Ngày 4/3/2024, trong chương trình làm việc tại TP HCM, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đến khảo sát tiến độ triển khai Dự án đường Vành đai 3. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đã thông tin một số vấn đề liên quan tới việc triển khai dự án, trong đó có đề cập tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo đó, ông Hoàng Tùng cho biết, việc giải phóng mặt bằng, TP đề xuất chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ bồi thường và nhận phần đất nông nghiệp trước, giai đoạn 2 sẽ làm phần đất ở. Vướng mắc lớn nhất hiện nay chủ yếu là phần đất ở và một số trường hợp chưa tiến hành xong vấn đề thương lượng. Người dân vẫn còn rất nhiều băn khoăn…

Cùng ngày 4/3, tại buổi làm việc với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP HCM, bên cạnh nhiều nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề cập tới việc còn có khiếu kiện về đơn giá bồi thường đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị TP HCM và các địa phương liên quan tiếp tục bổ sung, đánh giá hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các địa phương; việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như cần đề xuất cụ thể kiến nghị, giải pháp để hoàn thành việc thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư.

Liên quan tới các hộ dân chưa đồng thuận với giá bồi thường tại Dự án Vành đai 3, đoạn qua TP Thủ Đức, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lê Minh Thắng (bị thu hồi hơn 3.600m2 đất tại địa chỉ số 200 đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh) cho biết, người dân nơi đây rất vui mừng vì đoàn công tác đã tận mắt chứng kiến, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của những người dân bị thu hồi đất mặt tiền đường lớn (Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển của TP Thủ Đức).

“Dự án Vành đai 3 đi qua khu đất nhà tôi, về cơ bản, chúng tôi đồng tình vì tuyến đường sẽ giúp TP HCM phát triển và người dân được hưởng lợi rất lớn. Tiếc thay, gia đình chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, gồm UBND TP Thủ Đức; UBND TP HCM; Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM… nhưng chưa được quan tâm, giải quyết”, ông Thắng nói.

leftcenterrightdel
 Phần đất hơn 3.600m2 tại địa chỉ số 200 đường Nguyễn Xiển của gia đình ông Lê Minh Thắng. Ảnh: C.T

Ông Lương Ngọc Lâm (đại diện ủy quyền của bà Lê Thị Thanh Tú) có gần 6.000m2 đất nông nghiệp tại địa chỉ 104 đường Nguyễn Duy Trinh (thuộc thửa đất số 21, 22, tờ bản đồ số 36, tài liệu địa chính 2003, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) cho biết, theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông chỉ được bồi thường 7,6 triệu đồng/m2, là mức không bám sát giá thị trường. Hiện tại giá đất mặt tiền khu vực nhà ông bị giải tỏa đang giao dịch ở mức trên dưới 100 triệu đồng/m2.

“Mức giá đền bù giữa đất nông nghiệp (nằm trong khu dân cư, khu có quy hoạch đất thổ cư, mặt tiền đường chính, huyết mạch của TP Thủ Đức có khoảng cách quá lớn đối với đất thổ cư (chỉ bằng 1/10 đất thổ cư, vì đất thổ cư bồi thường 73 triệu/m2, trong khi đất nông nghiệp của tôi chỉ được bồi thường 7,6 triệu đồng/m2). Trong khi đó, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (CLN) lên đất thổ cư chỉ trên dưới 4 triệu đồng/m2…” - ông Lâm phân tích.

Theo ông Lâm, gia đình đã thuê Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam thẩm định giá thì đất trồng cây lâu năm có giá lên tới hơn 34 triệu đồng/m2. Trong khi đó, theo phương án bồi thường thì đất trồng cây lâu năm của gia đình ông chỉ được bồi thường 7,6 triệu đồng/m2.

Ông Lâm kiến nghị công khai thẩm định giá, nhất là các hộ mặt đường vì giá công ty do UBND TP Thủ Đức thuê thẩm định chỉ bằng khoảng 1/5 so với giá thẩm định độc lập của công ty khác do ông thuê. Khi tiến hành thẩm định giá đã có ý kiến dân chưa? Cụ thể những ai? Cơ sở nào để đưa ra mức thẩm định giá như thế?

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng kiến nghị xem xét vì sao cùng 1 trục đường, cùng 1 dự án, cùng 1 chính sách, cùng 1 nguồn vốn nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp tại TP Thủ Đức chỉ bằng 1/3 so với tỉnh Bình Dương. Trong khi đất thổ cư bồi thường lại cao gấp đôi Bình Dương, khiến cho các hộ dân cả TP Thủ Đức và Bình Dương đều không đồng thuận. Phải chăng thẩm định có vấn đề vì không cách gì, không cơ quan nào có thể ra 2 cái thẩm định tréo ngoe như thế.

Được biết, người dân đã nhiều lần yêu cầu Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng công khai chứng thư thẩm định giá từ cơ quan chức năng, nhưng không hiểu sao vấn đề này đến nay vẫn chưa được công khai, khiến người dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.

Ngoài cùng ý kiến với ông Lâm, ông Bùi Thanh Tuấn (bị thu hồi hết hơn 841mđất trồng cây lâu năm, nằm vị trí 1 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh) còn cho biết, việc áp dụng hệ số K quá thấp, không sát với thực tế. Hệ số K mặt đường lại áp dụng thấp hơn nhiều so với đất trong hẻm, đất không có lối vào…

“Tôi kiến nghị xem xét và đưa ra cơ sở nào để áp dụng hệ số K mặt tiền đường thấp hơn bên trong hang cùng ngõ hẻm, trong khi điều kiện kinh tế, xã hội, vị trí địa lý mặt tiền đường tốt hơn so với bên trong. Việc áp dụng hệ số K sai dẫn tới giá bồi thường đất mặt tiền chỉ cao hơn bên trong 10%. Trong khi giá trị thực tế giao dịch cao gấp vài lần đến vài chục lần so với đất vùng sâu vùng xa. Khi áp dụng hệ số K đã xin ý kiến dân chưa? Cụ thể những ai?” - ông Tuấn đặt vấn đề.

Nhiều hộ dân rơi vào hoàn cảnh giống ông Thắng, ông Tuấn, ông Lâm đều mong muốn chính quyền địa phương cần nghiên cứu chính sách, cơ chế để tăng giá đền bù đất nông nghiệp cho các hộ dân bị ảnh hưởng (có đất nằm giáp mặt tiền đường) lên cao nhất có thể để sát với giá thị trường và không chênh lệch thấp hơn so với tỉnh Bình Dương…

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Chu Tuấn