Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần một bản án nghiêm minh đủ sức răn đe

Thành Nam

Thứ sáu, 15/04/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Trong nhiều năm qua, sau khi được cấp phép hoạt động, Công ty TNHH Duyên Hà liên tục có những hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản và xâm hại rừng phòng hộ tự nhiên. Tuy nhiên, sau nhiều năm, mức độ xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình chưa tương xứng với hành vi vi phạm nên không đủ sức răn đe.

Hơn 30 nghìn m2 rừng phòng hộ tự nhiên bị hủy hoại trong quá trình khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Duyên Hà. Ảnh: Internet

Liên tục có hành vi vi phạm pháp luật

Theo Báo cáo số 01/BC-KL, ngày 7/1/2020 của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp về kết quả kiểm tra hoạt động khai thác đá tại Công ty TNHH Duyên Hà, quá trình khai thác đá tại các vị trí thuộc phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, doanh nghiệp này đã gây sạt lở đất, đá xuống phía dưới vùi lấp diện tích rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Điệp đang giao khoán.

Diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng vùi lấp được kiểm tra đo đếm lần 1 ngày 12/10/2018 là 19.808m2; đo đếm lần 2 ngày 25/12/2019 là 12.574m2. Tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng vùi lấp sau 2 lần kiểm tra là 32.382m2.

Hành vi trên của Công ty TNHH Duyên Hà được xác định là cố tình hủy hoại, tàn phá rừng, vi phạm Nghị định số 35/2019/NÐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi hủy hoại rừng nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại rừng”: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông trở lên”.

Cũng trong năm 2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiến hành thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng đá vôi, đá sét khai thác làm nguyên liệu xi măng của Công ty TNHH Duyên Hà.

Tại Kết luận thanh tra số 2910/KLTTr-ĐCKS ngày 26/10/2020 đã chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty TNHH Duyên Hà, cụ thể: Việc khai thác khoáng sản đi kèm (đôlômít) năm 2017, 2018 và 2019 đối với Giấy phép số 578/GP-BTNMT ngày 26/4/2012 và Giấy phép số 1417/GP- BTNMT ngày 11/6/2015 nhưng chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Công ty TNHH Duyên Hà đã khai thác ra ngoài diện tích khu vực khai thác theo Giấy phép số 578/GP-BTNMT ngày 26/4/2012 (khu vực phía Tây khối 1-333 khoảng 3ha và khu vực phía Đông khối 3-333 khoảng 1,7ha).

Trong quá trình khai thác từ năm 2017 đến năm 2019, Công ty TNHH Duyên Hà đã nhiều lần khai thác ra ngoài mốc giới với diện tích gần 4ha.

Riêng năm 2017, doanh nghiệp này đã khai thác tại đường vận chuyển chính nối dây chuyền 1 và dây chuyền 2 nằm ngoài ranh giới mỏ với diện tích khoảng 0,6ha với khối lượng 296.252 tấn.

Năm 2018, Công ty TNHH Duyên Hà đã khai thác vượt công suất được phép khai thác nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP- BTNMT ngày 11/6/2015 là 1,3%.

Kết luận thanh tra số 465/KL-TTCP ngày 24/3/2021 của Thanh tra Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Ninh Bình, thời kỳ 2011-2018 cũng xác định: Công ty TNHH Duyên Hà trong các năm 2013, 2014, 2015 khai thác vượt hơn 300% công suất được phép khai thác tại mỏ núi đá vôi thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư và xã Yên Bình, thành phố Tam Điệp…

Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình xử lý thiếu quyết liệt

Sau khi phát hiện hành vi xâm hại rừng tự nhiên phòng hộ của Công ty TNHH Duyên Hà, ngày 9/1/2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo Hạt kiểm lâm Tam Điệp tham mưu cho UBND thành phố Tam Điệp chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan phối hợp, xem xét giải quyết vụ việc, yêu cầu Công ty TNHH Duyên Hà có phương án khắc phục, không để việc khai thác đá của công ty ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Nếu xét thấy hành vi vi phạm vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính, thì tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp chỉ đạo cơ quan công an phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

Vậy nhưng, việc hủy hoại hơn 32 nghìn m2 rừng phòng hộ tự nhiên của Công ty TNHH Duyên Hà gần như “chìm xuồng” khiến dư luận bức xúc và đặt nhiều dấu hỏi về công tác quản lý rừng phòng hộ của tỉnh Ninh Bình.

Đến ngày 25/3/2022, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Công thương; UBND thành phố Tam Điệp yêu cầu thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra, làm rõ nội dung một số cơ quan báo chí phản ánh Công ty TNHH Duyên Hà khai thác mỏ ngoài mốc giới làm ảnh hưởng tới diện tích rừng phòng hộ tại khu vực phường Tân Bình, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp.

UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND thành phố Tam Điệp và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, làm rõ và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 20/4/2022.

Ngày 28/3/2022, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xác minh, làm rõ thông tin phản ánh về việc hủy hoại rừng của Công ty TNHH Duyên Hà và gửi về Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc trước ngày 9/4/2022.

Sai phạm của Công ty TNHH Duyên Hà đã rõ, được các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương kết luận, chỉ đạo xử lý. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thiết nghĩ trong vụ việc này cần có một bản án thì mới đủ sức răn đe.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm