Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghi ngại hàng Việt Nam bị làm giả để xuất khẩu?

Thứ bảy, 23/05/2015 - 10:14

(Thanh tra)- Trong năm nay, Việt Nam sẽ ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Theo cam kết, thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước mà chúng ta ký kết FTA sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.

Đồ điện tử gia dụng sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn mác xuất xứ Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: Đông Bắc

Điều đáng lo sẽ xảy ra trong thời gian tới là tình trạng các doanh nghiệp của nước bạn không có các FTA sẽ làm giả hàng hóa xuất xứ Việt Nam để đi vào các thị trường mà được hưởng ưu đãi thuế.

Nỗi lo của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước khi đối mặt với vấn nạn hàng nước ngoài giả, nhái hàng Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế trong thị trường FTA là hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta có đường biên giới liền kề với Trung Quốc, một nước không có các FTA với các nước. Trong khi đó, Trung Quốc lại là quốc gia nổi tiếng sản xuất ra nhiều loại hàng giả, hàng nhái.

Hiện nay, công nghệ làm giả, làm nhái đang trở thành vấn nạn kinh hoàng, phá nát lòng tin của người dân trên toàn thế giới. Có những loại đồ vật, thực phẩm tưởng chừng như không thể dùng tiểu xảo để chế biến, tái tạo nhưng vẫn bị một số doanh nghiệp Trung Quốc làm giả bằng mọi giá. Từ những thứ nhỏ nhất, ít giá trị cho tới những món đồ xa xỉ, tinh vi đắt tiền đều có thể bị làm giả, làm nhái từ “công xưởng” của thế giới này!

Trong khi đó, lượng hàng hóa thông thương qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày một tăng, cùng với đó là vấn nạn buôn lậu qua các lối mòn đường biên vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Điều này khiến nguy cơ hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam sẽ từ bên kia biên giới ồ ạt “đổ bộ” về nội địa, “tráng men” Việt Nam và từ đây đi sâu vào các nước có FTA với Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi.

Tại hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tỉnh biên giới phía Bắc do Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận và thương mại (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo đã bày tỏ quan điểm lo ngại việc Trung Quốc sẽ làm giả hàng Việt Nam xuất khẩu để được ưu đãi về thuế suất.

Có chung quan điểm này, nhiều người cũng lo lắng các doanh nghiệp của nước bạn sẵn sàng móc nối hoặc sang nước ta sản xuất dù chưa đảm bảo tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế suất. Thậm chí hàng hóa có thể bị làm giả xuất xứ Việt Nam để đi vào các thị trường mà được hưởng ưu đãi thuế. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh, đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, thời gian qua, những lô hàng giả xuất xứ Việt Nam không dừng lại ở việc các đầu nậu, chủ kinh doanh tự ý chuyển đổi xuất xứ mà hàng hóa giả này còn được sản xuất, in ấn, đóng gói trực tiếp từ Trung Quốc, sau đó tuồn sang Việt Nam tiêu thụ. Đơn cử, mới đây, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM phát hiện lô hàng hơn 3.000 sản phẩm gồm các loại quần áo, giày, ví da, thiết bị di động... mang nhiều thương hiệu ngoại như Nike, Gucci, Versace đựng trong các bao lớn. Trong đó, khoảng 1.500 đôi giày hiệu Nike có tem nhãn ghi rõ được sản xuất tại Việt Nam.

Hàng giả mạo xuất xứ không chỉ “đánh” vào người tiêu dùng khi mua phải hàng chất lượng kém, giá cao, không được bảo hành, mà còn bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia. Điều này rất nguy hiểm nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm thế nào để ngăn chặn kịp thời hành vi làm giả hàng hóa này. Bởi thực tế cho thấy các mặt hàng mà Trung Quốc có thể làm giả, làm nhái lại có rất nhiều mặt hàng thực phẩm là mũi nhọn trong xuất khẩu của Việt Nam.

Giải pháp ngăn chặn việc giả xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu sang các nước mà chúng ta ký FTA, theo ông Cẩn, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, cơ quan quản lý thị trường... phải tăng cường công tác phối hợp về chia sẻ thông tin. Ngoài ra, một trong số những mấu chốt của việc ngăn chặn hàng giả sản xuất từ nước ngoài, hàng nhập lậu trước hết là đảm bảo việc “chốt chặt” các cửa khẩu phải được thực hiện hiệu quả. Trách nhiệm phải được phân công cụ thể, rõ ràng và phải được phối kết hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng.

Quang Đông

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm