Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại

Thứ ba, 20/09/2011 - 10:46

(Thanh tra)- Trong đơn phản ánh gửi Báo Thanh tra, ông Phan Văn Mai, nhân viên Trung tâm Phát triển Quỹ đất (TTPTQĐ) huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh phản ánh về việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CQĐT) Công an huyện Đầm Hà ban hành Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 19/KLĐT ngày 24/8/2011 đối với ông thiếu khách quan và có những dấu hiệu mâu thuẫn. Ông Mai khẳng định: Bản thân hoàn toàn không tư lợi một đồng, nhiều biên bản kiểm đếm ông không có mặt, không được ký hoặc ký vì đã có xác nhận của lãnh đạo xã nhưng lại bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Chuồng lợn nhà ông Nghì vẫn còn, nhưng UBKT Huyện ủy lại cho rằng không có trên thực tế

Xác minh vụ việc cho thấy, tháng 5/2009, Ban Đền bù Giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Đầm Hà (nay là TTPTQĐ huyện Đầm Hà) được Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Đầm Hà giao nhiệm vụ thực hiện kiểm đếm, lên phương án bồi thường, GPMB cho dự án kênh dẫn sau tràn xả lũ Đầm Hà Động. Ban Đền bù GPMB do ông Hoàng Minh Vương làm Trưởng ban. Ngoài ra, còn có các ông: Phan Văn Mai, Đặng Văn Nam (nhân viên Ban Đền bù GPMB huyện), Ty Văn Hải (Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi), Ty Văn Cường (cán bộ địa chính xã Quảng Lợi), Trần Văn Nghì (Trưởng thôn Châu Hà)...

Dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2010. Tuy nhiên, do những bê bối liên quan đến chi tiêu tài chính, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Đầm Hà đã thành lập đoàn kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Hoàng Minh Vương, Phó Bí thư Chi bộ Ban Quản lý Dự án, Giám đốc TTPTQĐ huyện Đầm Hà.
   
Sau khi xác minh, ngày 20/1/2011, UBKT Huyện ủy Đầm Hà đã có Thông báo kết luận số 01-TBKL/UBKT, nêu rõ:… “Ông Vương và một số cá nhân liên quan đã làm thâm hụt, chi sai và thất thoát tiền của Nhà nước là 1.564.809.120 đồng, trong đó, ông Vương phải chịu trách nhiệm cá nhân về số tiền 641.071.340 đồng”.

Theo UBKT Huyện ủy Đầm Hà, ông Vương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, báo cáo sai sự thật, lừa dối cấp trên, làm trái quy định trong quản lý tài chính, tài sản và bồi thường GPMB gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và tiêu chuẩn đảng viên. Xét mức độ vi phạm rất nghiêm trọng của ông Vương, UBKT Huyện ủy Đầm Hà đề nghị áp dụng hình thức kỷ luật về Đảng ở mức cao nhất là khai trừ Đảng”.

Đối với ông Phan Văn Mai, UBKT Huyện ủy Đầm Hà kết luận: “Thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm đếm… Nguyên nhân vi phạm do có hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức rèn luyện đạo đức nghề nghiệp chưa cao; chịu ảnh hưởng lớn từ lãnh đạo cơ quan GPMB. Tuy thời gian đầu có giúp ông Vương đối phó với đoàn, nhưng sau tự giác nhận sai phạm, có sự phối hợp tốt theo yêu cầu của đoàn kiểm tra”.

Trên cơ sở kết luận của UBKT Huyện ủy, ngày 16/2/2011, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà ban hành Quyết định số 349/QĐ-UBND về việc thu hồi số tiền hơn 301 triệu đồng của cá nhân ông Phan Văn Mai vì “thiếu tinh thần trách nhiệm… làm thất thoát tiền ngân sách Nhà nước tại TTPTQĐ”.

Sau đó, ông Mai đã có đơn khiếu nại quyết định trên và Thông báo kết luận số 01-TBKL/UBKT, ngày 20/1/2011 của UBKT Huyện ủy Đầm Hà. Với Quyết định số 349, ông Mai khẳng định “không thể nộp tiền của cá nhân vì tôi không tham ô, không chiếm dụng số tiền trên của Nhà nước”. Theo ông Mai, số tiền trên ông Trần Văn Nghì (đại diện cho cả hộ ông Trần Văn Thuần và bà Bùi Thị Đanh) đã nhận đủ theo Biên bản trả tiền ngày 23/9/2009 của Ban đền bù GPMB huyện Đầm Hà. Chưa kể, hộ các ông, bà: Trần Văn Nghì, Bùi Thị Đanh, Trần Văn Thuần đến nay chưa nhận được quyết định hủy bỏ phương án bồi thường đã được duyệt vào ngày 4/7/2009 và không có quyết định thu hồi tiền chênh lệch do kiểm đếm khống…
Ông Phan Văn Mai cho biết, ngày 20/1/2011 đã có Thông báo kết luận số 01-TBKL/UBKT của UBKT Huyện ủy Đầm Hà, nhưng phải đến ngày 17/3/2011 “khi tôi hỏi xin thì UBKT Huyện ủy mới đưa”. Đáng nói là, bản phụ lục kiểm đếm GPMB của hộ các ông, bà: Trần Văn Nghì, Bùi Thị Đanh, Trần Văn Thuần chỉ được in trực tiếp từ máy tính của UBKT khi công dân yêu cầu giải thích về số tiền phải truy thu.
Ngày 3/6/2011, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và ngày 24/8/2011 có kết luận điều tra vụ án hình sự với các bị can: Hoàng Minh Vương, Phan Văn Mai, Đặng Thế Vịnh, Ty Văn Công.

Tại buổi làm việc với phóng viên, đại diện cơ quan Công an và Viện KSND huyện Đầm Hà đều thừa nhận CQĐT đã không chứng minh được động cơ, mục đích vụ lợi của ông Mai.

Để rộng đường dư luận, PV Báo Thanh tra đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Văn Thiện xung quanh vụ việc này.

+ Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cùng Bản kết luận điều tra số 19/KLĐT ngày 24/8/2011 của CQĐT Công an huyện Đầm Hà, ông có cho rằng đã có đủ chứng cứ và căn cứ pháp luật để kết luận ông Phan Văn Mai phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự?

- Tại Kết luận điều tra số 19/KLĐT, CQĐT cho rằng “trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Mai là người trực tiếp kiểm tra, đo đạc, xác minh, xác định về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu của các hộ: Bùi Thị Đanh, Trần Văn Nghì, Trần Văn Thuần. Tuy nhiên, ông Mai đã không trực tiếp thực hiện một số công việc như: Xác minh, đo đạc, kiểm đếm mà để Đặng Văn Nam nhờ người dân cầm thước đo kiểm đếm hộ để ghi biên bản nên đã kiểm đếm sai về đất, vật kiến trúc cây lâu năm cho các hộ Bùi Thị Đanh, Trần Văn Nghì, Trần Văn Thuần… Qua xem xét, tôi nhận thấy có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng:

Đối với hộ bà Bùi Thị Đanh: Thông báo của UBND xã Quảng Lợi ngày 17/4/2011 gửi UBND huyện Đầm Hà và Công an huyện Đầm Hà khẳng định: Đến ngày 17/4/2011, công trình của hộ bà Bùi Thị Đanh gồm 1 nhà chính (diện tích 102,57m2) và 7 nhà phụ (tổng diện tích 178,77m2) đã bị tháo dỡ toàn bộ. Nếu theo thông báo này, việc CQĐT kết luận ông Mai kiểm đếm sai, khống về vật liệu diện tích nhà chính, công trình phụ là không có cơ sở và có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì toàn bộ công trình nhà bà Đanh đã bị tháo dỡ trước ngày 17/4/2011, nhưng đến ngày 3/6/2011, CQĐT mới ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra.
         
Nội dung kết luận hộ bà Đanh được bồi thường khống 37 cây nhãn cũng cần xem xét lại. Xin nhấn mạnh: Thời điểm lập biên bản kiểm đếm là ngày 20/5/2009, nhưng đến ngày 3/6/2011, CQĐT mới ra quyết định khởi tố vụ án. Tức là, sau hơn 2 năm kể từ thời điểm kiểm đếm, hộ bà Bùi Thị Đanh đã bàn giao toàn bộ tài sản cho cơ quan có thẩm quyền và dự án sau tràn xả lũ đập Đầm Hà Động đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2010. Do vậy, nếu số lượng cây nhãn không còn đủ như khi kiểm đếm cũng là điều dễ hiểu.

Đối với hộ ông Trần Văn Nghì: Thông báo của UBND xã Quảng Lợi ngày 17/4/2011 khẳng định công trình phụ của hộ ông Nghì cũng đã bị tháo dỡ hết, chỉ còn lại nhà chính có diện tích 77,76m2. CQĐT cho rằng, phần nhà chính này và một số hạng mục đi kèm đã bị kiểm đếm sai như gác xép, sân vôi... Tuy nhiên, phần nhà chính và một số hạng mục này đều thuộc biên bản ông Mai không kiểm đếm và không ký tên xác nhận (biên bản kiểm đếm chỉ có chữ ký xác nhận của các ông: Ty Văn Hải, Trần Văn Nghì, Đặng Văn Nam và Phạm Văn Thế). Do vậy, nếu dùng làm căn cứ buộc tội ông Mai là không hợp lý.

Đối với hộ ông Trần Văn Thuần: Việc ông Mai căn cứ vào văn bản xác nhận của UBND xã Quảng Lợi ngày 20/6/2009 để đưa 6.644,9m2 đất nông nghiệp khai hoang vào biên bản kiểm đếm làm cơ sở tính bồi thường cho hộ ông Thuần là đúng với quy định của pháp luật. Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định: “Người bị Nhà nước thu hồi đất, có một trong các điều kiện sau đây thì được bồi thường: … Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp”. Thực tế, Quảng Lợi là xã có điều kiện kinh tế khó khăn thuộc vùng 135 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến thời điểm này, văn bản xác nhận của UBND xã Quảng Lợi ngày 20/6/2009 vẫn còn nguyên giá trị. Đây là căn cứ pháp lý duy nhất để xác định nguồn gốc cũng như người sử dụng thực tế diện tích 6.644,9m2 đất nêu trên. Do vậy, kết luận ông Mai làm sai trong trường hợp này là không chính xác.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 Bộ luật Hình sự thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ. Theo đó, về mặt chủ thể, tội này có chủ thể đặc biệt, phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, bản thân ông Mai chỉ là một nhân viên thuộc TTPTQĐ huyện Đầm Hà. (Ngay tại phần lý lịch bị can ở phần đầu Bản kết luận, CQĐT đã xác nhận điều này). Với vị trí là một nhân viên, ông Mai chỉ là một thành viên tham gia vào đoàn kiểm đếm và không có quyền quyết định. Điều này được thể hiện rõ nhất khi có biên bản chỉ cần chữ ký xác nhận của các ông Ty Văn Hải và Trần Văn Nghì vẫn được bộ phận áp giá tính tiền và chi trả bồi thường mà không cần phải có sự xác nhận của ông Mai. Hơn nữa, để chứng minh một người phạm vào tội thiếu trách nhiện gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được 3 điều kiện cần và đủ là: (i) Có hành vi vi phạm, (ii) đã có thiệt hại thực tế xảy ra và (iii) hành vi vi phạm chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đó.
         
Việc ông Mai không tham gia kiểm đếm một số tài sản của 3 hộ bà Đanh, ông Nghì và ông Thuần không thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại được. Ông Mai không kiểm đếm thì đã có hành vi của các ông Ty Văn Hải, Trần Văn Nghì, Đặng Văn Nam và Phạm Văn Thế xen vào. Do vậy, nếu có xảy ra sai phạm thì phải xử lý trách nhiệm của những người trực tiếp kiểm đếm và xác nhận chứ không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho ông Mai.

+  Vậy, kết luận của CQĐT có cần phải được các cấp có thẩm quyền xem xét lại cho đúng người, đúng tội, đúng pháp luật? 

- Đối chiếu kết luận điều tra với quy định của pháp luật và thực tế diễn ra, nếu làm một phép so sánh nhỏ về việc CQĐT đề nghị xử lý trách nhiệm đối với các ông Ty Văn Hải và Phan Văn Mai sẽ thấy xuất hiện một sự vô lý đến bất thường:

Thứ nhất, xét về mặt chức vụ, quyền hạn: Hồ sơ vụ án cho thấy ông Mai không thuộc trường hợp có chức vụ. Còn quyền hạn đang là vấn đề gây tranh cãi vì có nhiều quan điểm khác nhau. Trong khi đó, ông Hải là người có chức vụ, quyền hạn, vì là Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi.

Thứ hai, xét về mặt hành vi thực tế: Tất cả biên bản mà ông Mai tham gia kiểm đếm và ký xác nhận đều có chữ ký của ông Hải và đóng dấu xác nhận của UBND xã Quảng Lợi. Trong khi đó, nhiều biên bản kiểm đếm và giấy tờ xác nhận khác do ông Hải ký tên và đóng dấu xác nhận lại không hề có chữ ký của ông Mai. Thậm chí, có biên bản chỉ cần chữ ký xác nhận của ông Hải và ông Trần Văn Nghì vẫn được áp giá tính tiền và chi trả bồi thường. Tức là, hành vi của ông Mai chỉ bằng một phần hoặc là hệ quả từ hành vi của ông Hải.

Thứ ba, việc ông Mai căn cứ vào văn bản của UBND xã Quảng Lợi ngày 20/6/2009 do ông Hải ký và đóng dấu xác nhận diện tích 6.644m2 là đất khai hoang của hộ ông Trần Văn Thuần để đưa vào biên bản kiểm đếm là đúng theo quy định của pháp luật. Do vậy, giả sử có chứng minh được việc bồi thường cho hộ Trần Văn Thuần diện tích 6.644,9m2 đất nêu trên là sai thì người chịu trách nhiệm phải là ông Hải chứ không thể là ông Mai, vì việc làm của ông Mai căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật và chỉ là hệ quả từ hành vi xác nhận của ông Hải. Tuy nhiên, trong thực tế, CQĐT lại đề nghị truy tố ông Mai, còn ông Hải thì không.

Thứ tư, xét về mặt hậu quả: Một mặt, CQĐT khẳng định việc làm của ông Hải “không có mục đích tư lợi nên chưa đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, đại diện Viện KSND bổ sung “vì số tiền gây thiệt hại chưa đến 100 triệu đồng”. Trong khi đó, hành vi ông Mai chỉ bằng một phần hoặc là hệ quả từ hành vi của ông Hải và cũng không hề có mục đích tư lợi, CQĐT lại cho rằng ông Mai làm thất thoát số tiền hơn 424 triệu đồng và bị đề nghị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, trong vụ án này còn một số cá nhân khác như Đặng Văn Nam (nhân viên TTPTQĐ), Phạm Văn Thế (Chủ tịch MTTQ xã Quảng Lợi) cũng tham gia và xác nhận tại nhiều biên bản kiểm đếm, nhưng không hề bị quy trách nhiệm.
    
Như vậy, kết luận của CQĐT huyện Đầm Hà còn để lọt người, sót tội và chưa đúng người, đúng tội. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh xem xét lại để bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Tố Hoa

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm