Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Bỏ quên” giấy phép môi trường, thi công làm nứt nhà dân

Hải Hà

Thứ sáu, 06/10/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Theo quy định, công trình xây dựng, cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn Trường Tiểu học Đại Yên phải có giấy phép về môi trường. Thế nhưng chủ đầu tư đã “bỏ quên” quy định này, quá trình thi công gây ô nhiễm môi trường, làm lún, nứt nhà dân...

Người dân phản ánh công trình thi công không che chắn cẩn thận...

Thi công xuyên ngày đêm, người dân sống trong lo lắng

Thời gian qua, Báo Thanh tra nhận được đơn của các hộ dân sống tại ngách 179/44 phố Đội Cấn (quận Ba Đình, TP Hà Nội) phản ánh về việc xây dựng công trình cải tạo, bổ sung phòng chức năng và nhà ăn Trường Tiểu học Đại Yên vi phạm pháp luật về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường, làm lún, nứt nhà dân. Đơn vị thi công đã đổ phế thải trực tiếp từ trên tầng cao xuống mà chưa lắp đặt lưới bao che chắn khiến bụi đất bay mù mịt, gạch đá văng vào mái tôn các nhà xung quanh… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và tinh thần của người dân.

Đặc biệt, các hộ dân cho biết, khoảng cách gần nhất từ công trình được xây mới tới tường nhà các hộ dân là 2,5 mét, khoảng cách gần nhất từ công trình phá dỡ tới tường nhà các hộ dân là 3 mét. Đơn vị thi công đã tự ý gắn kết giàn giáo chịu lực sang nhà các hộ dân để tiến hành đổ bê tông cột, sàn đã làm ảnh hưởng tới kết cấu của một số nhà liền kề, gây sụt, lún nứt tường, dầm, sàn… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đơn vị thi công đổ phế thải trực tiếp từ trên tầng cao xuống... Ảnh: HH

Chưa hết, suốt quá trình thi công hơn 8 tháng, nhiều hôm đơn vị thi công làm xuyên đêm, làm cả ngày thứ 7, chủ nhật với mật độ dày đặc đã tạo ra tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tinh thần của các hộ dân liền kề.

Những vấn đề nêu trên đã được các hộ dân làm đơn gửi UBND phường Đội Cấn, UBND quận Ba Đình từ ngày 17/7/2023. Đến nay đã hơn 2 tháng, các cấp chính quyền vẫn chưa có văn bản trả lời đơn của công dân.

Người dân phản ánh, công trình xây dựng làm nứt tường nhà dân. Ảnh: HH

Ban Quản lý nói… “không gây hậu quả nghiêm trọng”

Theo người dân, chủ đầu tư đã tiến hành thi công công trình trước khi tiến hành khảo sát hiện trạng các hộ dân liền kề. Cụ thể, ngày 12/11/2022, đơn vị thi công tiến hành phá dỡ khối nhà "thể chất cũ" 2 tầng để xây dựng mới nhà chức năng 7 tầng.

Quá trình phá dỡ, một số hộ dân phản ánh có dấu hiệu nứt tường, đến ngày 25/11/2022, đơn vị thi công phối hợp các bên liên quan khảo sát hiện trạng một số nhà dân liền kề, một hộ khác được khảo sát vào ngày 18/12/2022. Theo người dân, chính việc làm ngược này đã gây khó khăn trong việc thỏa thuận đền bù.

Để làm rõ nội dung theo phản ánh, phóng viên Báo Thanh tra đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng quận Ba Đình - chủ đầu tư dự án. Ông Lê Trí Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý khẳng định, chủ đầu tư đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện các cuộc khảo sát những hộ dân xung quanh.

Hình ảnh người dân cung cấp việc phá dỡ công trình được thực hiện ngày 19/11/2022

Đại diện Ban Quản lý cũng cho biết, các cuộc khảo sát được thực hiện trước khi thi công, phá dỡ công trình. Tuy nhiên, theo một số biên bản khảo sát, cuộc khảo sát nhà số 2 được thực hiện vào ngày 25/11/2022; khảo sát nhà số 10 được thực hiện vào các ngày 18/12/2022 và 7/7/2023.

Người dân cũng đã cung cấp những hình ảnh chứng minh công trình được thi công, phá dỡ trước đó (ngày 19/11/2022).

Tại các biên bản khảo sát có ghi nhận vết nứt, lún trên bờ tường, sàn nhà của các hộ dân liền kề sống trong ngách 179/44 phố Đội Cấn. Ban Quản lý dự án cho biết, đến nay, 4/5 hộ dân có đơn đã đạt được thỏa thuận đền bù, còn 1 hộ dân chưa thống nhất được mức thỏa thuận.

“Chúng tôi đã bàn đến phương án thuê đơn vị kiểm định vào đánh giá thiệt hại. Bên trả chi phí kiểm định sẽ dựa vào kết quả kiểm định: Nếu các vết lún, nứt xuất hiện trước khi thi công, các hộ dân sẽ chi trả; còn nếu các vết lún, nứt xuất hiện sau khi thi công, chúng tôi sẽ chi trả và bồi thường đúng theo quy định. Ban Quản lý cũng đã chấp nhận ứng ra trước một số tiền để thuê đơn vị kiểm định nhưng hộ nhà số 10 không đồng ý”.

Vết nứt trên tường nhà hộ dân số 10. Ảnh: HH

Theo hộ nhà số 10, lý do khiến gia đình từ chối đề nghị trên là bởi phía chủ đầu tư đã sai ngay từ đầu (sau khi thi công mới thực hiện khảo sát hiện trạng nhà dân), nên phải thanh toán chi phí kiểm định. Do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung nên đến nay công trình đã thi công xong và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng việc giải quyết vẫn đang bế tắc.

Liên quan đến phản ánh, người dân phải sống trong lo lắng, bất an suốt quá trình thi công, đại diện Ban Quản lý cho rằng, về góc độ chuyên môn, đây là vết nứt dạng chân chim, hoặc to hơn dạng chân chim thì không gây nên hậu quả nghiêm trọng, còn để khẳng định chính xác cần phải có cơ quan kiểm định chất lượng.

Vi phạm quy định về môi trường

Về việc công trình thi công gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ông Dũng cho biết, "sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã kiểm tra và nhiều lần nhắc nhở đơn vị thi công về việc không được đổ trực tiếp phế thải xây dựng từ trên cao xuống, quá trình thi công phải che chắn cẩn thận và đảm bảo an toàn lao động. Chúng tôi đã rất quyết liệt trong kiểm tra, nhắc nhở cả đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát. Ai sai sẽ bị xử lý đúng theo trách nhiệm của người đó".

Người dân phản ánh, công trình không có lưới bao che chắn bụi, phải nhắc nhở nhiều lần đơn vị thi công mới thực hiện theo kiểu qua loa, đối phó... Ảnh: HH

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn Trường Tiểu học Đại Yên” có tổng mức đầu tư gần 49,8 tỷ đồng. Đây là công trình cấp II, thuộc nhóm B nên thuộc phần 2, Mục I, Phụ lục IV Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 danh mục các dự án đầu tư nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại Khoản 4, Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường.

Tại mục 1, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đối tượng phải có giấy phép môi trường cụ thể như sau: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

Căn cứ những quy định trên, Dự án “Cải tạo, bổ sung phòng chức năng, nhà ăn Trường Tiểu học Đại Yên” phải có giấy phép môi trường. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý khẳng định, dự án chưa được cấp giấy phép về môi trường.

Chủ đầu tư dự án không nắm rõ quy định của pháp luật hay cố tình phớt lờ giấy phép môi trường? Quá trình thi công đã vi phạm quy định về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống những hộ liền kề. Vi phạm này sẽ được xử lý như thế nào? Câu hỏi xin được gửi đến UBND quận Ba Đình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm