Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nước mắt người mẹ khi bị “tước đoạt” quyền nuôi con

Lê Phương

Thứ năm, 04/05/2023 - 22:50

(Thanh tra) - Chia sẻ về việc hơn 2 năm qua bị chồng và cha mẹ chồng ngăn cản không cho gặp và chăm sóc con trai nhỏ, chị Nguyễn Thị Hà không thể ngăn được dòng nước mắt. Điều đáng nói, khi con trai bị chồng và bố mẹ chồng “bắt” rời xa vòng tay mẹ, bé mới chỉ 11 tháng tuổi. Từ đó, 27 tháng trôi qua, chị Hà mới được gặp con 3 - 4 lần. Thời gian gặp chỉ được tính bằng phút.

Tưởng rằng sau 20 tháng chờ đợi sự phán quyết của tòa cấp sơ thẩm thì chị Hà sẽ được đón và chăm sóc con nhỏ sau li hôn, nhưng đến nay lại phải mòn mỏi chờ sự phán quyết của tòa án cấp phúc thẩm chưa biết khi nào mới đưa vụ việc ra xét xử? Ảnh: LP

Nỗ lực tiếp cận con

Năm 2017, chị Nguyễn Thị Hà kết hôn cùng anh Trịnh Quý Trọng. Hai người có 1 con chung là cháu Kh. sinh năm 2019.

Tháng 11/2020, sau khoảng thời gian sống chung có nhiều mâu thuẫn, chị Hà và anh Trọng ly thân và thỏa thuận thay phiên nhau chăm sóc con.

Sau khi ly thân, chị Hà cùng con trai chuyển về sinh sống cùng bố mẹ đẻ tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Kkhoảng 2 tháng sau, vào ngày 12/1/2021, khi chị Hà đi làm, anh Trọng cùng bố mẹ đẻ trèo tường vào nhà gây gổ với nhà ngoại rồi đưa cháu Kh. đi.

Sau khi sự việc xảy ra, 2 bên gia đình đã cùng gặp và thỏa thuận cả bố và mẹ đều được nuôi dưỡng, chăm sóc Kh. Tuy nhiên, đến thời gian thỏa thuận để mẹ được chăm sóc con, gia đình anh Trọng luôn tìm cách che giấu, thậm chí đưa Kh. đi khỏi nơi gia đình đang cư trú và tìm mọi cách ngắt liên lạc không cho chị Hà gặp con trai.

Nhớ thương con da diết mà không được gặp, chị Hà đã làm đơn kêu cứu gửi Hội Phụ nữ phường Thanh Lương, Công an phường và UBND phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ. “Sau khi tôi có đơn kêu cứu, gia đình anh Trọng đã gọi điện đến cơ quan nơi tôi công tác cũng như các mối quan hệ của tôi, bịa đặt chuyện nhằm bôi nhọ danh dự của tôi, không cho tôi được gặp con”, chị Hà bức xúc.

Cũng theo chị Hà, ngày 19/3/2021, tại UBND phường Thanh Lương, anh Trọng đồng ý thỏa thuận 2 bên cùng được chăm sóc, nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, ra khỏi trụ sở thì mọi việc lại đâu vào đó, chị Hà vẫn không được gặp con dù nhiều lần cố gắng đến nhà anh Trọng.

Nhiều lần tìm con cũng như thỏa thuận không thành, chị Hà quyết định gửi đơn ly hôn đến TAND quận Hai Bà Trưng (nơi anh Trọng đang cư trú).

TAND quận Hai Bà Trung nhận đơn và thụ lý hồ sơ lần đầu vào ngày 9/2/2021, nhưng phải 20 tháng sau mới đưa ra xét xử.

Chị Chu Thị Thái Linh, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Tôi đã cùng chị Hà đến nhà anh Trọng 3 lần. Cả 3 lần chị Hà đều bị gia đình anh Trọng ngăn cản không cho tiếp cận cháu Kh. Ngày 22/3/2021, tôi tiếp tục cùng chị Hà tới địa chỉ trên. Sau khi gọi điện biết được gia đình anh Trọng có người ở nhà, tôi và chị Hà đã lên tận phòng. Tại đây, tôi chứng kiến việc mẹ chồng chị Hà tấn công chị Hà và dùng lời lẽ thiếu tôn trọng, lăng mạ, xúc phạm và đẩy chị Hà ra khỏi cửa, không cho vào nhà gặp cháu Kh. Chính tôi cũng bị xô đẩy dù khi đó tôi đang đứng bên ngoài. Qua sự việc trên tôi thấy chị Hà rất khó khăn khi muốn gặp con. Quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ đang bị xâm phạm rất nghiêm trọng. Sau những lần chứng kiến sự việc cùng chị Hà, tôi cũng bị anh Trọng nhắn tin đe dọa”.

Chị Hà cho biết, ngày 9/2/2021, TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý hồ sơ, khi đó cháu Kh. mới 14 tháng tuổi. Khi nộp đơn khởi kiện ly hôn, chị có nộp đơn yêu cầu không tiến hành hòa giải nhưng tòa án vẫn tiến hành hòa giải 5 - 6 lần, mỗi lần cách nhau 1- 2 tháng. Khi quyết định đưa vụ việc ra xét xử lại tạm hoãn rất nhiều lần với lý do không rõ ràng để rồi kéo dài đến 20 tháng mới đưa ra xét xử.

Quyền và lợi ích của người mẹ ở đâu?

Ngày 14/10/2022, sau nhiều lần hoãn TAND quận Hai Bà Trưng cũng đưa vụ án ra xét xử.

Tại tòa, anh Trịnh Quý Trọng cho biết, hiện tại cháu Kh. đang ở cùng anh. Thời gian cháu Kh. ở cùng bố và ông bà nội, chị Hà rất ít đến thăm Kh.. Sau ngày 23/3/2021, chị Hà không đến thăm và chăm sóc con nữa.

Anh Trọng đề nghị Tòa giải quyết cho anh được quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con. Đồng thời, anh Trọng cũng đề nghị tòa giải quyết công nợ chung của hai vợ chồng số tiền 450 triệu đồng vay từ mẹ đẻ anh Trọng, chị gái anh Trọng và chị họ anh Trọng và chia số tiền cho thuê nhà xưởng tại số 41 Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Trong khi đó, theo chị Hà, hai vợ chồng chỉ có duy nhất cháu Kh. là con chung, tài sản chung không có. Nhà xưởng tại 41 Phan Bá Vành mà anh Trọng đòi chia là tài sản của anh trai Hà và chị dâu chị Hà. Còn khoản nợ 450 triệu đồng anh Trọng khai báo tại tòa chị Hà không hề hay biết anh Trọng vay khi nào và cũng không sử dụng vào việc chung của gia đình.

Căn cứ tình hình thực tế, kết quả xét xử tại phiên tòa và hồ sơ tài liệu liên quan, TAND quận Hai Bà Trưng quyết định giao cháu Kh. cho chị Hà trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục kể từ khi ly hôn cho đến khi con chung đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác. Tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với anh Trọng cho đến khi có sự thay đổi khác. Anh Trọng có quyền và nghĩa vụ thăm nom con không ai được cản trở.

Về tài sản chung, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu chia tài sản của anh Trọng. Về công nợ chung, buộc anh Trọng có nghĩa vụ trả nợ.

Phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng là vậy, nhưng kể từ đó, anh Trọng và gia đình vẫn không cho chị Hà được gần gũi, quan tâm chăm sóc cháu Kh.

Không đồng ý với bản án của TAND quận Hai Bà Trưng, anh Trọng có đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội.

Hồ sơ vụ án Hôn nhân gia đình phúc thẩm thụ lý số 189/TLPT-HNGĐ thụ lý ngày 16/12/2022.

Ngày 14/2/2023, TAND TP Hà Nội có Quyết định số 22/2023/QĐXXPT-HNGĐ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 28/02/2023, nhưng mãi đến ngày 17/3/2023 TAND TP Hà Nội mới xét xử phúc thẩm vụ án. Tuy nhiên sau đó lại tạm hoãn và đưa ra thỏa thuận chung giữa chị Hà và anh Trọng đồng ý để chị Hà được đón con và chăm sóc từ thứ 6 đến chủ nhật hàng tuần.

“Các ngày 17- 18/3, theo thỏa thuận, tôi đến đón con nhưng chờ cả buổi ở cửa nhà, anh Trọng và người thân không mở cửa cho vào gặp con. Ngày 24/3, tôi cùng mẹ đến đón con, nhưng trong nhà anh Trọng có rất nhiều người nhằm gây khó dễ việc tôi tiếp cận con. Khi mẹ tôi vào đón cháu, anh Trọng đã đưa bé Kh. và phòng trong và yêu cầu mẹ tôi phải lau nhà cho gia đình anh mới được tiếp cận cháu nhưng rồi cũng không được gặp. Ngày 31/3, tôi tiếp tục đến đón con thì gia đình anh Trọng nói đã đưa cháu đi Lào Cai. Ngày 7/4, tôi được vào nhà nhưng khi vừa tiến lại gần và bế được con thì người nhà anh Trọng đã tiến tới giằng bé lại và đánh tôi với rất nhiều vết thương trên người”.

Hơn 2 năm qua, với biết bao cố gắng, đổ biết bao nước mắt, người mẹ ấy vẫn chưa được chăm sóc con. Kêu cứu tới tòa án thì cấp sơ thẩm “ngâm” hồ sơ đến 20 tháng mới đưa ra xét xử, cấp phúc thẩm cũng đã gần 5 tháng tính từ ngày thụ lý hồ sơ. Quyền và lợi ích hợp pháp của người mẹ và trẻ dưới 36 tháng tuổi đáng lý được bảo vệ, nhưng trong vụ việc này đến nay vẫn chưa có hồi kết, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan tố tụng.

Không biết, TAND TP Hà Nội còn “ngâm” vụ việc đến bao giờ mới đưa ra xét xử?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Theo luật sư Phạm Văn Phượng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chị Hà là tiến sĩ y khoa, bác sỹ một bệnh viện Trung ương, có nguồn thu nhập ổn định, có đủ khả năng về kinh tế và chuyên môn để chăm sóc cháu Kh. một cách tốt nhất về mọi mặt. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện… Do vậy, trong trường hợp này, chị Hà hoàn toàn có quyền và lợi ích hợp pháp được nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Kh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm