Mới đây, Công ty TNHH Thành Bưởi có đơn khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa về việc nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh nhà xe này hoạt động trá hình, bến lậu và né thuế. Vậy, nhà xe Thành Bưởi đang hoạt động thế nào? Trong nhiều ngày, PV Báo Giao thông trực tiếp điều tra, làm rõ các hoạt động của nhà xe Thành Bưởi...

Kỳ 1: Hợp đồng bằng... miệng, thu tiền trực tiếp

Để lách luật, né thuế, nhà xe Thành Bưởi đã hợp thức hóa bằng chiêu thức hợp đồng miệng với hành khách và thu tiền trực tiếp trên xe, không hề có vé, vi phạm quy định trong hoạt động vận tải.

Xe hợp đồng nhận đặt chỗ

Chiều 11/3, trong vai một hành khách muốn có vé từ TP.HCM về TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), PV Báo Giao thông gọi điện thoại đến tổng đài 08 38306306 của Công ty TNHH Thành Bưởi tại TP.HCM. Nhân viên Thành Bưởi cho biết, muốn đặt bao nhiêu chỗ cũng được, cứ 30 phút có một xe xuất bến tại số 1 đường Vĩnh Viễn, Q.10. Nhân viên còn cho biết, do đường Vĩnh Viễn ban ngày cấm xe trên 25 chỗ vào nên phải trung chuyển ra khu vực khác, chỉ từ 22h - 5h sáng hôm sau xe giường nằm mới vào được. Chúng tôi chọn chuyến đi xuất phát từ số 1 Vĩnh Viễn lúc 22h15 với số giường 1B.

Lúc 21h30, PV đến gặp nhân viên trực văn phòng Công ty TNHH Thành Bưởi ở bãi xe số 1 Vĩnh Viễn. Đọc số điện thoại đã đăng ký đặt chỗ, nhân viên đưa cho PV một “Phiếu thông tin” trong đó có ghi ngày đi là ngày 11/3, lúc 22h15 xe BKS 51B - 111.45, vị trí giường 1B.

Thống kê từ Sở GTVT TP HCM cho thấy, từ 6-12/3, Thành Bưởi có vài trăm xe chạy hợp đồng từ TP HCM đến Lâm Đồng. Cụ thể, ngày 6/3 có 77 xe; ngày 7/3 có 72 xe, ngày 8/3 có 67 xe; ngày 9/3 có 76 xe; ngày 10/3 có 101 xe; ngày 11/3 có 91 xe; ngày 12/3 có 82 xe. Tất cả các xe này dưới danh nghĩa là xe hợp đồng nhưng đều xác nhận đặt chỗ của hành khách và nhân viên trực tiếp thu tiền của hành khách đi trên xe mà không hề bán vé.

“Không thu tiền hả em? Sao không có vé, anh muốn có vé để thanh toán công ty”, tôi hỏi. “Lên xe mới thu tiền. Muốn có hóa đơn thanh toán, anh cho thông tin, mã số thuế, bên em sẽ xuất hóa đơn”, cô này nói.

Lấy lý do là quên mã số thuế, muốn xin một giấy tờ gì khác để thanh toán, cô nhân viên cho biết: “Bên em là xe hợp đồng nên không bán vé”.

“Em nói xe hợp đồng, nhưng anh có hợp đồng gì với bên em đâu? Không hợp đồng thì phải có vé chứ?”, tôi tiếp tục truy vấn và được cô nhân viên giải thích: “Anh gọi điện qua bên em đặt chỗ là hợp đồng rồi đó anh. Hợp đồng bằng miệng cũng được mà anh, đâu phải có văn bản là hợp đồng đâu”(?!).

Trong lúc chờ lên xe, PV ghi nhận dù tuyến đường Vĩnh Viễn cấm xe trên 25 chỗ hoạt động từ 22h - 5h, nhưng chưa đến 22h vẫn có nhiều xe giường nằm của Thành Bưởi vào bến. Cụ thể, 21h47 xe BKS 51B - 114.69 vào bãi lúc 21h47 đón khách. Xe BKS 51B - 226.49 vào lúc 21h48. Xe BKS 51B - 089.36 vào lúc 21h57. Xe BKS 51B - 157.95 vào lúc 21h59. Sau đó ít phút, Xe BKS 51B - 111.45 chở PV đi cũng vào bãi. Khi các xe này vừa vào bãi, nhân viên liên tục đọc trên loa gọi hành khách ra xe.

Đúng 22h20 xe BKS 51B - 111.45 chở PV xuất bến ra cổng số 419 Lê Hồng Phong (cổng Công ty CP Giày Sài Gòn) quẹo phải. Khi đến giao lộ đường Trần Phú, xe tiếp tục quẹo trái, len lỏi giữa dòng xe máy đến đường Nguyễn Thị Minh Khai ra Điện Biên Phủ hướng về Lâm Đồng.

Xem thêm video:

6
Chưa hết giờ cấm (22h), nhưng hai xe của Thành Bưởi vẫn vào bến tại số 1 đường Vĩnh Viễn (ảnh lớn). Phiếu thông tin nhân viên nhà xe Thành Bưởi phát cho PV đi trên xe BKS 51B - 111.45 xuất bến từ số 1 Vĩnh Viễn, P.2, Q.10 đến Lâm Đồng tối 11/3. Từ phiếu thông tin này nhân viên nhà xe thu tiền của PV (ảnh nhỏ).

Và thu tiền trực tiếp hành khách

Xe vừa lăn bánh được một đoạn, nhân viên đến từng giường để thu tiền hành khách. “Thu tiền trực tiếp chứ không có vé hả anh?”, tôi hỏi. “Không, bên em là xe hợp đồng, không chạy tuyến cố định. Anh đặt chỗ rồi lên xe bên em thu tiền chứ không có vé. Anh muốn có hóa đơn hay thắc mắc gì thì liên hệ với công ty bên em giải quyết”, cậu nhân viên trả lời.

Khi chiếc xe qua trạm Văn Thánh, Ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, tài xế cho dừng lại đón thêm nhiều hành khách. Nhân viên thông báo lịch xe chạy trên tuyến, dừng ở các điểm rồi bắt đầu đi thu tiền từng hành khách trên xe như kiểu đi xe đò trước đây.

Khi xe xuất bến tại số 1 đường Vĩnh Viễn, Q.10, trên xe có 12 hành khách. Xe chạy đến quán cơm Đồng Tháp (Lâm Đồng), PV đếm trên xe có khoảng 40 hành khách. Tất cả là khách đi riêng lẻ về Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt... không hề do một đơn vị nào đứng ra hợp đồng với Công ty Thành Bưởi để chở những hành khách này.

Anh Võ Tấn Cường (trú tại TP Bảo Lộc), một hành khách thường xuyên đi xe Thành Bưởi cho biết: “Tôi đi xe Thành Bưởi thường xuyên, cứ gọi đặt vé rồi đúng giờ là ra bến đi thôi, không hề biết hợp đồng và cũng chưa bao giờ nghe hợp đồng với nhà xe này”, anh Cường nói.

Vi phạm quy định vận tải

Ngày 10/3, Công ty TNHH Thành Bưởi gửi bằng email đến Sở GTVT TP.HCM thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển của xe BKS 51B - 111.45 mà PV Báo Giao thông phản ánh. Trong bản thông báo này có một số nội dung của hợp đồng ghi: Hành trình: TP.HCM - Lâm Đồng; Điểm đón: số 1 Vĩnh Viễn, P.2, Q.10; Thời gian thực hiện hợp đồng: 22h15 ngày 11/3/2017; Số lượng 25 khách.

Như vậy, theo thông báo của Công ty TNHH Thành Bưởi và trao đổi giữa PV với các nhân viên Thành Bưởi đều khẳng định xe BKS 51B - 111.45 hành trình từ số 1 Vĩnh Viễn đến Lâm Đồng lúc 22h15 ngày 11/3 là xe vận chuyển theo hợp đồng. Thế nhưng, ghi nhận thực thế của PV Báo Giao thông và nhiều hành khách đi trên chiếc xe này thì hoàn toàn không hề có bất kỳ hợp đồng gì với Công ty TNHH Thành Bưởi mà phải trả tiền trực tiếp như đi xe đò. Hơn nữa, số lượng khách thực tế PV đếm được trên xe là 40, nhưng Thành Bưởi chỉ thông báo với Sở GTVT TP.HCM là 25.

Tại Khoản 1, Điều 47 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ GTVT nêu rõ: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; Không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”. Như vậy, việc Công ty TNHH Thành Bưởi tổ chức nhận đặt chỗ của hành khách, thu tiền hành khách đi trên xe là vi phạm quy định của Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT.

Nhóm P.V/Báo Giao thông