Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch huyện “qua mặt” Chủ tịch tỉnh?

Thứ ba, 03/05/2016 - 08:28

(Thanh tra) - Các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gấp rút kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến gỗ dăm không phép báo cáo trung thực theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, Chủ tịch huyện Cẩm Thủy đã báo cáo 1 cơ sở gỗ dăm có phép, còn 2 cơ sở không phép thì lại bỏ qua!

Cơ sở gỗ dăm trái phép ngang nhiên hoạt động trên địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Văn Thanh

Huyện “giấu” 2 xưởng gỗ dăm trái phép

Văn bản số 797 ngày 22/1/2016 của ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì phối hợp với các ban, ngành chức năng, huyện, thị xã, thành phố, kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh. Căn cứ quy định của pháp luật, giấy phép đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường, nội dung dự án đầu tư và các quy định có liên quan, xử lý nghiêm các cơ sở băm gỗ dăm có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/3/2016, trước “sức nóng” của dư luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã khẩn trương, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sản xuất băm dăm gỗ theo Văn bản 797 của Chủ tịch tỉnh, đồng thời giải tỏa ngay các cơ sở trái phép, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 23/3/2016.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, nhiều huyện đã kiểm tra, báo cáo trung thực các cơ sở băm dăm gỗ được cấp phép và chưa được cấp phép trên địa bàn.

Theo báo cáo của ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy: “Sau khi kiểm tra, rà soát các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn thì hiện tại huyện Cẩm Thủy có 1 cơ sở băm dăm gỗ xuất khẩu tại xã Cẩm Châu của Công ty Thanh Thành Đạt đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở băm dăm gỗ trái phép sẽ tiến hành xử lý, giải tỏa ngay theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh”.

Báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy là vậy, nhưng theo điều tra của phóng viên, tại huyện Cẩm Thủy hiện tồn tại 2 cơ sở sản xuất băm dăm trái phép ở xã Cẩm Ngọc và xã Cẩm Sơn của Cty TNHH Dịch vụ Thương mại Miền núi và Cty Sản xuất và Thương mại Ngọc Minh.

Mặc dù trên địa bàn có tới 3 cơ sở băm dăm, nhưng văn bản Chủ tịch huyện Cẩm Thủy lại chỉ báo cáo có 1 cơ sở du nhất. Ảnh: Văn Thanh

Có mặt tại 2 cơ sở gỗ băm này, phóng viên không khỏi bất ngờ, đứng trên đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 217 đều có thể quan sát, nhìn thấy rất rõ ràng. Bên trong xưởng, dàn máy băm được lắp đặt hoành tráng, gỗ keo được chất thành đống, ô tô ra vào bốc dỡ keo, vận chuyển keo băm đưa đi tiêu thụ tấp nập. Thế nhưng, không hiểu vì sao 2 cơ sở băm dăm trái phép, có công suất lớn, đầu tư nhiều tỷ đồng này lại không được Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy đưa vào danh sách báo cáo theo chỉ đạo của cấp trên.

Qua làm việc với chính quyền địa phương và đại diện các chủ cơ sở băm dăm này, thì họ đều cho biết cán bộ huyện vẫn về kiểm tra môi trường thường xuyên. Như vậy, có thể nói không có chuyện xã không biết, huyện không hay về 2 xưởng gỗ dăm không phép này. Tới đây, câu hỏi được đặt ra: Vì sao ông Chủ tịch huyện Cẩm Thủy lại “qua mặt” Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo sai sự thật về 2 xưởng gỗ dăm trái phép này?

Đình chỉ xưởng gỗ dăm không phép tại xã Xuân Lộc

Ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã ký văn bản chỉ đạo Chủ tịch xã Xuân Lộc đình chỉ, kiểm tra, lập biên bản hành chính về việc một hộ dân cố tình vi phạm Luật Đất đai, đồng thời yêu cầu địa phương tháo dỡ công trình xưởng gỗ dăm trái phép mà Báo Thanh tra đã phản ánh. Theo đó, tiến hành kiểm điểm vai trò, trách nhiệm tập thể, cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, để người dân tự san ủi mặt bằng xây dựng xưởng gỗ dăm không phép trên địa bàn.

Chiều cùng ngày, phóng viên đến UBND huyện theo lịch hẹn, nhưng phòng bà Hà “cửa đóng then cài”. Gọi điện lại cho ông Hoài thì không nhấc máy, nhắn tin về buổi làm việc cũng không thấy ông Hoài hồi âm.

Đừng để “đánh trống bỏ dùi”

Theo báo cáo mới nhất của Sở KH&ĐT, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở 19 huyện, trong đó có 16 cơ sở được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định cho thuê đất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn lại 23 cơ sở không được UBND tỉnh chấp thuận (các cơ sở hoạt động thông qua Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT hoặc UBND huyện cấp). Có 28/39 cơ sở không được cấp có thẩm quyền chấp thuận nội dung sản xuất dăm gỗ; 5/11 cơ sở được chấp thuận có nội dung sản xuất dăm gỗ hoạt động vượt công suất đăng ký là 253,5 tấn/năm.

Văn bản chỉ đạo đình chỉ cơ sở sản xuất gỗ dăm trên địa bàn xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân. Ảnh: Văn Thanh

Hầu hết các cơ sở dăm gỗ này đều không có phương án đầu tư dài hạn từ khâu trồng, thu mua nguyên liệu đến khâu chế biến. Tình trạng thiếu nguyên liệu đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán, gây mất an ninh trật tự xã hội. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng dây truyền băm dăm để xuất khẩu, không đầu tư chế biến sâu các loại sản phẩm gỗ có giá trị cao gây lãng phí nguồn tài nguyên. Nguyên nhân, đầu tư dây truyền sản xuất dăm gỗ đơn giản, ít tốn kém, mang lại lợi nhuận trước mắt, đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các dự án thu mua, khai thác, chế biến gỗ chưa thực sự quyết liệt, chưa phù hợp với định hướng phát triển rừng gỗ lớn của tỉnh.

Trước những phức tạp nói trên, Sở KH&ĐT đã đề xuất hướng xử lý với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Đối với các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận phải dừng mọi hoạt động thu mua nguyên liệu, sản xuất, chủ động tháo dỡ nhà xưởng, máy móc thiết bị dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và đề xuất xử lý những trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Được biết, ngoài huyện Cẩm Thủy, vẫn có nhiều huyện chưa báo cáo trung thực về số lượng cơ sở băm dăm trái phép. Còn việc báo cáo, thống kê các cơ sở băm dăm trái phép đã quá rõ ràng, dư luận đang trông chờ vào việc chỉ đạo xử lý của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc.

Không chấp thuận chủ trương nhà máy dăm gỗ xã Xuân Bình

Theo Sở KH&ĐT Thanh Hóa, đối với nhà máy dăm gỗ thôn Hào, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân mà Báo Thanh tra đã phản ánh, hiện không được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. UBND huyện Như Xuân và UBND xã Xuân Bình đã có văn bản đề nghị tháo dỡ nhà xưởng, máy móc thiết bị và dừng mọi hoạt động sản xuất dăm gỗ.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm