Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những điều doanh nghiệp cần biết

Thứ năm, 18/09/2014 - 18:13

(Thanh tra) - Hôm nay (18/9), tại Hà Nội, Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo "Vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm".

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TQ


Sau 1 một năm khởi xướng điều tra, ngày 5/9/2014, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan. Quyết định này có hiệu lực trong 5 năm, hiệu lực thi hành từ ngày 5/10/2014. 

 Đông đảo DN tham dự hội thảo. Ảnh: TQ

Với kết luận này, mặt hàng thép không gỉ cán nguội của Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam sẽ bị áp thuế chống phá giá từ 4,64 - 6,87%; tương tự như vậy với Malaysia ở mức 10,71% và Indonesia ở mức 3,07%. Riêng với hàng từ Đài Loan ở mức khá cao từ 13,79 - 37,29%.

So với mức thuế tạm thời áp dụng trong 3 tháng của Cục Quản lý cạnh tranh đề xuất hồi tháng 12/2013, các mức thuế cuối cùng vừa công bố cho Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đều tương đối thấp hơn.

Với Đài Loan, Bộ Công thương áp mức thuế lên đến 37,29% dành cho riêng Yuan Long Stainless Corp và mức 13,79% áp dụng cho các nhà sản xuất khác, cao hơn thời điểm áp dụng tạm thời ít nhất từ 0,56 - 3,56%.

Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Phòng Diều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, tháng 6/2013, Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần inox Hòa Bình đã nộp đơn kiện với cáo buộc “sản phẩm nhập khẩu loại 2 đã bán phá giá tại thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của các DN trong nước”. Nguyên đơn cho rằng hàng nhập khẩu đã khiến lượng tồn kho của các DN trong nước tăng đến 132% (tính đến cuối năm 2012), đồng thời cảnh báo thị trường Việt Nam “như là một khu vực tiêu thụ các sản phẩm loại 2 của các nước xuất khẩu”.

Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn chứng minh thị phần của các DN trong nước trong năm 2011 chỉ còn 35% so với mức 41% của năm 2010, trong khi thị phần nhập khẩu lại tăng từ 59% của năm 2010 lên 65% trong năm 2011.

Nguyên đơn cũng cho rằng ngành Thép không gỉ cán nguội sản xuất trong nước có đủ năng lực để đáp ứng tất cả nhu cầu trong nước, “do đã được đầu tư các dây chuyền và nhà máy sản xuất hiện đại hàng chục triệu USD, nhưng không thể sử dụng năng lực sản xuất do việc bán phá giá từ các sản phẩm nhập khẩu”.

Trong kết luận đưa ra mức thuế cuối cùng, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng kết luận thép không gỉ nhập khẩu “đã bán phá giá tại thị trường Việt Nam”, khiến “ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể”.

Thép không gỉ. Ảnh: TQ 

“Đây là “vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam” nên rất được các DN, hiệp hội quan tâm, đặc biệt là sự thành công của vụ kiện, vì trước đây các DN Việt Nam luôn là bị đơn. Nguyên nhân dẫn đến thành công trên đã chứng minh các DN tham gia khởi kiện và các cơ quan chức năng đã đủ năng lực trong lĩnh vực này. Kết quả này làm tăng long tin của DN đối với các cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN” - bà Giang cho biết.

Mặc dù vậy, tại hội thảo, nhiều DN thắc mắc về mức áp thuế bán phá giá đối với các DN nước ngoài thấp hơn nhiều so với mức áp thuế bán phá giá đối với các DN Việt Nam bị điều tra (20 - 30%), ông Lê Sỹ Giảng, chuyên gia về điều tra chống bán phá giá giải thích vì ta chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, nên khi bị điều tra các nước thường lựa chọn đến nước thứ 3 làm căn cứ. Nếu nước thứ 3 được chọn có nền kinh tế phát triển hơn thì ta thường bị thiệt và ngược lại. Tuy nhiên, cơ quan điều tra luôn lấy các nước có nền kinh tế phát triển cao để lựa chọn. Nếu các DN Việt Nam là nguyên đơn, nếu các DN bị điều tra thuộc nền kinh tế thị trường thì không còn cách nào khác là phải dùng số liệu của nước đó.

Để các DN, hiệp hội không bị thua thiệt, bà Giang khuyến cáo, khi DN phát hiện có dấu hiệu suy giảm về doanh thu, sản xuất và tiêu thụ chậm lại và chứng minh được mặt hàng mình sản xuất đang bị bán phá giá thì nên khởi kiện. Tuy nhiên trong thời gian điều tra, các DN nên hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dữ liệu. Bên cạnh đó là tăng cường xây dựng mối quan hệ với nhà sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống quy trình làm việc, kế toán; tin tưởng hợp tác và sử dụng tư vấn một cách có hiệu quả…

Một vấn đề khác cũng được các DN đặc biệt quan tâm đó là lệ phí khởi kiện. Vấn đề này bà Giang cho biết, các DN khởi kiện về chống bán phá giá không phải nộp bất cứ một khoản phí nào.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm