Nguy cơ bùng phát dịch
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ cuối tháng 6/2024 đến nay, bệnh LMLM đã xảy ra tại xã Hướng Phùng và xã Húc, huyện Hướng Hóa. Tính đến 16 giờ ngày 9/8, đã có 31 con bò mắc bệnh, chết 1 con (xã Hướng Phùng: 14 con; xã Húc: 17 con, chết 1 con). Điều đáng nói, số gia súc mắc bệnh nói trên đã phát bệnh sau khi nhập vào địa bàn 1 - 3 ngày.
Cụ thể, tại xã Hướng Phùng dịch bệnh xảy ra từ cuối tháng 6/2024, nhưng huyện Hướng Hóa chậm báo cáo và xử lý ổ dịch chưa đúng quy định, đến nay toàn bộ số bò bệnh đã lành triệu chứng lâm sàng. Tại xã Húc, bò nhập vào địa bàn ngày 29/7 đến ngày 31/7 phát bệnh.
Ngày 1/8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm bò bệnh của hộ bà Hồ Thị Ta Pưng, thôn Ta Cu gửi xét nghiệm. Tại phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 3 xác nhận mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút LMLM Type O. Hiện nay, gia súc mắc bệnh đang tiếp tục được phát hiện tại các thôn có nhập bò tại địa bàn xã, do đó nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tính chất lây lan rất nhanh của bệnh LMLM và đàn trâu, bò tại địa phương chưa được tiêm vắc xin phòng LMLM thì việc dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn huyện Hướng Hóa và các địa phương khác có nhiều xã đang thực hiện cung ứng giống vật nuôi từ các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình theo các chương trình MTQG trên địa bàn.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ, xử lý dứt điểm ổ dịch LMLM tại xã Húc và xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa, không để lây lan diện rộng.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND huyện Hướng Hóa tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND xã Húc và xã Hướng Phùng huy động mọi nguồn lực nhanh chóng dập tắt ổ dịch, chặn dịch bệnh lây lan. Tiến hành tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, bao vây ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đồng thời, UBND huyện Hướng Hóa tạm thời ngừng xuất nhập, nuôi mới gia súc mẫn cảm với bệnh LMLM như: Trâu, bò, dê, lợn cho đến khi có ý kiến của cơ quan chuyên môn.
Cần kiểm tra làm rõ
Điều đáng nói, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dịch bệnh LMLM xảy ra tại 2 địa bàn xã này hầu hết là số bò được cấp về từ các dự án thuộc Chương trình MTQG.
Cụ thể, ngày 26/7, UBND xã Hướng Phùng nhận 62 con bò từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để cấp cho 31 hộ dân tại 5 thôn.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, UBND xã nhận thông tin phản ánh của người dân, khi kiểm tra thì phát hiện có 14 con bò nhận ngày 26/7 bị bệnh với biểu hiện: Có vết loét kẻ chân, viêm quanh viền móng, đi lại khó khăn, một số con có vết loét ở miệng nhưng sự việc này không được UBND huyện Hướng Hóa báo cáo cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Còn tại xã Húc, ngày 29/7, UBND xã Húc tiếp nhận 53 con bò từ Chương trình MTQG và số bò này được cấp cho 5 thôn. Tuy nhiên, ngay sau đó, người dân đã phản ánh bò vừa được cấp đã đổ bệnh. Ngày 1/8, qua kiểm tra con bò vừa được cấp ngày 29/7 tại hộ bà Hồ Thị Ta Pưng (thôn Ta Cu, xã Húc) có biểu hiện lở loét miệng, kẻ móng chân, hở viền móng, đi lại khó khăn.
Theo thông tin chủ hộ, một ngày sau khi tiếp nhận, bò dự án cấp về đã có biểu hiện đi lại khó khăn, miệng chảy nước bọt nên đã báo chính quyền địa phương. Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm lấy tại hộ bà Hồ Thị Ta Pưng dương tính với vi-rút LMLM Type O.
Đến ngày 5/8, tại xã Húc tiếp tục phát hiện 9 con bò được cấp từ dự án nhận vào ngày 29/7 mắc bệnh LMLM. Đến thời điểm này, số bò dự án cấp về mắc bệnh LMLM tại xã Húc là 14 con và đã có 7 con bò khác của người dân nuôi từ trước cũng mắc bệnh LMLM.
Điều đáng nói, số bò được cấp từ các dự án thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Hướng Hóa trong thời gian qua số lượng rất lớn. Tuy nhiên, việc kiểm tra nguồn gốc giống, công tác kiểm dịch vẫn còn nhiều bất cập và chưa rõ ràng, minh bạch.
Một cán bộ thú y cho biết đáng lẽ ra, phải thực hiện theo quy định được phê duyệt trong hồ sơ thầu là cách ly tập trung 7 - 10 ngày số bò từ địa bàn khác đưa vào để kiểm tra, theo dõi rồi chủ đầu tư mới nghiệm thu, sau khi đạt mới bàn giao về cho người dân. Tuy nhiên, số bò này sau khi được nhà thầu trúng thầu thì chở trực tiếp về các xã, giao cho các hộ dân chứ không hề cách ly.
“Bên cạnh đó, theo các hồ sơ mà nhà thầu cung cấp thì số bò dự án khi cấp về có hồ sơ “rất đẹp” với các giấy tờ kiểm dịch, thú y liên quan cũng như trong thời gian “bảo hành” tiêm vắc xin”. Tuy nhiên, khi hàng loạt số bò được cấp về chỉ 1 - 3 ngày sau thì bị LMLM thì rõ ràng có vấn đề. Trong đó cần xem lại việc tiêm vắc xin và quy trình kiểm dịch của cơ quan chức năng liên quan trong hồ sơ về nguồn gốc con giống, hồ sơ thú y của nhà cung ứng đưa ra”, vị cán bộ này nêu.