Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Hoan
Thứ ba, 23/08/2022 - 22:52
(Thanh tra) - Báo Thanh tra ngày 06/07/2022 có bài “Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông đã đúng luật khi cưỡng chế tài sản người dân?", phản ánh việc ông Nguyễn Bá Tân kêu cứu về việc gia đình bị Chi cục Thi hành án dân sự quận và chấp hành viên Phùng Thị Kim Liên cưỡng chế tài sản là căn nhà tại Nghĩa Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông có dấu hiệu làm trái quy định của pháp luật.
Phân tích về quy trình thực hiện cưỡng chế và các vấn đề pháp lý, một số luật gia cho rằng có nhiều tình tiết thiếu minh bạch, cần xác minh làm rõ.
Có dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện đấu giá tài sản
Như chúng tôi đã đề cập, năm 2010, vợ ông Nguyễn Bá Tân là bà Phạm Thị Ngoan được một ngân hàng hỗ trợ vốn tiêu dùng với tài sản thế chấp là căn nhà vợ chồng ông đang ở.
Thời gian đầu, vợ chồng ông Tân luôn chấp hành đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, luôn trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, đến năm 2018, do đầu tư dàn trải, gặp rủi ro trong kinh doanh, gia đình gặp biến cố lớn do người thân bị bệnh phải chạy chữa liên tục.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài làm kinh doanh đình trệ, khiến việc trả nợ gốc và lãi hàng tháng của ông bị gián đoạn.
Sau nhiều lần trao đổi cùng với ngân hàng, hai bên đã có sự thoả thuận tại tòa án về việc trả nợ. Tại Quyết định số 26/2019/QĐST-DS của TAND quận Hà Đông về “công nhận sự thoả thuận của các đương sự” đã thể hiện: Tạm tính đến ngày 29/11/2019, bà Ngoan và ông Tân đang còn khoản nợ ngân hàng số tiền 1.280.855.323 đồng, bao gồm nợ gốc, nợ lãi trong hạn và nợ lại quá hạn.
Việc trả nợ được thực hiện theo lộ trình từ 17/01/2020 - 25/08/2020, gia đình ông Tân và bà Ngoan phải trả cho ngân hàng mỗi tháng 40 triệu và đến ngày 25/09/2020 phải trả dứt điểm số nợ còn lại.
Tuy nhiên, tháng 09/2020 là thời điểm dịch Covid -19 bùng phát ở đỉnh điểm và diễn biến phức tạp, mọi hoạt động kinh doanh trên cả nước bị đình trệ, cuộc sống của người dân hoàn toàn bị đảo lộn, các nguồn thu bị đình trệ càng gây khó khăn cho gia đình ông Tân và bà Ngoan.
Do đó ông bà tạm thời mất khả năng chi trả theo Quyết định số 26/2019/QĐST-DS của TAND quận Hà Đông. Tuy nhiên, từ tháng 11/2020 đến tháng 01/2021, gia đình ông Tân và bà Ngoan đã rất cố gắng tìm nhiều cách để trả thêm cho ngân hàng số tiền là 450 triệu đồng và số nợ tại thời điểm tháng 01/2021 chỉ còn khoảng 800 triệu. Sau đó, ngân hàng cũng không có văn bản hay yêu cầu gì thêm về việc ông bà phải tiếp tục trả nợ hay phải bán đấu giá tài sản.
Trước đó, vào tháng 8/2020, chấp hành viên Phùng Thị Kim Liên, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản đã thế chấp gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số 101, tờ bản đồ số 7, diện tích 126m2 tại Nghĩa Lộ, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, của gia đình, tiến hành kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản để thi hành án.
Tháng 4/2022, ông Tân và bà Ngoan nhận được Thông báo số 1084/TB-CCTHA và số 1085/TB-CCTHA của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông về việc thi hành án dân sự.
Ông Tân và bà Ngoan đã có đơn gửi ngân hàng đề nghị xin nộp tiền để chuộc tài sản. Ngân hàng đồng ý tạm dừng bán đấu giá tài sản để tạo điều kiện cho ông Tân và bà Ngoan nộp tiền thanh toán chuộc tài sản. Do hoàn cảnh khó khăn, ông Tân và bà Ngoan đã không thực hiện được đúng thời hạn.
Văn bản số 1179/CCTHADS ngày 20/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông có nội dung như sau: “Ngày 21/5/2021, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông tổ chức bán đấu giá lần thứ 3 tại trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh Miền Bắc, ông Nguyễn Văn Việt, địa chỉ: Tổ dân phố Đoàn Kết, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội là người mua trúng đấu giá tài sản”.
Nhận đinh về điều này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh thông luật tại Hà Nội, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết: Tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản như sau: “1. Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 35 của luật này, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.
Tuy nhiên khi tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp, chúng tôi thấy việc đấu giá tài sản của gia đình ông Tân và bà Ngoan chỉ được đăng một lần duy nhất vào ngày 12/4/2021 cho lần đấu giá ngày 14/5/2021.
Với lần đấu giá thứ 3 vào ngày 21/5/2021, phóng viên khi tra cứu đã không thấy có thông báo đấu giá đăng công khai trên hệ thống này.
Với tình tiết này, luật sư Bình khẳng định: Căn cứ theo quy định tại Điều 72 và điểm c, khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản, ông Tân và bà Ngoan có quyền đề nghị huỷ kết quả đấu giá tài sản.
“Điều 72. Hủy kết quả đấu giá tài sản
3. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 6 Điều 33 của luật này”.
“Điều 33. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản
6. Người có tài sản đấu giá có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản khi có một trong các căn cứ sau đây:
c) Tổ chức đấu giá tài sản có một trong các hành vi: không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản; không thông báo công khai việc đấu giá tài sản; thực hiện không đúng quy định về bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; cản trở, hạn chế người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá…”.
Như vậy, xét về trình tự tổ chức thực hiện công khai đấu giá tài sản, ông Tân và bà Ngoan có quyền yêu cầu huỷ kết quả đấu giá.
Có hay không sai phạm trong tổ chức đấu giá của chấp hành viên?
Năm 2020, khi đất nước bước vào cao điểm dịch Covid-19, mọi người dân đều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về việc sửa đổi bổ sung Thông tư số 01 vừa nêu.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng có những giải pháp để hỗ trợ người dân.
Là một chấp hành viên, hơn ai hết bà Phùng Thị Kim Liên phải biết được những chủ trương, quyết định nêu trên để có cách giải quyết hợp tình hợp lý, san sẻ âu lo cho dân. Ngược lại, trong khi cả nước đang căng mình chống dịch và tìm giải pháp phục hồi kinh tế, chấp hành viên vẫn tổ chức bán đấu giá tài sản của gia đình ông Tân và bà Ngoan. Quá trình triển khai, bà Liên không cho gia đình ông Tân và bà Ngoan quyền quyết định lựa chọn tổ chức định giá tài sản, tổ chức đấu giá, không giám sát hoạt động của Công ty Đấu giá hợp danh Miền Bắc, không yêu cầu công ty này thực hiện theo các quy định pháp luật.
Về nội dung này, luật sư Bình cho biết: Điều 42 Luật Thi hành án dân sự quy định về niêm yết công khai như sau: “Việc niêm yết công khai văn bản thông báo chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết”.
Thế nhưng, theo phản ánh của ông Tân và bà Ngoan, không hiểu vì lý do gì nhà ông bà vẫn ở đó mà việc định giá tài sản, lựa chọn đơn vị đấu giá và các vấn đề khác liên quan, như ngày 21/5/2021 sẽ tổ chức đấu giá tài sản của mình, nhưng gia đình không hề nhận được thông báo để biết và thực hiện quyền được giám sát.
Ông Tân và bà Ngoan cho biết thêm: Sau khi bán đấu giá tài sản, chấp hành viên Phùng Thị Kim Liên đã ra Thông báo thi hành án số 1377/TB-CCTHA ngày 13/5/2022. Theo đó, bà Liên đã khấu trừ các chi phí bao gồm án phí và chi phí thi hành án… Còn lại số tiền 1.639.147.937 đồng bị giữ tại Chi cục Thi hành án quận Hà Đông.
Tuy nhiên, ngày 28/6/2022, Chi cục Thi hành án quận Hà Đông lại ra tiếp Quyết định số 07/QĐ-CCTHADS về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của 02 mảnh đất vốn thuộc về gia đình ông Tân, bà Ngoan.
Số tiền 450 triệu đang ở đâu?
Như Báo Thanh tra đã nêu ở bài viết trước, trong quá trình thi hành án, gia đình ông Tân và bà Ngoan đã thanh toán thêm cho ngân hàng số tiền nợ gốc 450 triệu vào tháng 11, tháng 12 năm 2020 và tháng 01/2021. Như vậy, tại thời điểm chuẩn bị bán đấu giá, khoản nợ chỉ còn khoảng hơn 600 triệu tiền nợ gốc và khoảng 300 triệu nợ lãi. Tuy nhiên, theo bản phân phối tiền thi hành án tại Thông báo số 1377 ngày 13/5/2022 thì số tiền chi trả cho phía ngân hàng là 1.254.248.463 đồng.
Như vậy, cần phải xem xét lại số tiền 1.254.248.463 đồng này đã trừ 450 triệu mà gia đình ông Tân và bà Ngoan đã thanh toán cho ngân hàng 3 đợt gần nhất hay chưa? Nếu chưa trừ thì số tiền 450 triệu này đang ở đâu?
Để giải đáp những thắc mắc này và có căn cứ trả lời đơn của ông Tân, bà Ngoan, ngày 21/07/2022, Báo Thanh tra đã đến làm việc với Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông.
Đại diện Chi cục cho biết: Các nội dung Báo Thanh tra nêu, phía đơn vị đã có văn bản giải trình gửi Cục Thi hành án dân sự Hà Nội. Chi cục Thi hành án quận Hà Đông không có thẩm quyền phát ngôn với báo chí và đề nghị Báo Thanh tra liên hệ với Cục Thi hành án dân sự Hà Nội để biết thêm thông tin.
Theo nhận định của luật sư Bình, với những tình tiết nêu trên cho thấy: Bà Phùng Thị Bích Liên và Công ty Đấu giá hợp danh Miền Bắc đã có dấu hiệu sai phạm trong thi hành án và tổ chức bán đấu giá tài sản đối với gia đình ông Tân và bà Ngoan.
Đề nghị Tổng cục Thi hành án và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội xác minh, làm rõ các thông tin Báo Thanh tra đã phản ánh theo đơn kêu cứu của người dân. Nếu xác định có vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành án, cần chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.
Thanh Giang - Trang Nhung
08:00 21/11/2024(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA
Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân