Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cưỡng chế tháo dỡ hay hợp thức hóa cho công trình sai phạm?

Nguyên Dũng - Trung Khánh

Thứ ba, 12/04/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Vụ việc căn biệt thự “khủng” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã gây bất bình trong dư luận. Đến nay, cơ quan chức năng liên quan của huyện Long Thành vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm sự vụ. Phải cưỡng chế tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu hay hợp thức hóa cho sai phạm của căn biệt thự này đang là vấn đề dư luận quan tâm.

Biệt thự “khủng” trái phép xây trên đất nông nghiệp tại địa bàn ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh chụp tháng 4/2021

Nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã An Phước có liên đới trách nhiệm?

Đến thời điểm hiện tại, căn biệt thự “khủng” xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành phần thô. Căn biệt thự này cao sừng sững 4 tầng được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích gần 6.000m2, có vị trí 3 mặt tiền đường lớn. Bao quanh là tường bao đã xây dựng kiên cố.

Khu đất xây biệt thự thuộc thửa đất 754, tờ bản đồ số 48, tọa lạc tại ấp 5, xã An Phước, là loại đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp) do vợ chồng ông Phạm Văn Hà, bà Nguyễn Thị Bảo Lộc (ngụ khu phố Long Khánh 3, phường Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đứng tên chủ sở hữu. Ông Hà nguyên là Bí thư phường Tam Phước, TP Biên Hòa nay đã về hưu.

Theo quan sát, căn biệt thự “khủng” được xây theo lối kiến trúc chủ đạo tân cổ điển “đá” kiểu dáng biệt thự Pháp, nguy nga, hiện đại, đồ sộ. Mặt sàn căn biệt thự lớn hàng ngàn m2, tường xây bằng gạch nung, đổ trụ xi măng vững chắc.

Dù bị cơ quan chức năng nghiêm cấm thi công nhưng chủ biệt thự “khủng” tại ấp 5 (xã An Phước, huyện Long Thành) vẫn lén lút cho thợ thi công hoàn thành phần thô. Ảnh chụp chiều 5/4/2022

Nhiều người dân địa phương cho biết, căn biệt thự này được khởi công xây dựng từ tháng 10/2018. Đến tháng 3/2020 thì dừng thi công một thời gian, sau đó tiếp tục thi công.

Đến cuối tháng 4/2021, khi đang hoàn thiện phần thô ở tầng 4 và một số hạng mục liên quan thì chủ biệt thự bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công vì chưa có giấy phép xây dựng.

Từ đó cho đến nay, biệt thự “khủng” nằm nguyên vẹn, vẫn không bị cưỡng chế, tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.

Theo tìm hiểu của PV, tháng 10/2018, căn biệt thự “khủng” được khởi công xây dựng trên đất nông nghiệp và sau đó tiếp tục được thi công nhiều tháng để làm phần thô.

Vào thời điểm này, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước và ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã (ông Cảnh phụ trách mảng trật tự xây dựng) vẫn “không phát hiện” và không có bất kỳ một văn bản kiểm tra, xử lý vụ việc hoặc yêu cầu dừng thi công công trình trái phép.

Tháng 8/2019, sau khi ông Tiếp rời cương vị Chủ tịch UBND xã An Phước để đảm nhận chức vụ khác ở huyện Long Thành thì ông Cảnh được giao nhiệm vụ đảm nhận vị trí Chủ tịch xã An Phước.

Điều bất thường, phải đến ngày 30/3/2020 (tức 17 tháng sau khi căn biệt thự được khởi công xây dựng) thì ông Nguyễn Tấn Phát (địa chính xã An Phước) cùng đại diện xã mới có buổi làm việc, lập biên bản vi phạm đối với vợ chồng bà Nguyễn Thị Bảo Lộc vì xây biệt thự không phép trên đất nông nghiệp.

Như vậy, đồng nghĩa rằng trong khoảng thời gian dài đảm đương cương vị lãnh đạo xã An Phước, dù căn biệt thự “khủng” được khởi công xây dựng nhưng ông Lê Văn Tiếp (nguyên Chủ tịch xã An Phước) và ông Phạm Văn Cảnh (nguyên Phó Chủ tịch xã) đã không “phát hiện”, không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không yêu cầu dừng thi công công trình trái phép và không có văn bản báo cáo cụ thể sự vụ đối với cơ quan chức năng cấp trên là UBND huyện Long Thành.

Với vai trò là người đứng đầu cấp xã, ông Lê Văn Tiếp và ông Phạm Văn Cảnh không biết, không phát hiện hay người vi phạm không hợp tác nên không thể xử lý?

Chính quyền xã An Phước có thể lập biên bản, báo cấp trên hoặc cơ quan quản lý người vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ đầu, cương quyết cưỡng chế. Tại sao không làm mà để cho sai phạm tiếp diễn trong một thời gian dài?

Đừng xử phạt “qua loa” rồi hợp thức hóa sai phạm

Liên quan đến vụ việc, theo tìm hiểu của PV, dù căn biệt thự “khủng” được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã An Phước, huyện Long Thành đã hơn 3 năm nay nhưng tính đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Long Thành vẫn chưa có bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc ra quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình này.

Chiều 5/4, trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành cho biết, vì căn biệt thự “khủng” được xây dựng trên khu đất nông nghiệp nên theo quy định thì không thuộc quyền quản lý, kiểm tra của đơn vị.

“Chúng tôi chỉ có vai trò giám sát, phối hợp với UBND xã An Phước và cơ quan chức năng của huyện Long Thành mà thôi. Theo luật, chúng tôi không có quyền kiểm tra, xử phạt vì công trình này thuộc khu vực nông thôn”, ông Khải nói.

Biệt thự được xây dựng trên khu đất đắc địa, xung quang là các mặt tiền lớn. Ảnh chụp tháng 4/2021

Cũng theo ông Khải, việc căn biệt thự “khủng” trên rộng hàng trăm m2 được xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã An Phước là hoàn toàn trái với mục đích sử dụng đất. “Điều này theo luật thì sai rõ rồi”, ông Khải nói.

Cùng ngày, ông Lê Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, sắp tới đơn vị này sẽ phối hợp với UBND xã An Phước và cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát lại các thủ tục pháp lý và những sai phạm về công tác xây dựng, mục đích sử dụng đất của căn biệt thự “khủng” nêu trên.

“Theo dự định là thứ năm tuần này, tức ngày 7/4, chúng tôi sẽ họp kiểm tra, rà soát lại rồi sau đó sẽ có hướng xử lý cụ thể”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại đơn vị này vẫn chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định cưỡng chế, tháo dỡ nào đối căn biệt thự trái phép.

Luật sư Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Giáp (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh). Ảnh: N.D

Luật sư Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Giáp (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, Nghị định 121 của Chính phủ đã quy định rất rõ rằng phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

“Quy định đã quá rõ ràng như vậy trên thực tế, cán bộ tại một số địa phương vẫn có tình trạng xử hình thức, không ban hành hoặc ban hành quyết định phạt qua loa, làm lơ để tồn tại, sau đó tìm cách hợp thức hóa cho công trình sai phạm mà không tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế theo quy định. Từ đó pháp luật bị xem thường, xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp vi phạm xây dựng tương tự”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, đối với công trình biệt thự “khủng” tại xã An Phước, huyện Long Thành thì cơ quan chức năng của huyện này không thể “im lặng” hoặc ra quyết xử phạt “qua loa” rồi hợp thức hóa cho sai phạm mà phải căn cứ vào quy định pháp luật, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

“Nếu chính quyền làm nghiêm, xử phạt, buộc tháo dỡ phần sai phạm ngay cả những công trình lớn hoặc công trình nhỏ thì vi phạm về trật tự xây dựng tại tỉnh Đồng Nai sẽ giảm hẳn”, ông Hòa nhấn mạnh.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm