Theo dõi Báo Thanh tra trên
(Thanh tra) - Kim ngạch xuất khẩu nông sản ở Đắk Lắk liên tục “thăng hoa” sau khi vượt mốc tỷ đô la. Đến nay, nông sản của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Xuất khẩu nông sản Đắk Lắk “thăng hoa” trên cột mốc tỷ đô. Ảnh: HG
Phất lên như “diều gặp gió”
Năm 2024 dần khép lại với kết quả mỹ mãn cho ngành nông sản Đắk Lắk khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ đô la. Con số này vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2024 và là tiền đề vững chắc để Đắk Lắk tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng 3-5% cho năm 2025.
Theo báo cáo của ngành Công thương, cà phê tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đóng góp hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Với diện tích cà phê hơn 212.000ha, Đắk Lắk dẫn đầu cả nước về diện tích. Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, niên vụ 2023-2024, cả nước xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5,4 tỷ đô la. Trong đó, Đắk Lắk xuất khẩu hơn 264.400 tấn, chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 916 triệu đô la, tăng hơn 168 triệu đô la so với niên vụ trước.
Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trên địa bàn tỉnh về xuất khẩu cà phê nhân với 93.510 tấn, đạt kim ngạch 304,448 triệu đô la.
Ông Lê Đức Huy - Chủ tịch HĐTV Simexco Đắk Lắk cho biết, năm 2023-2024, có nhiều biến cố về biến động giá, đứt gãy cung ứng và giảm sản lượng. Sản lượng không đạt theo kế hoạch, nhưng do chủ động thay đổi để ứng phó với biến động và giảm rủi ro đáng kể vào cuối vụ chỉ đạt 104.000 tấn cả xuất khẩu và nội địa, đạt 80% kế hoạch; tuy nhiên, doanh số của toàn công ty đạt kỷ lục hơn 9.000 tỷ đồng.
Theo ông Huy, bài học rút ra cho năm 2023-2024 là “Không gì là không thể”, cục diện thế giới đầy biến động, dịch bệnh, chiến tranh, xung đột các nước lớn, biến đổi khí hậu, thiên tai… sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành Nông nghiệp. Giá nông sản sẽ biến động rất mạnh, ngoài khung lịch sử và khó dự báo, dự đoán. Do đó, theo ông cần sự linh hoạt ứng phó nhanh và kịp thời hơn bao giờ hết.
Ngoài cà phê, sầu riêng là “ngôi sao đang lên” trong ngành xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk. Ngành hàng có tốc độ tăng trưởng chóng mặt cả về diện tích, sản lượng, số lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh có trên 32.700ha sầu riêng, chiếm 50,27% diện tích cây ăn quả. Sản lượng sầu riêng ước đạt 281.350 tấn, đứng thứ 2 cả nước, chỉ xếp sau tỉnh Tiền Giang.
Mặt hàng sầu riêng có sự tăng trưởng nhảy vọt như trên là nhờ đạt được thoả thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7/2022. Mới nhất, vào tháng 8/2024, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Từ đây, sầu riêng loại quả được ví “vua trái cây” rộng đường xuất khẩu, phất lên như “diều gặp gió”.
Còn nhiều dư địa phát triển
Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, xuất khẩu nông sản là thế mạnh của tỉnh trong nhiều năm qua. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ đô la, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã xuất sang hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong đó thâm nhập được vào nhiều thị trường nổi tiếng khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…
Ông Khôi thông tin thêm, năm 2024, xuất khẩu nông sản gặp nhiều thuận lợi khi giá cả các mặt hàng nông sản luôn duy trì ở mức cao. Cụ thể, cà phê đã vượt mốc trên 120 nghìn đồng/kg (cao nhất trong lịch sử); hồ tiêu cũng trên 140 nghìn đồng/kg (tăng gấp 3 lần so với thì điểm chạm đáy vào năm 2019). Các mặt hàng khác cũng có giá tốt như sầu riêng, mắc ca, hạt điều, cao su… Giá cả tăng cao đã góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Có nhiều yếu tố góp phần làm nên bức tranh sáng cho ngành xuất khẩu nông sản Đắk Lắk. Trong năm 2024, tỉnh xuất khẩu chính ngạch 13 mặt hàng sang Trung Quốc và nhiều sản phẩm được đưa vào kênh phân phối lớn tại Hàn Quốc. Doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng cường chất lượng sản phẩm. Đặc biệt cà phê, hồ tiêu và mắc ca, đã được cải thiện về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến cũng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, bao gồm việc khuyến khích hình thành các vùng sản xuất tập trung và chuyên canh quy mô lớn. Điều này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Về phía ngành Công Thương Đắk Lắk, thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước.
Các hội chợ, triển lãm và sự kiện kết nối cung cầu được ngành Công thương tổ chức thường xuyên để tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giúp họ tiếp cận thị trường mới và mở rộng kênh phân phối.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội, tiếp cận đối tác thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ giao thương. Đơn cử, đầu tháng 12/2024, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE xuất khẩu container 20 feet chứa 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm đầu tiên của nhãn hiệu Miss Ede đến Hoa Kỳ. Đây là kết quả từ Vietnam Sourcing Fair - sự kiện xúc tiến thương mại cấp quốc gia, với sự hỗ trợ từ Sở Công Thương.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng và toàn diện, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp phấn đấu giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 24.700 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm nông sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tại Đắk Lắk đang tồn tại nghịch lý, nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản của tỉnh nhưng vận chuyển sang địa phương khác để xuất khẩu. Lý do Đắk Lắk chưa phát triển mạnh dịch vụ dịch vụ logistics, hỗ trợ khai báo thủ tục hải quan… Sở Công Thương cho biết, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản để khuyến khích, vận động các doanh nghiệp mở công ty, chi nhánh, các đầu mối thu mua lớn tại tỉnh, thực hiện khai báo hải quan tại địa phương để ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh tương xứng với năng lực.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Kim ngạch xuất khẩu nông sản ở Đắk Lắk liên tục “thăng hoa” sau khi vượt mốc tỷ đô la. Đến nay, nông sản của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra nhiều cơ hội phát triển.
(Thanh tra) - Sáng nay (23/1), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức thông xe, cho phương tiện lưu thông vào 2 đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành để đáp ứng nhu cầu lưu thông của bà con trong giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trần Quý
T.Vân
Nhật Minh
Thu Huyền
Phúc Anh
T.Thanh
Cảnh Nhật
Nhật Minh
Trần Quý
Giang Sơn
Trần Kiên
TC
Đông Hà
Bùi Bình
Văn Thanh
Nhật Minh
Hoàng Nam