Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 2: Những vụ kiện nối tiếp và câu hỏi chưa có lời đáp

Hoàng Nam

Thứ năm, 01/08/2024 - 10:00

(Thanh tra) - Thửa đất số 02 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CB870663) và 03 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CB870664) đã được gia đình bà Thanh bán cho ông Trinh, bà Trang năm 2018, sau đó lại tiếp tục chuyển nhượng cho ông Tưởng, bà Huân vào năm 2022.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Yên Bình không kê biên, xử lý thửa đất số 02 và 03, mà chỉ kê biên thửa đất số 01, thửa đất số 04 và phần diện tích đất đã xây nhà thuộc thửa số 02 là 2,01m2, nhưng thực tế lại tổ chức niêm phong luôn cả thửa đất số 2 và 3. Ảnh: Người dân cung cấp

Những vụ kiện nối tiếp nhau

Theo ông Nguyễn Xuân Thịnh, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Yên Bình, do ông Nghiệp, bà Thanh phải thi hành các bản án, quyết định thi hành án khác nữa, nhưng ông Nghiệp, bà Thanh vẫn chưa thi hành xong các khoản tiền. Việc ông Nghiệp, bà Thanh làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất các diện tích đất cho ông Tưởng, bà Huân, mặc dù ông Nghiệp, bà Thanh biết rõ diện tích đất 2,01m2 thuộc thửa đất số 02 là tài sản đã thế chấp, nhưng vẫn cố tình làm hợp đồng chuyển nhượng và không sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ giao dịch chuyển nhượng đó để thi hành các khoản tiền tại cơ quan thi hành án, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Do đó, ông Thịnh đã đề nghị Toà án Nhân dân (TAND) huyện Yên Bình xem xét tuyên bố văn bản công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nghiệp, bà Thanh và ông Tưởng, bà Huân là vô hiệu.

TAND huyện Yên Bình chỉ chấp nhận 1 phần yêu cầu của ông Thịnh, cụ thể: Tuyên bố văn bản công chứng “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 1994, quyền số 04/2022/TP/CC- SCC/HĐGD ngày 01/04/2022 giữa ông Nghiệp, bà Thanh và ông Tưởng, bà Huân vô hiệu đối với 2,01m2 đất ở tại nông thôn tại thửa đất số 02, bản trích đo số 3, địa chỉ tại thôn Trung Tâm, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, phần diện tích còn lại gồm 26,2m2 đất trồng cây hàng năm tại thửa đất số 03, bản trích đo số 3 và 176,79m2 thửa đất số 02, bản đồ trích đo số 3 theo văn bản công chứng “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 1994, quyển số 04/2022/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 01/04/2022 giữa ông Nghiệp, bà Thanh và ông Tưởng, bà Huân là có hiệu lực pháp luật.

Bà Huân, ông Tưởng có quyền khỏi kiện giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng 2,01m2 bằng một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Không đồng tình với phán quyết của TAND huyện Yên Bình, ông Thịnh kháng cáo lên TAND tỉnh Yên Bái.

Ngày 09/03/2023, TAND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 01/2023/QĐPT-VDS, không chấp nhận kháng cáo của ông Thịnh; giữ nguyên Quyết định sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự số 01/2023/QĐST-VDS ngày 11/01/2023 của TAND huyện Yên Bình.

Ngay sau khi có phán quyết của TAND tỉnh Yên Bái, bà Huân và ông Tưởng đã làm đơn khởi kiện ông Nghiệp và bà Thanh để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Đến nay vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.

Những câu hỏi chưa có lời đáp

Vợ chồng tôi cùng bố mẹ đẻ đến Chi cục THADS huyện Yên Bình để giải quyết xin phương án trả nợ và nhận lại tài sản, trong buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh huyện Yên Bình; ông Nguyễn Xuân Thịnh, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Yên Bình, đã thống nhất cho gia đình chuộc lại tài sản với số tiền 1,2 tỷ đồng, ưu tiên bán cho người thân, không cho ra bán đấu giá. Trong vòng 15 ngày gia đình tôi phải chồng đủ số tiền trên để chuộc tài sản (có biên bản làm việc ngày hôm đó) - bà Thanh trình bày trong đơn.

Theo phản ánh, sau buổi làm việc hôm đó, ngày 05/11/2021, ông Nguyễn Xuân Thịnh, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Yên Bình đã gọi điện thoại cho bà Thanh, nói rằng gia đình phải đặt cọc 240 triệu đồng để mua lại tài sản và bà Thanh đã đồng ý.

Chiều cùng ngày, ông Thịnh lại gọi điện cho bà Thanh lần thứ 2, nói rằng gia đình phải đóng số tiền 480 triệu đồng để mua 02 bộ hồ sơ đấu giá cho khách quan.

Tại Quyết định số 52/QĐ-CTHADS ngày 02/03/2022, Cục THADS tỉnh Yên Bái xác nhận việc ông Thịnh gọi điện cho bà Thanh để hướng dẫn nộp tiền, mua hồ sơ tham gia đấu giá là vi phạm khoản 2, Điều 21 Luật THADS.

Việc Chi cục THADS huyện Yên Bình xét thấy chưa có hậu quả xảy ra, nên yêu cầu chấp hành viên rút kinh nghiệm là chưa phù hợp, Cục THADS tỉnh Yên Bái đã yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Yên Bình tổ chức kiểm điểm đối với chấp hành viên Nguyễn Xuân Thịnh theo đúng quy định của pháp luật.

Theo khoản 5, Điều 101 Luật THADS, trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu toà án giải quyết.

Vậy thì vì sao, khi 3 bên đã ngồi lại với nhau, mở ra phương án chuộc lại tài sản với con số là 1,2 tỷ đồng, mà ông Thịnh lại yêu cầu bà Thanh phải mua 02 bộ hồ sơ để tham gia đấu giá?

Trong Văn bản số 460/CTHADS-KTGQKN,TC ngày 18/07/2024 trả lời phóng viên Báo Thanh tra, Cục THADS tỉnh Yên Bái cho biết, quá trình chấp hành viên Chi cục THADS huyện Yên Bình tổ chức thi hành án, bà Thanh và ông Nghiệp đã tự trả cho ngân hàng số tiền 180 triệu đồng, trả làm nhiều lần, lần cuối cùng nộp vào ngày 16/8/2021. Tuy nhiên, ngân hàng không nhất trí với việc nộp dần và đề nghị Chi cục THADS huyện Yên Bình kê biên, xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án (nội dung này thể hiện trong biên bản làm việc ngày 12/10/2021).

Vì sao bà Thanh, ông Nghiệp đã thực hiện nộp dần số tiền nợ từ tháng 10/2020, mà đến tháng 10/2021, ngân hàng mới có ý kiến là không đồng ý với việc nộp dần đó? Vì sao đến tận bây giờ, khoản tiền 10 triệu đồng bà Thanh nộp ngày 26/10/2021, đã được ngân hàng ghi nhận, nhưng không được cơ quan THADS tính cho gia đình bà Thanh?

Theo hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và bà Thanh, ông Nghiệp, tài sản thế chấp chỉ là thửa đất số 1, số 4 và căn nhà xây trên thửa đất số 1. Văn bản số 460 của Cục THADS tỉnh Yên Bái cũng khẳng định chấp hành viên Chi cục THADS huyện Yên Bình không kê biên, xử lý thửa đất số 02 và 03 mà chỉ kê biên thửa đất số 01, thửa đất số 04 và phần diện tích đất đã xây nhà thuộc thửa số 02 là 2,01m2.

Vì sao, khi Chi cục THADS tổ chức niêm phong, kê biên tài sản, lại niêm phong luôn cả thửa đất số 2 và 3 (không phải là tài sản thế chấp với ngân hàng, nên không phải là đối tượng để thi hành án).

Vợ chồng tôi đi làm về và đã làm đơn gửi Chi cục THADS huyện Yên Bình để nhận lại tài sản, về nhà ở và được Chi Cục trưởng Chi cục THADS huyện Yên Bình chấp nhận. Trước sự chứng kiến của các hội đồng, các ban, ngành khi mở niêm phong tài sản, vợ chồng tôi kiểm tra, phát hiện thiếu 2,25 cây vàng và 40 triệu đồng tiền mặt trong két sắt - bà Thanh viết trong đơn.

Sự việc có được ghi vào biên bản làm việc ngày nhận tài sản. Sau đó, bà Thanh làm đơn gửi Công an huyện Yên Bình. Tuy nhiên đến nay, việc mất tài sản này vẫn chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc để làm sáng tỏ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm