Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nỗi lo mùa cà phê… “đắng”

Thứ năm, 14/11/2013 - 13:53

(Thanh tra)- Niên vụ thu hoạch cà phê 2013 - 2014 đang bước vào giai đoạn chính vụ. Thế nhưng, ở một số địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên, người nông dân không mặn mà với việc thu hoạch loại cây công nghiệp dài ngày này. Đối với họ, năm nay là một năm “thất bát”, cà phê vừa mất mùa lại vừa mất giá.

Nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang đối mặt với một vụ thu hoạch cà phê thất bát. Ảnh: Trung Đức

Sản lượng thấp

Đứng tần ngần trước vườn cà phê đang thu hoạch dở dang, ông Ksor Lunh, người dân tộc Jrai, ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, buồn bã than: “Vườn cà phê nhà mình rộng 2,5ha. Năm ngoái, mình thu hoạch được gần 10 tấn nhân xô. Thế nhưng, năm nay sản lượng giảm đi rất nhiều, ước tính năng suất năm nay chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha. Cả vườn cà phê này may lắm chỉ thu về được hơn 6 tấn”. 

Ông Ksor Nuk cho biết, ngay từ đầu năm, khi vườn cà phê bắt đầu trổ bông trắng xoá, thì cũng là lúc mùa mưa ở Tây Nguyên kéo dài dai dẳng, ông đã tiên đoán năm nay cà phê sẽ không được mùa. Hơn cả dự đoán, niên vụ này, năng suất cà phê nhà ông giảm gần một nửa. Do mưa nhiều nên hạt cà phê năm nay nhỏ xíu, lép hạt và chín không đều. “Không thu hoạch thì cà phê chín rụng đầy gốc, mà thu hoạch về lại không phơi được vì thời điểm nửa tháng trước, trời liên tục mưa do ảnh hưởng của hai cơn bão số 10 và 11. Không phơi phóng gì được nên cà phê bị lên mốc và thối hạt, ước chừng khoảng 10% tổng sản lượng. Khổ quá!”, ông Ksor Lunh than thở.

Không riêng gì Gia Lai, ở tỉnh Kon Tum người trồng cà phê cũng ngậm đắng bởi tình trạng mất mùa do thời tiết. “Chưa có năm nào mưa nhiều như năm nay. Cứ bão chồng bão, lũ chồng lũ. Hết ảnh hưởng bão số 10 và 11, giờ lại ảnh hưởng của bão số 12. Mưa bão dồn dập nên cà phê ít đậu hạt, trái xanh rụng xuống đầy vườn, đã thế trái lại nhỏ nữa chứ”, chị Nguyễn Thị Linh ở xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà nói như mếu. 

Nhiều năm qua, cây cà phê là nguồn kinh tế chủ lực của người nông dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum. Tuy nhiên, niên vụ này, năng suất cà phê thấp và giá xuống “chạm đáy” khiến người trồng cà phê lao đao. Trừ những gia đình có điều kiện, còn lại phần đông người trồng cà phê đều vay mượn hoặc mua chịu phân bón để đầu tư cho vườn cà phê. Vì vậy, vụ cà phê này sẽ đẩy không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần. “Hầu như năm nào đại lý của tôi cũng bán chịu phân bón cho bà con, sau khi bán cà họ sẽ trả nợ. Vụ này thì khác, có lẽ tôi sẽ khó thu hồi vốn từ bà con trồng cà phê trong những hợp đồng mua phân từ hồi đầu vụ”, ông Trần Văn Trường, chủ đại lý phân bón ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk ngao ngán.

Mất giá

Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2013 - 2014 của nước ta đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 15% so với niên vụ trước. Hiện Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch cà phê mới, song lượng cà phê tồn kho còn khá lớn. Thị trường xuất khẩu cà phê từ nay đến cuối năm 2013 còn nhiều khó khăn và đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê giảm mạnh như vừa qua.

Niên vụ cà phê 2012 - 2013, các đại lý cà phê ở huyện Đắk Hà (vùng chuyên canh cà phê của tỉnh Kon Tum) thu mua cà phê nhân xô với giá xấp xỉ 39.000 đồng/kg. Nhưng niên vụ này, họ chỉ mua cà phê của nông dân trong vùng với giá hơn 30.000 đồng/kg. “Tình hình chung thôi, giá thu vào của các công ty thấp nên tôi cũng phải mua với giá thấp. Chứ không phải tôi ép giá bà con đâu!”, bà Nguyễn Thị Mười, chủ đại lý thu mua nông sản ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, giải thích. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ mua giá thấp mà các đại lý nông sản cũng “lên giọng” trong việc gom hàng của người trồng cà phê. Chỉ những hạt cà phê to đẹp mới được họ để mắt tới. Còn những hạt cà phê xấu xí, nhỏ lép đành chịu cảnh nằm chờ, hoặc chủ nhân của nó phải chấp nhận bán với giá thấp hơn. 

Bà Đinh Thị Lan, một nông hộ ở xã Ia Pếch, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, chua chát nói: “Những ngày đầu vụ, gia đình tôi thu hoạch được 6,2 tấn cà phê nhân xô, thời điểm đó giá cà có lúc nhích từ 36.000 - 37.000 đồng/kg nhưng gia đình tôi chưa muốn bán vì hi vọng sẽ còn cao hơn nữa. Thế nhưng, chỉ sau vài tuần, giá bắt đầu lao dốc, tới giờ chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg, tùy theo màu và chất lượng hạt cà phê. Lỡ rồi, gia đình tôi không biết tính sao. Bán thì lỗ nhiều quá, mà không bán thì không có tiền trả nợ”.

Xuống thấp nhất trong vòng ba năm qua, thực sự giá cà phê đang tụt dốc không phanh, hiện người trồng cà phê đang lỗ nặng. Cà phê rớt giá làm nhiều nông hộ “tiến thoái lưỡng nan”, bán cũng không xong mà tiếp tục ghim hàng thì phập phồng lo lắng.

“Bức tranh” cà phê ở khu vực Tây Nguyên như xám xịt hơn, khi thị trường nhân công thu hái đang có chiều hướng xấu. Những năm trước, tình trạng khan hiếm lao động vẫn diễn ra, nhưng năm nay tình hình đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, trung bình 1ha cà phê cần khoảng 3 - 4 nhân công thu hái. Ước tính niên vụ 2013 - 2014, toàn vùng có hơn 450.000ha cà phê cần thu hái và phải tập trung thu hoạch chỉ trong vòng 1 - 2 tháng. Như vậy, lượng nhân công cần thiết lên đến cả triệu người. Cùng thời điểm này của niên vụ trước, giá nhân công thu hái cà phê bao ăn chỉ 150.000 - 160.000 đồng/ngày công, nhưng năm nay, giá dao động từ 170.000 - 190.000 đồng, thậm chí ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, chủ vườn phải trả cho nhân công hái cà phê lên đến 200.000 đồng/người/ngày. Nhiều vườn cà phê đã chín rộ, cũng là lúc các chủ hộ “đau đầu” vì chưa tìm được nhân công thu hái. Bởi nguy cơ mất cắp và tiêu hao sản lượng do cà phê chín rụng, không được thu hái kịp thời. 

Nhọc nhằn, lỗ lã, thất bát… đang “bủa vây” các nông hộ ở các tỉnh Tây Nguyên, trong niên vụ thu hoạch cà phê 2013 - 2014.

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm