Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 08/04/2016 - 11:16
(Thanh tra)- Liên quan đến vụ “Nguy cơ “biến” nhà máy băm dăm không phép thành có phép”, mới đây huyện Như Xuân đã có báo cáo theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 25/3/2016, chủ tịch các huyện miền núi phải giải tỏa các cơ sở băm dăm gỗ trái phép. Thế nhưng, đến nay cơ sở băm dăm gỗ trái phép ở xã Xuân Bình vẫn chưa bị tháo dỡ, di dời, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ảnh: Văn Thanh
Thế nhưng, khi làm việc với PV ông Đặng Thông Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân đã không cung cấp văn bản, khiến dư luận hoài nghi có sự “mập mờ”, “bao che” cho nhà máy băm dăm trái phép này.
Thông tin bị “bưng bít”
Như chúng tôi đã phản ánh trong bài “Nguy cơ “biến” nhà máy băm dăm không phép thành có phép”, tại thôn Hào, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân mọc lên một nhà máy băm dăm gỗ trái phép, vi phạm hành lang an toàn giao thông, không nằm trong quy hoạch, đã bị đình chỉ hoạt động nay lại đang rục rịch “chạy” thủ tục để hoạt động trở lại, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Sau khi báo chí phản ánh, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến bằng văn bản gửi các sở, lãnh đạo các huyện miền núi kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện miền núi giải tỏa ngay các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn, báo cáo tỉnh trước ngày 25/3/2016.
Để làm rõ thông tin trên địa bàn huyện Như Xuân có bao nhiêu xưởng băm dăm gỗ trái phép, thực hiện việc chỉ đạo của UBND tỉnh đến đâu, PV đã gọi điện cho ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân để đặt lịch làm việc. Ông Nghiêm đề nghị PV làm việc trực tiếp với ông Đặng Thông Tư, Phó Chủ tịch phụ trách mảnh lâm nghiệp.
Đợi cả buổi chiều, cuối cùng ông Tư cùng với lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Phòng Kinh tế Hạ tầng mới làm việc với PV. Tại buổi làm việc, PV đề nghị cho biết trên địa bàn huyện hiện có bao nhiêu xưởng băm dăm gỗ trái phép? Việc thực hiện giải tỏa các cơ sở này theo chỉ đạo của tỉnh, huyện đã làm đến đâu? Thông tin phản ánh huyện và các ban, ngành đang làm thủ tục cấp phép cho nhà máy băm dăm ở xã Xuân Bình có đúng không?
Ông Đặng Thông Tư cho biết: Huyện đã có tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh nhà máy nào có phép và không có phép. Tại xã Xuân Bình có 1 nhà máy xây dựng trái phép, huyện đã có văn bản gửi điện lực không cung cấp điện. Huyện đã giao cho xã vận động nhân dân trong tuần tới tháo dỡ toàn bộ máy móc, còn nếu cưỡng chế thì rất phức tạp. Việc cấp phép băm dăm không thuộc thẩm quyền của huyện.
Khi PV đề nghị được tiếp cận báo cáo của huyện gửi UBND tỉnh thì ông Tư nhất quyết không cho, đồng thời yêu cầu PV về UBND tỉnh và Sở Kế hoạch Đầu tư lấy thông tin. “Tôi báo cáo sai, không đầy đủ thì tôi chịu trách nhiệm. Các anh thấy báo cáo không chính xác thì các anh cứ làm”, ông Tư quả quyết.
Để làm rõ việc này, PV đã gặp ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân. Mặc dù đã giải thích nhiều lần, tài liệu huyện báo cáo gửi UBND tỉnh không phải tài liệu mật, tại sao không công khai, cung cấp cho báo chí, thế nhưng, mọi thuyết phục đều bị gạt đi, thông tin vẫn bị “bưng bít”, khiến dư luận hoài nghi phải chăng đang có sự “bao che” của chính quyền đối với các nhà máy băm dăm trái phép này!
Ông Quách Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Như Xuân cho hay: Xưởng băm dăm gỗ ở xã Xuân Bình sai phạm thì sai rồi. Hiện nay khu đất này đang được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Còn cho chuyển đổi, cấp phép hay không phải do Sở TN&MT và UBND tỉnh Thanh Hóa.
“Chống lệnh” của cấp trên?
Trên địa bàn huyện Như Xuân hiện có tới 4 nhà máy băm dăm xây dựng trái phép, không được cấp có thẩm quyền cấp phép, xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp, nằm trong hành lang đường bộ ở các xã Xuân Bình, Yên Lễ, Yên Cát, Thượng Ninh.
Theo tìm hiểu của PV, các nhà máy không phép này có điểm được sự “tiếp tay” của UBND huyện bằng cách “cấp” đăng ký kinh doanh chế biến lâm sản cho hộ gia đình cá nhân. Theo đó, các hộ tự ý múc đất lâm nghiệp, san lấp mặt bằng, lắp đặt trạm điện, máy băm dăm, xây dựng nhà xưởng nhưng không bị lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý. Mãi đến khi người dân phản ánh thì các cấp chính quyền mới kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ xây dựng, nhưng chưa tháo dỡ, di dời. Việc xử lý kiểu “giơ cao, đánh khẽ” của chính quyền huyện Như Xuân và các ngành chức năng đang khiến dư luận rất bức xúc.
Thông báo của ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ tịch các huyện miền núi phải giải tỏa các nhà máy băm dăm trái phép trước ngày 25/3/2016. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các nhà máy xây dựng trái phép ở Như Xuân, đến ngày 2/4/2016 “lệnh” giải tỏa đã quá một tuần nhưng huyện Như Xuân vẫn chưa có động thái gì về việc giải tỏa, cưỡng chế, di dời máy móc, trạm điện, trả lại hiện trạng mặt bằng như ban đầu. Trái lại, nguy cơ các nhà máy băm dăm trái phép này đang “rình rập” lúc sở hở của chính quyền tổ chức hoạt động bất cứ lúc nào.
Nói về việc xử lý các xưởng băm dăm gỗ trái phép, quan điểm của ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cứ sai là phải xử lý, không để các cơ sở hoạt động không tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc ra đời các cơ sở không phép, cạnh tranh mua nguyên liệu với các đơn vị có phép sẽ phát sinh việc thu mua gỗ không đúng độ tuổi, ảnh hưởng đến quy trình đầu tư vốn, giống, hiệu quả khai thác rừng và trồng rừng thấp.
Ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chỉ nên xem xét các đơn vị có tận dụng việc chế biến lâm sản sau đó khi không thể sử dụng được mới chuyển qua băm. Việc chuyên chế biến dăm gỗ thì hiệu quả khai thác, tận dụng cây lâm nghiệp không cao bởi chủ yếu dùng gỗ nhỏ, non hiệu quả thấp, người dân thường xuyên khai thác cây trước độ tuổi, rất dễ xảy ra tình trạng trộm cắp lâm sản.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Sở là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về việc cấp phép đầu tư các dự án chế biến lâm sản, băm dăm. Hiện tỉnh đang giao cho đơn vị kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn. Ngày 24/2/2016, Sở đã có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị có liên quan, trên cơ sở văn bản tham gia ý kiến của các đơn vị và căn cứ tình hình thực tế, Sở tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các dự án chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo danh sách 28 công ty, hợp tác xã bị “sờ gáy” trong đợt này, hiện trên địa bàn Thanh Hóa còn rất nhiều nhà máy, xưởng băm dăm trái phép chưa được kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
Vì sao cơ quan chức năng không công bằng trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở băm dăm trái phép còn lại? Câu hỏi này xin gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi vừa có văn bản về việc giải quyết đề nghị của Hiệp hội Phát triển chợ tỉnh về quản lý, chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ có trên địa bàn tỉnh.
Hương Trà
09:54 05/12/2024(Thanh tra) - Khi việc phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đang còn có lúng túng, chưa thống nhất khiến dư luận quan tâm trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Trị đã nêu rõ “phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện…”.
Minh Tân
21:00 02/12/2024Lê Hữu Chính
14:13 27/11/2024Hải Viên
08:15 26/11/2024Thanh Hoa
11:21 11/11/2024Khánh Anh
15:00 04/11/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà