Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần làm rõ các gói thầu mua bò cho hộ nghèo

Minh Tân

Thứ năm, 28/03/2024 - 06:36

(Thanh tra)- Để thực hiện Dự án 2 - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2023, UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã ban hành hàng loạt quyết định phê duyệt nhằm mua sắm bò sinh sản cho người dân. Thế nhưng, các gói thầu bộc lộ nhiều bất cập và thiếu minh bạch.

Một con bò được cấp về cho hộ nghèo tại thôn Cu Dông, dù theo hồ sơ quy định trung bình mỗi con bò có trọng lượng 159,4kg. Ảnh: Minh Tân

Hộ nghèo nhận bò phải nộp tiền?

Sau khi vượt qua quãng đường đầy ổ gà và những con dốc dựng dứng, chúng tôi có mặt tại thôn Cu Dông, xã Húc, huyện Hướng Hóa - nơi người dân vừa được cấp 18 con bò sinh sản theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023. Ngay đầu thôn, 2 con bò vừa được nhận của hộ Hồ Văn Bin và Hồ Văn Hoạt được cột chung với 1 con bò khác ở trong thôn.

Cả 2 con bò đều gầy trơ cả bộ xương và khá hoảng loạn khi thấy người lạ. Đây cũng là 2 con bò nhỏ nhất trong số 18 con bò mà dự án cung cấp về cho người dân tại thôn Cu Dông. Dù theo dự án, mỗi con bò giống được cấp về cho người dân có trọng lượng bình quân là gần 160kg/con, nhưng với 2 con bò này, người dân cho rằng chưa đến 100kg/con.

Ông Hồ Văn Chêng, Trưởng thôn Cu Dông cho biết, ngày 17/3 vừa qua, 18 hộ dân thôn Cu Dông nhận bò về. Tuy nhiên, trong đó có 2 con bò khá dữ nên người dân đề nghị đơn vị cung ứng giống đổi và 1 con bò khác bị ốm. “Sau khi có ý kiến người dân, tôi đã có ý kiến lên Chủ tịch UBND xã Húc. Sau đó, 2 con bò của hộ Hồ Văn Bin và Hồ Văn Hoạt đã được đổi lại, dù hơi nhỏ, nhưng bà con vẫn nhận vì họ (đơn vị cung ứng giống - PV) đã đưa vào rồi”, ông Chêng cho biết.

Những con bò gầy trơ xương tại thôn Cu Dông, theo người dân, mỗi con bò này chỉ mua từ 11-12 triệu đồng. Ảnh: Minh Tân

Đồng thời, theo phản ánh của các hộ dân, số bò cấp trong đợt này có con to, con nhỏ không đồng đều. “Số bò cấp 7 có, 5-6 có, 8-9 có. Tuy nhiên, do bốc thăm để nhận nên bà con không có ý kiến gì. Thế nhưng, nếu để bà con mua thì mỗi con bò giống đẹp chỉ 11-12 triệu đồng thôi”, một người dân thôn Cu Dông cho biết.

Tương tự, tại thôn Ra Ty, Ta Xía, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, người dân nơi đây cũng phản ánh tình trạng sau khi nhận bò thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 17/3/2024 vừa qua, cũng bị chết.

“Lúc đưa bò xuống xe thì nó xỉu rồi. Đưa về được một hôm, hôm sau thì nó chết, khi báo cho xã thì làm thịt ăn rồi”, đại diện chủ hộ Hồ V.T (thôn Ra Ty) vừa đưa nồi xương bò còn sót lại vừa cho biết.

Đồng thời, theo phản ánh của người dân thôn Ra Ty, trong đợt này, người dân được nhận 20 con bò thì mỗi hộ phải nộp cho trưởng thôn 1,7 triệu đồng. “Mình không biết tiền đó là tiền gì, nhưng trưởng thôn nói muốn nhận bò phải nộp số tiền nói trên. Mình hộ nghèo nhận bò thì lấy đâu ra tiền, thế nên phải đi vay mượn nộp cho trưởng thôn số tiền nói trên”, hộ Hồ V.T cho biết thêm.

Để nhận những con bò như thế này, mỗi hộ nghèo thôn Ra Ty phải nộp 1,7 triệu đồng trước khi nhận bò. Ảnh: Minh Tân

Về số tiền thu 1,7 triệu đồng của người dân được nhận bò từ dự án, ông Hồ Văn Pầng, Chủ tịch UBND xã Hướng Lộc cho biết: Việc thu này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, hộ gia đình được nhận bò phải đóng góp tiền mặt với mức bằng 10% kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình để thực hiện quay vòng trong cộng đồng theo quy định.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc đa phần các hộ dân nhận bò là hộ nghèo, việc thu tiền ngay của người dân liệu có hợp lý khi những hộ này phải đi vay mượn để nộp trước khi nhận bò, và đây là số tiền không hề nhỏ đối với hộ nghèo. Trước vấn đề này, ông Pầng chỉ im lặng.

Nhiều bất cập, thiếu minh bạch

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong ngày 17/3/2024, có 38 con bò cái vàng sinh sản thuộc Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng - Nhân rộng mô hình giảm nghèo "Chăn nuôi bò vàng sinh sản" (Dự án 2 - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) được đơn vị cung ứng là Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành (có địa chỉ tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đưa vào cho người dân tại thôn Ra Ty và thôn Tà Xía, xã Hướng Lộc và thôn Cu Dông,  xã Húc.

Công ty này trúng gói thầu cung ứng 18 con bò giống cái vàng sinh sản tại thôn Cu Dông với giá 315 triệu đồng, đơn giá trúng thầu 17,5 triệu đồng/con. Tại gói thầu cung ứng 20 con bò giống cái vàng sinh sản tại thôn Ta Xía và thôn Ra Ty, công ty này trúng thầu với giá 340 triệu đồng, tức 17 triệu đồng/con.

Một con bò bị chết sau khi nhận và người dân làm thịt, chế biến thành món ăn. Ảnh: Minh Tân

Nguồn gốc xuất xứ số bò giống được công ty cung cấp trong hồ sơ đấu thầu từ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dụng (xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nhưng trong hồ sơ công ty này cung cấp, số bò này lại được lấy từ bà Đ.T.K.P (trú tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Tuy không đúng như trong hồ sơ đấu thầu và cam kết của công ty, nhưng số bò trên đã được xã và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của huyện Hướng Hóa nghiệm thu, bàn giao về cho người dân.

Điều lạ hơn, tại biên bản nghiệm thu 18 con bò giống tại xã Húc không hề có đại diện các hộ tham gia thực hiện dự án. Một số hạng mục khác tại biên bản nghiệm thu, như: Về chất lượng giống bò vàng sinh sản; trọng lượng hàng hóa bình quân (kg/con) lại bị bỏ trống, không hề có ý kiến, đánh giá của của các phòng, đơn vị liên quan.

Biên bản nghiệm thu của đoàn kiểm tra bỏ trống nhiều nội dung quan trọng, và bò giống được đưa thẳng về cho người dân mà không hề cách ly. Ảnh: Minh Tân

Đáng nói, toàn bộ số bò này được đưa về trực tiếp cho các hộ dân, dù theo quy định sau thời gian cách ly từ 7-10 ngày (cách ly tập trung trên địa bàn thực hiện dự án), chủ đầu tư mới nghiệm thu con giống, nếu bảo đảm mới bàn giao cho người dân. Trong khi đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hướng Hóa lại đề nghị UBND xã hướng dẫn người nhận bò tiếp tục nuôi nhốt riêng tại chuồng để theo dõi và báo cáo khi có sự cố!

Trước đó, Báo Thanh tra đã có bài viết phản ánh việc thực hiện 2 gói thầu mua sắm bồn nước thuộc Chương trình MTQG do Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư có nhiều vi phạm. Vụ việc này đang được các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Trị.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc trên.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm