Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nên minh bạch hóa tài sản, thu nhập và chuyển đổi vị trí công tác

Xuân Thống

Thứ năm, 20/07/2023 - 13:44

(Thanh tra) - Những ngày qua, vụ việc một công chức cấp xã ở Quỳnh Lưu, Nghệ An tham gia đấu giá và trúng 23 lô đất ở khu vực nông thôn, giá trị sinh lợi đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cơ quan chức năng địa phương đang vào cuộc kiểm tra, làm rõ và có hình thức xử lý phù hợp, thì việc xác minh theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đối với cá nhân liên quan cần được xem xét thấu đáo.

Cuộc đấu giá 56 lô đất ở xóm 5, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu diễn ra ngày 20/6/2023. Ảnh: NT

Công chức tham gia đấu giá trong ngày làm việc

Thực hiện hợp đồng giữa UBND huyện Quỳnh Lưu và Công ty Đấu giá hợp danh Quang Công Minh (Cty Quang Công Minh) về việc đấu giá 56 lô đất ở tại xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), ngày 20/6, tại hội trường UBND xã Quỳnh Hưng đã tổ chức đấu giá số lô đất bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, với giá trúng đấu giá vượt 42,7% so với giá khởi điểm. Số tiền đấu giá tăng so với giá khởi điểm lô cao nhất là 863 triệu đồng, lô thấp nhất là 200 triệu đồng.

Câu chuyện chỉ dừng lại đó nếu không có thông tin từ dư luận “phát giác” về việc ông Nguyễn Văn Trọng (SN 1971), trú tại xã Quỳnh Hưng, hiện đương chức là công chức tài chính - kế toán xã Quỳnh Bá (từng có thời gian làm việc tại xã Quỳnh Hưng) được xác định trúng đấu giá 23 lô đất tại vùng quy hoạch Đồng Quan, ở xóm 5, xã Quỳnh Hưng, thuộc đối tượng không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, cũng như quy định của tỉnh Nghệ An ban hành trong hoạt động này.

Vụ việc gây sự chú ý hơn khi ông Nguyễn Văn Trọng là em trai của ông Nguyễn Văn Qúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, đồng thời là người ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm các lô đất trên.

Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, từ xác minh phản ánh, UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo tổ giám sát đấu giá quyền sử dụng đất (tổ giám sát) huyện phối hợp với các phòng, ngành liên quan xác minh thông tin.

Qua báo cáo của tổ giám sát, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo họp cho ý kiến xử lý kết quả đấu giá 23 lô đất này. UBND huyện Quỳnh Lưu kết luận: Phiên đấu giá các lô đất ở do Cty Quang Công Minh thực hiện diễn ra khách quan, đúng trình tự thủ tục luật định, tuy nhiên để xảy ra sai sót như công dân có ý kiến phản ánh.

Để xảy ra sự việc này là do đấu giá viên chủ quan, không kiểm tra, rà soát kỹ tư cách khách hàng khi tham gia đấu giá. Việc đấu giá viên công nhận và xác định ông Nguyễn Văn Trọng là người trúng đấu giá 23 lô đất trên là vi phạm các quy định của pháp luật được quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 38 Luật Đấu giá tài sản 2016; điểm b, Khoản 3, Điều 8 Quyết định 12/2018 ngày 2/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, là công chức xã Quỳnh Bá, người trúng 23/56 lô đất đấu giá ở vùng Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng. Ảnh: CSCC

Từ các căn cứ này, UBND huyện Quỳnh Lưu quyết định không công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 23 lô đất đã được đấu giá viên công bố và xác định ông Nguyễn Văn Trọng là người trúng đấu giá do vi phạm các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Cùng với kết luận trên, UBND huyện đã giao trách nhiệm cho các phòng, ban liên quan và các cá nhân, trong đó, giao Cty Quang Công Minh báo cáo giải trình rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá để xảy ra sai sót trên; giao tổ giám sát kiểm điểm trách nhiệm trong việc để xảy ra sai sót trong quá trình đấu giá các lô đất ở xã Quỳnh Hưng.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp các phòng, ngành chuyên môn nghiên cứu hướng dẫn, chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bá giao ông Nguyễn Văn Trọng có báo cáo giải trình cụ thể và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm (nếu có) đối với ông Nguyễn Văn Trọng (công chức tài chính - kế toán xã) trong ngày làm việc nhưng lại tham gia đấu giá các lô đất tại UBND xã Quỳnh Hưng (ngày 20/6), không tìm hiểu các quy định của pháp luật để xảy ra vi phạm, gây ảnh hưởng đến kết quả đấu giá, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan.

Chậm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 

Đại diện UBND huyện Quỳnh Luu cho biết, sau khi sự việc xảy ra, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tỉnh cũng đã yêu cầu UBND huyện báo cáo sự việc. UBND huyện đã chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan làm báo cáo, giải trình, làm rõ trách nhiệm.

Xung quanh câu chuyện này, dư luận hoài nghi về "dòng tiền" của ông Nguyễn Văn Trọng khi làm công chức cấp xã tại địa phương, nguồn thu nhập chủ yếu từ lương, các khoản phụ cấp, thu nhập tăng thêm (nếu có) không quá lớn, song từ đâu có thể có số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng để có thể tham gia và trúng đến hơn 1/2 số lô đất đấu giá ở vùng quê nông thôn, với tổng giá trị lên đến hơn 30 tỷ đồng.

Ngoài ông Trọng, trong danh sách công nhận trúng đấu giá còn có ông Nguyễn Văn Từ (con trai ông Trọng) cũng trúng đấu giá 20 lô đất khác.

Nghĩa là, trong cuộc đấu giá diễn ra ngày 20/6, có đến 43/56 lô đất thuộc về gia đình ông Nguyễn Văn Trọng. Do vậy, những nghi vấn này của dư luận hoàn toàn có cơ sở để cấp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức lên tiếng.

Thông báo đấu giá tài sản của đơn vị tổ chức đấu giá và bảng kê chi tiết các lô đất. Ảnh: Đức Anh

Trước đó, trả lời trước báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng đã giải thích, việc con trai ông có kết quả học tập phổ thông và đại học xuất sắc, sau đó đi nước ngoài rồi về nước làm ăn rất khấm khá. Ông có con trai là doanh nghiệp làm ăn phát đạt cũng đã được nhiều người dân địa phương biết đến.

Còn ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, người được cho là có sự “ưu ái” đối với kết quả phiên đấu giá khẳng định bản thân không hề có bất cứ vấn đề riêng tư hay ưu ái hay "đứng sau" gì cho em trai mua đất đấu giá. “Quy trình làm giá khởi điểm để đấu giá rất chặt chẽ. Bản thân tôi chỉ là thay mặt UBND huyện ký các quyết định, chứ không phải là người trực tiếp quyết định giá”, ông Quý giải thích.

Rõ ràng, ông Nguyễn Văn Trọng đang là công chức xã được pháp luật quy định những quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như nắm rõ “những điều được làm, điều không được làm” của cán bộ, đảng viên thì cần phải xem xét một cách thấu đáo, toàn diện.

UBND huyện Quỳnh Lưu, đơn vị có tài sản đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Quỳnh Hưng. Ảnh: Xuân Thống

Liên quan đối tượng là công chức cấp xã, thuộc quản lý của UBND xã Quỳnh Bá, cơ quan sử dụng là UBND huyện Quỳnh Lưu, ông Đàm Thanh Huế, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu cho hay, hồ sơ lý lịch cán bộ thể hiện, ông Nguyễn Văn Trọng từng tổt nghiệp đại học ngành Kế toán. Từ 2005 làm kế toán tại UBND xã Quỳnh Hưng, đến 2015 luân chuyển về UBND xã Quỳnh Bá, vị trí công tác chuyên môn là công chức tài chính - kế toán đến nay đã gần 10 năm.

Trước câu hỏi là công chức lĩnh vực tài chính - kế toán, theo Luật PCTN 2018, quy định tại Nghị định 158/2007 (nay là Nghị định 59/2019/CP), trong đó chỉ rõ những vị trí dễ phát sinh tiêu cực thì ông Trọng đã quá thời hạn phải thực hiện chuyển đổi, nhưng hiện tại thời hạn giữ vị trí công tác đã quá lâu, trong khi đội ngũ công chức cấp xã và kế toán trường học trên địa bàn được huyện triển khai khá nghiêm túc, liệu có sự “ưu tiên” nào, Phòng Nội vụ thông tin: Năm 2020, phòng có rà soát tham mưu luân chuyển theo Nghị định 59 thì ông Trọng thuộc diện danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi (từ 2 đến 5 năm - PV) phải chuyển đổi, song lúc bấy giờ chưa có hướng dẫn chi tiết. Phòng có xin ý kiến Sở Nội vụ để thực hiện rồi xây dựng kế hoạch luân chuyển, tuy nhiên, đến tháng cuối tháng 1/2021, khi có hướng dẫn từ sở chuyên ngành lại vướng vào những quy định liên quan cặp luân chuyển đó còn trong giai đoạn xem xét nên phải tạm dừng.

Theo kế hoạch thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác mà UBND huyện Quỳnh Lưu ban hành (14/7/2022), đối tượng chuyển đổi trong đó có công chức cấp xã làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các vị trí thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quy định định kỳ chuyển đổi (gồm công chức tài chính - kế toán, vị trí phụ trách kế toán xã, thị trấn).

“Huyện dự kiến chuyển đổi đồng chí Trọng sẽ chuyển đổi vị trí cặp Quỳnh Hưng - Quỳnh Bá (tức là ông Trọng lại quay về nơi xã Quỳnh Hưng thời điểm bắt đầu làm công chức 2005), nhưng đến nay chưa thực hiện được”, đại diện Phòng Nội vụ cho biết.

Từ đây, thông tin dư luận còn đặt ra, liệu rằng có phải ông Trọng vì có anh trai là ông Nguyễn Văn Qúy, Phó Chủ tịch UBND huyện nên được “ưu ái” kéo dài thời hạn chuyển đổi? Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, ông từng gặp và trao đổi riêng với Trưởng phòng Nội vụ huyện xem xét, rà soát đưa vào diện chuyển đổi đối với trường hợp anh Trọng, nhưng phòng vẫn chưa làm được.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm