Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cơn sốt” gỗ dăm

Thứ năm, 21/04/2016 - 11:14

(Thanh tra) - Sau khi Báo Thanh tra đăng loạt bài phản ánh về tình trạng nhiều nhà máy chế biến gỗ dăm trái phép trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nhiều bạn đọc tiếp tục gọi điện phản ánh về tình trạng nhiều xưởng băm dăm gỗ xây dựng không phép.

Xưởng gỗ dăm quy mô tại xã Thạch Quảng, Thạch Thành. Ảnh: VT

Hỗn loạn thị trường băm dăm gỗ

Địa bàn Thanh Hóa có diện tích đất lâm nghiệp cực lớn, đồi núi nhiều, thuận lợi cho việc phát triển cây lâm nghiệp dài ngày. Những năm gần đây, chính quyền vận động nhân dân trồng keo để cung cấp, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy Giấy Châu Lộc. Tuy nhiên, do nhà máy “chết yểu”, hiện lượng keo thịt đến tuổi thu hoạch khá nhiều, đây là nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường băm dăm gỗ rất lớn.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa có cảng nước sâu Nghi Sơn, địa điểm đắc địa cho tàu thuyền vào bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng gỗ dăm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Tìm hiểu của PV, trung bình một ngày có đến hàng trăm xe tải chuyên vận chuyển hàng nghìn tấn gỗ dăm từ các nhà máy băm dăm có phép và trái phép về địa bàn cảng Nghi Sơn để nhập hàng. Loại hàng hóa này đang là “cơn sốt”, gỗ băm đến đâu được mua hết đến đó.

Dạo quanh khu vực Nghi Sơn, những núi dăm gỗ khổng lồ đang bốc hơi nghi ngút do ngấm nước mưa ẩm ướt. Xe cộ ra, vào nhập hàng tấp nập, dăm gỗ được chút vào bãi tập kết nhiều vô kể. Những chuyến tàu cập bến, tranh thủ bốc đầy dăm gỗ vận chuyển bằng đường thủy sang các nước xuất khẩu. Cứ thế, hàng trăm, hàng nghìn tấn dăm gỗ “chạy” sang nước ngoài tiêu thụ.

Việc xuất khẩu mặt hàng gỗ dăm này đã làm giàu cho nhiều chủ doanh nghiệp, do đó nhiều hộ gia đình, công ty với mong muốn “đổi đời” đã tìm cách thuê đất, đầu tư máy móc, tổ chức thu mua nguyên liệu để băm dăm gỗ trái phép, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, làm thị trường bị phá giá, hỗn loạn.

Nhà máy băm dăm mọc như “nấm”

Theo phản ánh của người dân, PV đã khảo sát ở các huyện miền xuôi và miền núi Thanh Hóa phát hiện nhiều nhà máy băm dăm gỗ chỉ có duy nhất giấy phép đăng ký chế biến lâm sản doanh do Sở Kế hoạch - Đầu tư hoặc UBND cấp huyện cấp. Hầu hết các xưởng, nhà máy băm dăm không được cấp phép theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Nhà nước.

Theo Báo cáo 263 ngày 24/3/2016 của UBND huyện Thạch Thành, trên địa bàn hiện có 5 đơn vị sản xuất băm dăm gỗ gồm: Công ty TNHH MTV Sản xuất và Chế biến lâm sản Yến Hà (thị trấn Vân Du); Công ty Cổ phần Vân Sơn (xã Thành Tâm); Công ty TNHH Sản xuất thương mại Gia Bảo (xã Thành Long); 2 hộ kinh doanh của ông Hoàng Văn Tín (xã Thành Vinh) và ông Trịnh Văn Đạm (xã Thạch Quảng). Hiện các cơ sở đã đi vào hoạt động với công suất tối đa 100 tấn gỗ/ngày, nguồn nguyên liệu chính là gỗ keo khai thác từ rừng trồng.

Tại huyện Tĩnh Gia, xưởng sản xuất gỗ dăm của doanh nghiệp Bình Minh (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia) hoạt động rất tấp nập nhưng không được cơ quan chức năng “hỏi thăm”. Cũng ở địa phương này, còn tồn tại xưởng gỗ dăm của Doanh nghiệp Minh Long hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, còn có xưởng gỗ dăm T&T của Công ty TNHH Nghi Sơn và một vài xưởng gỗ dăm không phép không có tên biển nằm rải rác ở các khu vực khác nhau. Ngay tại cảng nước sâu Khu kinh tế Nghi Sơn cũng có các nhà máy băm dăm trái phép công khai hoạt động.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lê Quang Điệp, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thạch Thành cho biết: Thực hiện công văn chỉ đạo của tỉnh, huyện đã thành lập đoàn đi kiểm tra, sơ bộ phát hiện có 5 đơn vị kể trên hoạt động băm dăm gỗ. Còn cụ thể các cơ sở này có được cấp phép hay không, thiếu cái gì thì chưa kiểm tra hết được. Chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra, rà soát. Quan điểm của huyện là sai đến đâu, xử lý đến đó.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm