Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển thủy sản bền vững

Thứ bảy, 07/12/2013 - 08:57

(Thanh tra) - Tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Xây dựng ngành Thủy sản theo hướng hiện đại nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh canh cao trên thị trường, là Đề án vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát vừa phê duyệt.

Theo Quyết định 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11, mục tiêu cụ thể của Đề án là duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành Thủy sản, đồng thời nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Đề án đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6%/năm, trong đó, giá trị khai thác thủy sản tăng trưởng bình quân trên 3%/năm; giá trị nuôi trồng thủy sản tăng trưởng bình quân trên 8%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 6%/năm.

Cùng với đó là, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển, góp phần giảm đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trước mắt và lâu dài, đưa thu nhập bình quân lao động thủy sản đến năm 2020 cao gấp 2,5 lần so với năm 2010. 

Đồng thời, Đề án cũng xác định tăng cường năng lực quản lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ môi trường, dịch bệnh; chủ động quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đến năm 2020, có 70% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, 100% các cơ sở xây dựng mới đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường.

Theo đó là, giảm dần lượng khai thác ven bờ, tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể để đẩy mạnh khai thác xa bờ, nâng cao hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch. Gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đặt mục tiêu giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản đến năm 2020 ở mức 2,4 - 2,6 triệu tấn/năm (bao gồm sản lượng khai thác nội địa đạt 0,2 triệu tấn, sản lượng khai thác hải sản 2,2 - 2,4 triệu tấn); thực hiện giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ từ 52% (1,2 triệu tấn) hiện nay xuống còn khoảng 36,4% (0,8 - 0,87 triệu tấn) vào năm 2020, tăng sản lượng khai thác xa bờ từ 48% (1 triệu tấn) lên khoảng 63,6% (1,4 - 1,53 triệu tấn) vào năm 2020.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Thủy sản sẽ thực hiện đồng bộ 7 giải pháp về quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế. Theo đó, ngành sẽ rà soát, điều chỉnh bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch theo vùng, theo lĩnh vực sản xuất, theo đối tượng chủ lực trên cơ sở Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (QĐ 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010) và Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (QĐ 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013). Căn cứ vào đó, các tỉnh, các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn từng tỉnh, từng địa phương.

Ngoài ra, ngành sẽ tăng tỷ trọng đầu tư công cho lĩnh vực thủy sản trong tổng vốn đầu tư do Bộ NN&PTNT quản lý, cụ thể: Tỷ trọng đầu tư cho thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 7%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 10% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung thực hiện đầu tư: Điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, hệ thống thông tin quản lý nghề cá, kiểm ngư, hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất giống thủy sản, hạ tầng vùng nuôi tập trung cho các đối tượng chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể và rô phi), hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản và hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.

Nhằm thực hiện thành công Đề án đến năm 2020, một trong những giải pháp quan trọng là hợp tác quốc tế đã được Bộ NN&PTNT xác định: Xây dựng chương trình, dự án thu hút vốn ODA, FDI; tích cực tham gia các hoạt động đa phương, song phương thu hút các nguồn tài trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Chủ động, tích cực chuẩn bị tham gia đàm phán, phân định vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và hợp tác đánh cá với các quốc gia trong khu vực và thế giới để đưa nhiều tàu cá, thuyền viên Việt Nam đi khai thác hợp pháp tại vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước và vùng lãnh thổ. Mở rộng hợp tác quốc tế trong ASEAN, APEC, APAC… về thương mại thủy sản thông qua việc đàm phán ký kết song phương, đa phương các cam kết thực thi các hiệp định, thỏa thuận hợp tác liên quan, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong xuất nhập khẩu thủy sản. 

Thủy Thụy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm