Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải tìm hướng đi mới cho nông sản

Thứ sáu, 21/02/2020 - 15:31

(Thanh tra)- Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai thông tin: Cho đến thời điểm này, tổng cộng có trên 1.000 xe hàng xuất khẩu (XK) qua biên giới, chủ yếu là thanh long và một số hàng nông sản khác như dưa hấu, chuối, mít, tinh bột sắn... Còn nhập khẩu thì thuận lợi hơn, với trên 2.000 xe được thông quan.

Hàng trăm container nông sản được xuất đi

Thời điểm hiện tại có khoảng 300 - 400 container nông sản các loại đang chờ được xuất đi. Sở dĩ, luôn có hàng trăm container nằm chờ là do khi thông tin Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành xuất được nông sản, các xe hàng liên tiếp kéo lên đây.

Trong khi đó, công suất XK ở thời điểm hiện nay còn hạn chế bởi mỗi chuyến xe đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt và thực hiện quy trình nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở cửa khẩu như phun khử trùng xe hàng, sử dụng tài xế trung chuyển hàng hóa... Cho tới nay, ở Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành không có dấu hiệu cho thấy sự ách tắc trong XK hàng hóa.

Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai Trần Anh Tú cho biết, nông sản XK sang Trung Quốc dần đi vào ổn định trong những ngày qua, kim ngạch xuất nhập khẩu từ ngày 8  - 17/2 vẫn đạt trên 16 triệu USD, với tổng lượng hàng hóa đạt 35 nghìn tấn. Trong đó, kim ngạch XK đạt trên 11,4 triệu USD với lượng hàng hóa là trên 19,8 nghìn tấn.

Đặc biệt, mặt hàng quả thanh long có kim ngạch XK gần 8,6 triệu USD tương đương lượng hàng trên 12 nghìn tấn. Mít cũng là loại mặt hàng được XK mạnh với trên 1,4 triệu USD tương đương gần 1,7 nghìn tấn.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 triệu USD với lượng hàng hóa là 15,6 nghìn tấn. Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là rau củ quả các loại với giá trị trên 1,7 triệu USD tương đương lượng hàng hóa 9 nghìn tấn. Ngoài ra, là mặt hàng phân bón với trên 1,3 triệu USD tương đương 5,7 nghìn tấn...

Lý giải container nông sản các loại đang chờ xuất, theo ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai: Do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên phía Trung Quốc hạn chế tập trung đông người, mỗi xe hàng XK qua biên giới chỉ có 2 công nhân bốc xếp, khiến thời gian thông quan bị kéo dài hơn. Ở thời điểm này, tại Lào Cai mỗi ngày có thể giải quyết cho hơn 100 xe qua cửa khẩu, sang tới Trung Quốc chỉ có khoảng 60 xe vào được nội địa, còn lại phải tiếp tục xếp hàng.

“Chính sách, quy định của hai quốc gia khác nhau nên điều này không thể can thiệp được. Còn tại cửa khẩu Lào Cai từ 19-2 trở đi sẽ áp dụng quy trình cách ly theo Hướng dẫn số 568/BYT-DP ngày 8/2/2020 của Bộ Y tế, lái xe và người giao hàng sẽ không bị cách ly khi trở về”, ông Thuận nhấn mạnh.

Ông Hà Đức Thuận thông tin thêm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trên địa bàn Lào Cai hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu diễn ra duy nhất tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, tính tới thời điểm này, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị xuất 171 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay); Nhập 62 xe (linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay, nông sản: lê, hành, tỏi, nấm..., máy móc..); Tồn 338 xe nông sản, hoa quả (Mít, thanh long, ớt, nhãn), linh kiện điện tử XK. Cửa khẩu Tân Thanh: Không phát sinh; không tồn. Cửa khẩu Cốc Nam: Không phát sinh; tồn 10 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm). Cửa khẩu Chi Ma: tồn 4 xe XK (1 xe tái nhập khẩu thạch đen; 1 xe hạt tiêu, 2 xe quả sung khô). Cửa khẩu Ga Đồng Đăng: Nhập khẩu 34 toa thép, than điện cực; tồn nhập 15 toa, trong đó 8 toa thép tấm, 7 toa quặng sắt.

Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn Phan Hồng Tiến cho biết, thời gian qua, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch bệnh ngay tại cửa khẩu, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thường xuyên trao đổi với các lực lượng chức năng thị xã Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc thông quan hàng hóa một cách thuận lợi nhất. Cùng với đó, cơ quan này đã làm việc với phía bạn để sớm thông quan hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam song song với việc áp dụng quy trình kiểm soát, kiểm tra dịch bệnh nghiêm ngặt, giống như tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Tín hiệu vui

Tín hiệu vui của thị trường nông sản những ngày qua, đó là các cửa khẩu biên giới đã thông thoáng hơn sau khi Trung Quốc có động thái mở cửa biên giới, lượng nông sản  được thông quan mỗi ngày lại tăng thêm số lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vẫn khuyến cáo, các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để XK theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng để tránh tình trạng hàng hóa lại bị ứ đọng.

Giá thanh long nhảy vọt, không còn tình trạng ùn ứ hàng

Sau những ngày rớt giá vì dịch Covid-19, thanh long tăng giá trở lại khiến nhiều nhà vườn phấn khởi. Một nông dân tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, khác với các đây vài ngày, thanh long hiện được thương lái mua với giá 14.000 – 15.000 đồng/kg. Loại mẫu mã đẹp hơn được thương lái trả mua  giá 16.000 đồng/kg.

Ông Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, các doanh nghiệp chủ động liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức XK chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Được biết, Bộ Công thương đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức XK chính ngạch. Động thái này, theo đánh giá của giới chuyên gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng khuyến cáo, bà con nông dân nên chủ động  nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã ký ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công thương ứng phó với tác động do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra.

Theo kế hoạch hành động này, Bộ trưởng Bộ Công thương giao Cục Xuất nhập khẩu thành lập ngay Tổ Công tác để xử lý các vấn đề liên quan tới giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Hiệp hội liên quan để xác định cụ thể khối lượng, chủng loại các mặt hàng rau quả, trái cây và nông - thủy sản khác đang bị ách tắc trong XK sang thị trường Trung Quốc, dự báo qui mô sản lượng các mặt hàng sắp tới sẽ thu hoạch, có báo cáo cụ thể, đầy đủ với lãnh đạo Bộ để có kế hoạch, biện pháp tham gia xử lý hỗ trợ.

Thực tế, thời gian qua, việc mặt hàng nông sản phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tiêu thụ nông sản thường gặp rủi ro khi thị trường này có biến động. Dịch covid -19 chỉ là một trong hàng loạt biến cố bất ngờ xảy ra khiến cho nông sản Việt lại rơi vào tình cảnh ùn tắc.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, ngành Nông sản cần tìm đến các thị trường mới, không nên phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là lúc các doanh nghiệp cần chủ động rà soát các thị trường còn dư địa, đã mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, bên cạnh đó, tìm kiếm mở rộng thị trường mới để  giải quyết đầu ra cho nông sản nước nhà.

Nguyễn Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm