00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viết tiếp bài “Mở cuộc kiểm tra tất cả hơn 300 mỏ khoáng sản đã cấp phép trên địa bàn” ở Thanh Hóa:

“Cơn sốt giá” tài nguyên khi kiểm tra và C03 - Bộ Công an vào cuộc

Văn Thanh

Chủ nhật, 06/04/2025 - 17:39

(Thanh tra) - Trong khi các cơ quan chức năng mở cuộc kiểm tra hơn 300 mỏ khoáng sản theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đá, cát có dấu hiệu “găm hàng” tăng giá. Các cơ Công an trong tỉnh siết chặt quản lý, đặc biệt khi C03 - Bộ Công an vào cuộc, yêu cầu Thanh Hóa cung cấp hồ sơ cấp phép 12 mỏ khoáng sản, trong đó chủ yếu là các mỏ cát, thì bất ngờ xuất hiện “cơn sốt giá” tài nguyên cát, đá.

"Cơn sốt giá" tài nguyên đất, cát diễn ra ở Thanh Hóa khi các cơ quan chức năng mở cuộc kiểm tra và C03 - Bộ Công an vào cuộc. Ảnh: P.V

“Hết thời” làm tặc

Trong khoảng thời gian từ ngày 19/2 đến ngày 1/4/2025, các đoàn kiểm tra hơn 300 mỏ khoáng sản trên địa bàn do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép từ trước đến nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã khai thác, sản xuất “cầm chừng”, “găm hàng” vì lo sợ phát hiện sai phạm không đáng có. Mặt khác, các doanh nghiệp lo đối phó, cung cấp hồ sơ cho các đoàn kiểm tra, trong đó có kiểm tra thực địa, cung cấp bản đồ khu vực khai thác khoáng sản, địa điểm các mốc giới, quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm quyết định phê duyệt, giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo giá, hợp đồng mua bán, hóa đơn bán hàng…

Các mỏ khai thác khoáng sản ở Thanh Hóa hoạt động cầm chừng, tăng giá sau khi siết chặt quản lý tài nguyên. Ảnh: P.V

Bên cạnh việc thành lập các đoàn kiểm tra, cùng với đó, Công an tỉnh cũng tiến hành rà soát, siết chặt hoạt động đầu ra, đầu vào, hóa đơn, chứng từ, khảo sát, quy hoạch, cấp phép quản lý khai thác đến việc kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, tận thu, mua bán, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi.

Chỉ tính từ đầu tháng 3/2025 đến nay, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Thanh Hóa đã “mật phục” bắt, xử lý 4 vụ, 28 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, thu giữ 6 tàu hút cát, 5 máy xúc và nhiều tang vật có liên quan. Điển hình, đêm 24/3/2025, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân bắt quả tang 3 thuyền đang khai thác cát trái phép trên sông Chu. Theo lời khai của các đối tượng thì họ đều là những người làm thuê cho Công ty TNHH Minh Thông có địa chỉ tại thôn 1, xã Thọ Lâm, được công ty cấp thuyền và các thiết bị để khai thác cát ngoài khu vực mỏ.

Tài nguyên cát bất ngờ tăng giá sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Ảnh: P.V

Cùng với công tác đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm, lực lượng Công an tỉnh đã rà soát, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng đối với các hoạt động cấp phép, nếu kiểm tra phát hiện thấy hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm trong thẩm định hồ sơ, thủ tục, điều kiện cấp giấy phép khoáng sản, vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản... gây hậu quả, thiệt hại cho Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.

Đặc biệt, cũng trong tháng 3/2025, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu, Bộ Công an (C03) vào cuộc điều tra, xác minh, thu thập hồ sơ, tạm giữ nhiều đối tượng, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, C03 Bộ Công an yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ cấp phép khai thác đối với 12 mỏ khoáng sản, trong đó chủ yếu là mỏ cát hoạt động khai thác dọc sông Chu, từ huyện Thọ Xuân xuống đến huyện Thiệu Hóa.

Từ việc siết chặt quản lý và có những biện pháp cứng rắn của các cơ quan chức năng, các mỏ khoáng sản có phép đi vào hoạt động quy củ, nề nếp, khai thác đúng vị trí, mốc giới, trữ lượng, hàng hóa bán ra phải xuất hóa đơn đúng quy định…

“Cơn sốt” giá tài nguyên

Trên cơ sở điều tra, ngày 4/3/2025, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Thiên An Phát ở Thanh Hóa và các đơn vị liên quan; đồng thời khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn "Bắt bị can để tạm giam" đối với các bị can: Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Thiên An Phát; Hà Thị Nga, cổ đông góp vốn; Nguyễn Thị Cúc, cổ đông góp vốn; Nguyễn Gia Hải, cổ đông góp vốn của công ty này về 2 tội danh "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", quy định tại khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 và tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong khi 12 mỏ khoáng sản bị C03 - Bộ Công an đề nghị cung cấp hồ sơ ở Thanh Hóa, cùng với các đoàn kiểm tra siết chặt, giá vật liệu xây dựng bỗng dưng tăng chóng mặt. Ảnh: P.V

Từ những nguyên nhân nói trên, theo phản ánh của người dân và các doanh nghiệp, trước tháng 3/2025, giá một khối đá xay nghiền bao gồm cả thuế (VAT) chỉ khoảng 180.000 đồng/khối tại mỏ; giá một khối cát bê tông, cát xây bao gồm cả VAT 200.000 đồng/khối tại mỏ. Thế nhưng, khi có các đoàn kiểm tra vào cuộc thì bất ngờ giá bật tăng lên rất cao, đá xay nghiền tăng lên có nơi 300.000 đến 320.000 đồng/khối tại mỏ, tùy vào cung đường xa gần; cát tăng lên 350.000 đồng/khối tại mỏ. Nhiều mỏ cát, đá “cháy hàng” do cung không đủ cầu, khiến chuỗi cung ứng, trong đó có bê tông thương phẩm có sử dụng đá, cát bị đứt gãy, giá bê tông cũng từ đây mà leo thang tăng so với trước đây khoảng 170.000 đồng/khối.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về việc khan hiếm đá, cát, hầu hết các chủ mỏ khoáng sản đều nêu “lý do” các ngành chức năng “siết chặt” quản lý, tiến hành kiểm tra, thanh tra, Công an vào cuộc mời các lao động làm việc ở các mỏ cát, nhân sự lái máy, tàu thuyền chưa đăng kiểm lên hỏi cung, lấy lời khai để điều tra các vụ án theo quy định quy định… dẫn đến các lao động trong lĩnh vực này lo sợ vướng vào lao lý nên bỏ đi tìm việc khác dẫn đến khan hiếm lao động. Do đó, hầu hết các mỏ đá, cát còn lại đều hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động, trong khi các công trình, dự án, nhà dân đang xây dựng nhiều, cộng với các đơn vị cung ứng đã ký hợp đồng cung cấp đá, cát khiến tài nguyên khan hiếm, dẫn đến cơn “sốt giá” tài nguyên tăng chóng mặt.

Các mỏ đá ở Thanh Hóa cũng hoạt động quy củ sau khi các cơ quan chức năng "siết chặt" quản lý. Ảnh: P.V

Liên quan đến thông tin các doanh nghiệp ở huyện miền núi Ngọc Lặc và Cẩm Thủy phản ánh, trong khi các đoàn kiểm tra đang tiến hành kiểm tra thì lại có quyết định thanh tra, gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân Thúy, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thông tin tới phóng viên: Việc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thanh tra hơn 20 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch thanh tra năm 2024 của Thanh tra Chính phủ về “Thanh tra chuyên đề về công tác quản lý thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng”.

Mục đích thanh tra nhằm phát hiện những vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý hoạt động trong thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm khi phát hiện.

Trên cơ sở này, ngày 21/3/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 3632/UBND-CNXDKH triển khai thực hiện Công văn số 238/TTCP-C.I ngày 10/3/2025 của Thanh tra Chính phủ giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên đề này và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/6/2025.

Các doanh nghiệp ở Thanh Hóa phản ánh vừa kiểm tra chưa xong lại có quyết định thanh tra. Ảnh: P.V

Trước đó, ngày 19/2/2025, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 439/QĐ-UBND về việc thành lập 3 đoàn kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung kiểm tra hơn 300 doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật hoạt động khoáng sản được UBND tỉnh cấp giấy phép. Thời gian kiểm tra hoàn thành trước ngày 1/4/2025.

Trong khi các đoàn “kiểm tra” chưa kết thúc thì lại có đoàn “thanh tra” dẫn đến có ý kiến phản ánh đến các cơ quan báo chí về dấu hiệu “trùng lặp” này.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á bán tài sản lấy tiền cho các cá nhân vay?

Bài 2: CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á bán tài sản lấy tiền cho các cá nhân vay?

(Thanh tra) - Thu về hơn 122 tỷ đồng từ việc bán cổ phần của các doanh nghiệp liên quan, sau đó, lập tức chi 156 tỷ đồng cho các cá nhân vay. Thế nhưng, tài sản bảo đảm và những cá nhân này có mối liên kết nhiều tầng, như một "bùng binh" để xoay vòng dòng tiền của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á.

Nhóm phóng viên

15:42 10/04/2025
Bài 1: Loạt sai phạm tại Dự án Khách sạn Đông Á Premier and Apartment: Giá cổ phiếu CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á không bằng “ly trà đá”

Bài 1: Loạt sai phạm tại Dự án Khách sạn Đông Á Premier and Apartment: Giá cổ phiếu CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á không bằng “ly trà đá”

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm tại Dự án Khách sạn Đông Á Premier and Apartment do Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HOSE: DAH) làm chủ đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4/2024, cổ phiếu DAH của doanh nghiệp này niêm yết ở mức 2.850 đồng/cổ phiếu, không bằng giá một ly trà đá trên thị trường hiện nay.

Nhóm phóng viên

10:00 10/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm