủ. Ngay sau đó, xã đã yêu cầu nông trường tạm dừng ngay việc này. Còn việc họ khai thác thì máy móc của anh Tráng (Giám đốc Công ty TNHH Song Minh Tiến và chủ một xưởng đá xẻ trên địa bàn xã Gio Sơn - PV) đưa vào”, ông Chung cho biết thêm.

leftcenterrightdel
 Một bãi đá khai thác từ vườn cao su của Nông trường Trường Sơn (tại địa bàn xã Gio An). Ảnh: Minh Tân

Trong khi đó, qua trao đổi với ông Văn Đức Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, vị này lúc thì bảo công ty không có chủ trương, lúc lại thừa nhận việc có chủ trương giao cho các nông trường cao su ở địa bàn huyện Gio Linh cải tạo đất, múc đá để phục vụ cho việc cơ giới hóa. Khi được hỏi về việc xử lý số đá này như thế nào, ông Dũng nói: “Cái đó thì nông trường thu xếp thôi, hoặc bỏ vô lại hoặc chuyển đi chỗ khác chứ để đó không được. Cái đó thì nông trường tự chủ”.

Liên quan đến vấn đề này, qua trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Nguyễn Văn Thiện, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gio Linh cho biết thêm, việc các nông trường tự ý cho máy móc, nhân công vào khai thác, thu gom, vận chuyển đá bazan trong các vườn cao su là không đúng các quy định pháp luật. Chưa kể, có tình trạng sau khi vận chuyển đá ra bên ngoài rồi các đối tượng khác đến thu mua.

“Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị chưa hề có giấy phép hay xin ý kiến của chính quyền địa phương hoặc các cấp có thẩm quyền trong việc thu gom đá trong các lô cao su. Việc đào đá, chở đá đi đâu, sử dụng số đá này như thế nào phải được UBND tỉnh đồng ý, cấp quyền. Công ty làm như vậy là sai”, ông Thiện khẳng định.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc trên.

Minh Tân