Sau một thời gian dài đấu tranh quyết liệt, Hà Nội đã dần đẩy lui xe quá khổ, quá tải; đặc biệt hiện tượng đeo logo nhận dạng xe đã gần như bị xoá trắng. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, những hiện tượng này lại có dấu hiệu tái diễn tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như: Thường Tín, Thạch Thất…

Trên tuyến cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình (đoạn qua huyện Thạch Thất) thì đoàn xe “hổ vồ” đeo biển tên AB ngày ngày vận chuyển đất từ Hoà Bình về Hà Nội, chạy như mắc cửi. 

Quan sát cho thấy, những xe này đều chất tải cao hơn thành thùng khoảng 20 - 60cm; dù được che bạt nhưng đất vụn vẫn rơi vãi, cuốn lên thành bụi phía sau, hoặc quấn lấy bánh xe rồi văng tung ra bốn phương tám hướng khiến người tham gia giao thông bên cạnh vô cùng bất an. 

leftcenterrightdel
Chiếc xe tải nặng chở đất có dán logo AB hoạt động trên cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình. Ảnh: PV

Những chiếc xe tải nặng chở đất có dán logo AB phía mặt trước cabin xe không chỉ hoạt động ban đêm mà còn rầm rập chạy ban ngày. Theo tiết lộ của một tài xế xe tải (xin giấu tên), xe chở đất có ngọn cao hơn thành thùng chỉ 20 - 40cm thôi đã có thể quá tải từ 30 - 50%, chở cát còn quá tải nhiều hơn nữa.

Đó cũng chính là lý do khiến người dân trong khu vực xung quanh tỉnh lộ 429, đoạn qua huyện Thường Tín còn bất an và bức xúc hơn nữa. Hàng ngày họ phải chịu đựng bão bụi, tiếng ồn và hiểm nguy rình rập từ hàng chục xe chở cát đeo biển tên: Phong Cảnh, Bảo Toàn, Hồng Anh.

Tuyến tỉnh lộ 429 đoạn qua các xã: Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, đường 73 đoạn qua xã Vạn Điểm và trên đê sông Hồng đoạn qua xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) là địa bàn hoạt động chính của những chiếc xe nói trên. 

leftcenterrightdel
Xe chở cát đeo logo Bảo Toàn hoạt động trên nhiều tuyến đường của huyện Thường Tín. Ảnh: PV 

Một số người dân sống dọc hai bên tỉnh lộ 429 đoạn qua xã Tô Hiệu cho biết, xe tải Bảo Toàn, Phong Cảnh, Hồng Anh hoạt động cả ngày lẫn đêm với cường độ dày đặc. Có thời điểm 3 - 4 chiếc nối đuôi nhau chạy xé gió, cát chất cao như núi, chỉ đậy điệm sơ sài, hoặc dùng cánh bạt che hờ.

Mỗi khi xe Bảo Toàn, Phong Cảnh, Hồng Anh đi qua, bão bụi lại khiến người dân gần như mất phương hướng, không nhìn thấy gì trong khoảng vài mét xung quanh. “Nếu ra đường không đeo khẩu trang, trong nhà không đóng kín cửa thì không thể thở nổi với mấy chiếc xe tải này” - một người dân (xin giấu tên) chia sẻ.

Nghiêm trọng hơn, tại tuyến đường đê Sông Hồng (đoạn chạy qua huyện Thường Tín) chỉ cho phép xe có trọng tải dưới 12 tấn lưu thông, nhưng hàng ngày những chiếc xe “hổ vồ” đeo biển tên Phong Cảnh có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải vẫn thường xuyên hoạt động băm nát mặt đường đê.

leftcenterrightdel
Xe “hổ vồ” đeo biển tên Phong Cảnh có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải vẫn thường xuyên hoạt động băm nát mặt đường đê sông Hồng (đoạn qua huyện Thường Tín). Ảnh: PV

Qua nhiều ngày ghi nhận cho thấy, đoàn xe đeo biển tên Bảo Toàn có hàng chục chiếc mang biển kiểm soát như: 29H - 870.66; 29H-789.18; 29H - 696.38; 29H - 357.38; ; 29H - 773.27… Đoàn xe đeo biển tên Phong Cảnh có: 29H-861.55; 29H-861.34; 29C - 820.08; 29H - 861.59; 29H - 848.43; 29C - 820.08… Đoàn xe đeo biển tên Hồng Anh có: 29H - 848.07; 29H - 822.21; 90H - 007.38…

Những chiếc xe này lấy cát tại một số bến bãi dọc sông Hồng, men theo tỉnh lộ 429, vận chuyển đến Dự án Đường trục phía Nam, lộ trình khá dài. Nhưng suốt nhiều ngày, với hàng trăm chuyến đã ghi nhận, không hề thấy lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng, chấn chỉnh tình trạng xe chạy ẩu, bụi bặm rơi vãi lần nào. 

Thậm chí một số xe chở cát còn không có cả biển số cứng lắp trên xe, chỉ có số sơn vẽ trên thành. Nhiều xe có dấu hiệu dùng cơi điện, bạt cánh lắp máy để nâng cao kích thước thành thùng, chở quá tải. Với mặt hàng có trọng lượng riêng nặng như cát, chở cao có ngọn đến vài chục phân, rất có thể cả đoàn xe mang biển tên: Bảo Toàn, Phong Cảnh hầu hết đều chở quá tải ở mức cao. 

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ, thời gian qua có nhiều thông tin về việc tái diễn xe quá tải đeo logo, một dạng “xe vua” đã từng bị xã hội lên án, lực lượng chức năng truy quét quyết liệt. 

“Tâm trạng bất an, bức xúc của người dân các huyện Thường Tín, Thạch Thất là hoàn toàn có thể hiểu được. Bất cứ ai phải sống trong khu vực có nhiều xe tải chạy rầm rập suốt đêm ngày cũng sẽ phải đối diện với những vấn đề như: Bụi bặm, mất an toàn giao thông (ATGT)… Lực lượng chức năng cần vào cuộc ngay để đảm bảo trật tự, ATGT, bảo vệ môi trường sống cho người dân” - ông Đỗ Cao Phan nói. 

Nhiều người dân tại các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Vạn Điểm của huyện Thường Tín)l, khi trả lời PV Báo Thanh tra đều có đề nghị được giấu tên bởi lo sợ bị trả thù. Người dân cho rằng không phải ngẫu nhiên mà đường sá “thông thoáng” đến bất ngờ mỗi khi đoàn xe tải nặng quần thảo, tung hoành trên tỉnh lộ 429, đường 73… Muốn xử lý được thì phải ở cấp cao hơn nữa có sự quan tâm, kiểm tra chứ tại địa phương, vấn nạn xe tải này người dân không biết kêu ai. 

Để rộng đường dư luận, Báo Thanh tra sẽ tiếp tục gửi câu hỏi đến các cơ quan chức năng huyện Thường Tín, Thạch Thất và TP Hà Nội và thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.

PV