Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt quyền sử dụng đất?

Thứ ba, 04/11/2014 - 07:57

(Thanh tra)- Cho rằng chú ruột là ông Phạm Vũ Lộ dùng thủ đoạn gian dối để bán căn nhà thờ tổ tiên tại số 4 Bảo Khánh nhằm trục lợi, anh Phạm Vũ Đạt (con trai anh ruột ông Lộ) đã gửi đơn tố cáo, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quyền sở hữu nhà (QSHN) đã cấp cho ông Lộ.

Mặt tiền ngôi nhà số 4 Bảo Khánh là quán café Bon Bon. Ảnh: Đinh Hoàng

Ngôi nhà số 4 phố Bảo Khánh, Hoàn Kiếm, Hà Nội có diện tích khoảng trên 100m2, trong đó có một phần là căn nhà thờ tổ tiên với diện tích 25m2 (hiện đang tranh chấp).

Về nguồn gốc, năm 1954, cụ Phạm Vũ Hộc (ông nội anh Đạt) có mua ngôi nhà nêu trên của một người di cư vào Nam.

Đến năm 1956, Nhà nước tiến hành cải tạo tư sản tư doanh nên đã yêu cầu cụ Hộc hiến ngôi nhà cho Nhà nước vì cho rằng cụ Hộc mua nhà của người di cư vào Nam là không hợp lệ. Tuy nhiên, ngôi nhà này gia đình (con cháu cụ Hộc) vẫn được sử dụng, trong đó có căn 25m2 làm nhà thờ tổ tiên của dòng họ “Phạm Vũ”, bởi sau khi giao ngôi nhà cho Nhà nước, cụ Hộc được thuê lại.

Năm 1977, cụ Phạm Vũ Hộc qua đời, nhưng gia đình vẫn sử dụng ngôi nhà. Hàng tháng, ông Phạm Vũ Quyên (bố anh Đạt) vẫn đến Sở Nhà đất Hà Nội đóng tiền thuê nhà.

Năm 1998, cụ Lê Thị Hợi (vợ cụ Hộc) tiếp tục ký hợp đồng thuê nhà với Nhà nước theo Hợp đồng số 10947 ngày 15/6/1998 giữa Công ty Kinh doanh nhà số 2 Hà Nội với cụ Lê Thị Hợi.

Sau khi ký hợp đồng thuê nhà, cụ Hợi đã cho ông Phạm Vũ Lộ, sinh năm 1952, là người con thứ 10 cùng với một người cháu ngoại là anh Đặng Huy Tiến, sinh năm 1960, cùng đứng tên trong phụ lục hợp đồng thuê nhà.

Năm 2002, cụ Hợi làm di chúc thừa kế cho 10 người con quản lý căn nhà thờ (trong đó có ông Lộ) cùng ký tên cam kết.

Ông Phạm Vũ Quyên (bố anh Đạt) cho biết: Sau khi cụ Hợi mất, năm 2005, ông Phạm Vũ Lộ muốn bán căn nhà thờ tổ tiên cho ông Lê Xuân Vượng, nhưng anh Đặng Huy Tiến là người cùng đứng tên trong hợp đồng thuê nhà không đồng ý. Ngày 1/10/2005, ông Lộ đã “làm giả mạo giấy tờ” bằng hình thức “đơn xin sang tên hợp đồng” gửi Xí nghiệp Kinh doanh nhà Hoàn Kiếm, để xin sang tên hợp đồng thuê nhà cho ông. Do anh Đặng Huy Tiến không đồng ý, nên ông Phạm Vũ Lộ đã “giả mạo chữ ký” của anh Tiến trong “đơn xin sang tên hợp đồng”. Sau khi “giả mạo được giấy tờ”, ông Phạm Vũ Lộ đã hoàn tất hồ sơ để mua căn nhà theo Nghị định 61/CP của Chính phủ.

“Năm 2006, Xí nghiệp Quản lý nhà quận Hoàn Kiếm đã mời ông Lộ đến ký hợp đồng mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Tại buổi làm việc với Xí nghiệp Quản lý nhà quận Hoàn Kiếm, ông Lộ không đến mà cho ông Lê Xuân Vượng (là người được ông Lộ bán nhà) đứng ra ký thay. Mặc dù không có giấy ủy quyền của ông Lộ cho ông Vượng, không đúng trình tự và thủ tục pháp lý, nhưng Xí nghiệp Quản lý nhà quận Hoàn Kiếm vẫn làm thủ tục bán nhà cho ông Phạm Vũ Lộ theo Nghị định 61/CP” - anh Phạm Vũ Đạt bức xúc cho biết.

Để xác minh đơn thư của anh Phạm Vũ Đạt, chúng tôi đã đến UBND quận Hoàn Kiếm tìm hiểu sự việc. Lãnh đạo Thanh tra quận Hoàn Kiếm cho biết: Việc khiếu nại, tố cáo của anh Phạm Vũ Đạt đang được các cơ quan chức năng xem xét.

Trao đổi với báo chí, anh Phạm Vũ Đạt cho rằng: Hành vi của ông Phạm Vũ Lộ đã cấu thành tội phạm theo Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi ông Phạm Vũ Lộ đã dùng “thủ đoạn gian dối” bằng việc “giả mạo giấy tờ” để mua căn nhà theo Nghị định 61/CP nhằm “chiếm đoạt căn nhà” của các thành viên khác đang sử dụng cùng đứng tên trong hợp đồng thuê nhà của Nhà nước.

Anh Phạm Vũ Đạt còn khẳng định: Về góc độ dân sự, theo Hợp đồng thuê nhà số 10947 ngày 15/6/1998 của Công ty Kinh doanh nhà số 2, bên thuê nhà có 3 thành viên, gồm: Cụ Lê Thị Hợi, ông Phạm Vũ Lộ và anh Đặng Huy Tiến, do cụ Lê Thị Hợi làm đại diện ký hợp đồng thuê. Nếu sang tên hợp đồng thuê nhà phải có đầy đủ các thành viên trong hợp đồng thuê nhà đồng ý và ký tên. Trường hợp này, cụ Lê Thị Hợi đã chết thì những người được thừa kế theo di chúc hoặc các đồng thừa kế theo pháp luật phải ký tên trong văn bản sang tên hợp đồng. Thực tế, “đơn xin sang tên hợp đồng” theo mẫu, được đóng dấu treo của Công ty Kinh doanh nhà số 2 Hà Nội chỉ có tên người khai là ông Phạm Vũ Lộ, ký ngày 1/10/2005, ngoài ra không có chữ ký của những người được thừa kế di sản của cụ Lê Thị Hợi để lại, còn chữ ký của anh Đặng Huy Tiến trong văn bản là “chữ ký giả mạo” nên văn bản “xin sang tên hợp đồng thuê nhà” nêu trên là vô hiệu. Vì vậy, GCNQSDĐ và QSHN đã cấp cho ông Phạm Vũ Lợi tại căn nhà nêu trên là trái pháp luật cần phải thu hồi theo quy định tại Điều 25 Nghị định 88/CP năm 2009 của Chính phủ.

Những năm qua anh Đặng Huy Tiến và một số thành viên khác trong gia đình (là con cháu cụ Hộc, cụ Hợi) vẫn gửi đơn đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền  ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ và QSHN đã cấp cho ông Phạm Vũ Lộ tại căn nhà nêu trên do các cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm trước đây đã làm không đúng quy trình về việc mua bán nhà theo Nghị định 61/CP và việc cấp GCNQSDĐ và QSHN cho ông Phạm Vũ Lộ. Ngoài ra, anh Đạt còn đề nghị cho giám định chữ ký của anh Đặng Huy Tiến để xác định rõ ràng sự việc. Vậy nhưng, không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được thực hiện?

Đề nghị các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng cần xem xét khiếu nại của các thành viên trong gia đình ông Lộ (là con cháu cụ Hộc, cụ Hợi) để xử lý và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo dòng sự kiện

Ngày 20/9/2013, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn của ông Phạm Vũ Quyên đến Công an TP Hà Nội “để chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Ngày 1/10/2013, ngày 12/12/2013, Viện KSND Tối cao đã có văn bản gửi Công an quận Hoàn Kiếm và Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Hoàn Kiếm đề nghị “kiểm tra, xử lý đơn tố giác của ông Phạm Vũ Quyên theo quy định của pháp luật”.

Ngày 10/2/2014, ngày 19/5/2014, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi anh Phạm Vũ Đạt thông báo đã chuyển đơn của anh đến Công an quận Hoàn Kiếm và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm “để xem xét, giải quyết theo quy định”.

Ngày 11/3/2014, Văn phòng Quận ủy Hoàn Kiếm đã chuyển đơn của anh Phạm Vũ Đạt đến UBND quận Hoàn Kiếm “để chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Ngày 24/3/2014, Thanh tra quận Hoàn Kiếm đã chuyển đơn của anh Phạm Vũ Đạt đến Công an quận Hoàn Kiếm “để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Đinh Hoàng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm