Trong bài này, chúng tôi đã phản ánh Bản án số 206/2019/DSPT ngày 22/7/2019 của TAND TP Hà Nội về “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Sửu (sinh năm 1949, thường trú tại thôn Vực, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) và bị đơn là ông Trần Văn Huấn (sinh năm 1961) và ông Trần Quang Hùng (sinh năm 1976), cùng thường trú tại thôn Vực, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, do Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2018/DSST ngày 24/11/2018 của TAND huyện Hoài Đức bị kháng cáo. Bản án có hiệu lực hai năm nay, nhưng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Hoài Đức vẫn chưa thực hiện.

Sau khi phát hành, ngày 6/8/2021, Cục THADS TP Hà Nội có Văn bản số 3457 gửi Báo Thanh tra, nội dung có dấu hiệu “biện minh” cho Chi cục THADS huyện Hoài Đức và chấp hành viên Đỗ Thị Thanh Hương.

Mặc dù ngày 10/9/2020, Tổng cục THADS đã có Văn bản số 3059 về việc giải quyết đơn, gửi Chi cục Trưởng Chi cục THADS huyện Hoài Đức, đề nghị kiểm tra, rà soát các nội dung phản ánh của ông Nguyễn Năng Phong (người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Sửu) và chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục THADS trước ngày 30/10/2020. Thế nhưng, vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ!

Văn bản số 3059/TCTHADS-GQKNTC của Tổng cục THADS gửi Chi cục Trưởng Chi cục THADS huyện Hoài Đức. Ảnh: TQ

 

Theo Cục THADS TP Hà Nội, việc Chi cục THADS huyện Hoài Đức không thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục THADS (tại Văn bản số 3059) là do Ban Chỉ đạo THADS huyện Hoài Đức chưa được kiện toàn nên không thực hiện được trong tháng 10/2020.

“Do vụ việc bị tồn đọng, nên chấp hành viên đã có văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp và dự kiến tổ chức cưỡng chế trong tháng 5/2021. Ngày 18/5/2021, Chi cục THADS huyện Hoài Đức đã có Văn bản số 327 đề nghị Công an huyện phối hợp bảo vệ cưỡng chế. Tuy nhiên, do công tác bầu cử HĐND các cấp và dịch bệnh Covid-19 phát sinh trên địa bàn huyện, nên các cơ quan liên quan chưa phối hợp” - văn bản nêu.

Theo Cục THADS TP Hà Nội, việc chậm THA là do nguyên nhân “khách quan”. “Mặc dù chấp hành viên đã nhiều lần tổ chức làm việc với UBND xã Di Trạch để giải quyết vụ việc, vận động thuyết phục người dân phải THA tự nguyện THA, nhưng chưa đạt kết quả; dư luận nhân dân địa phương chưa đồng tình với bản án phúc thẩm nên chính quyền địa phương chưa đồng thuận cưỡng chế; vướng bầu cử; vướng dịch Covid-19…”.

Về hướng giải quyết vụ việc, theo Cục THADS TP Hà Nội, sau khi nhận được Văn bản số 2381 ngày 9/7/2021 của Tổng cục THADS về việc yêu cầu kiểm tra, chỉ đạo giải quyết vụ việc, Cục THADS TP Hà Nội đã có Công văn số 3310 yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Hoài Đức kiểm tra, chỉ đạo chấp hành viên giải quyết dứt điểm vụ việc.

Văn bản số 2381/TCTHADS-GQKNTC của Tổng cục THADS gửi Cục trưởng Cục THADS Hà Nội. Ảnh: TQ

 

“Theo báo cáo của Chi cục THADS huyện Hoài Đức đã chỉ đạo chấp hành viên xây dựng kế hoạch cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế khi tình hình dịch Covid-19 ổn định; vận động người được THA tạm nộp chi phí cưỡng chế hoặc làm thủ tục tạm ứng từ nguồn ngân sách theo quy định để thực hiện cưỡng chế thi hành dứt điểm vụ việc trong quý III/2021”.

Phóng viên cho rằng, nội dung Văn bản số 3457 ngày 6/8/2021 của Cục THADS TP Hà Nội còn có dấu hiệu "biện minh", vì Tổng cục THADS đã hai lần có văn bản yêu cầu Cục THADS Hà Nội cũng như Chi cục THADS huyện Hoài Đức giải quyết dứt điểm vụ việc. Tuy nhiên, Cục THADS Hà Nội và Chi cục THADS huyện Hoài Đức vẫn chưa thực hiện dứt điểm theo chỉ đạo của Tổng cục THADS.

Liệu bản án có được thi hành trong quý III/2021? Câu hỏi này xin được chuyển đến Cục trưởng Cục THADS Hà Nội.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh.

Trần Quý