Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó trong dịch bệnh

Thứ sáu, 17/04/2020 - 07:00

(Thanh tra)- Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh An Giang, nhất là nguyên, phụ liệu cho sản xuất. Trong hoàn cảnh “khó chồng khó” hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh An Giang đã và đang nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo sức khỏe để giữ chân người lao động.

Công ty TNHH Oriental Garment An Giang (Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã sáng tạo vách ngăn bằng bìa carton trong nhà ăn giữa ca, vừa tiết kiệm lại hiệu quả cho khoảng 600 lao động. Ảnh: Công Mạo

Nỗ lực duy trì sản xuất

Từ khi có Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Công ty TNHH NV Apparel (đóng tại Khu Công nghiệp Bình Hòa, Châu Thành, tỉnh An Giang) với 2.700 lao động, 30 tổ sản xuất trong nhà máy đã tiến hành sắp xếp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các lao động cùng tổ.

Công ty kẻ vạch để người lao động giữ khoảng cách khi xếp hàng quẹt thẻ; chia các bữa ăn giữa ca thành nhiều đợt để không tập trung đông người. Đồng thời, bố trí các bàn ăn với kích thước dài 2m x rộng 1m2 cho 2 người lao động ngồi ăn đảm bảo giữ khoảng cách đúng 2m.

Bà Võ Thị Phương Trâm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH NV Apparel cho biết, để ứng phó với những tác động xấu do dịch COVID-19 gây ra, Ban Giám đốc Công ty TNHH NV Apparel đã chủ động sắp xếp dây chuyền sản xuất đảm bảo khoảng cách giữa các nhân viên là 2m; giờ ăn chia theo từng đợt, đảm bảo khoảng cách mỗi người tại các bàn ăn từ 1,5m đến 2m. Mỗi ngày công ty thực hiện 3 lần lau sàn, bàn ghế khu nhà ăn bằng dung dịch sát khuẩn; vệ sinh bàn ghế, tay nắm cánh cửa bằng cồn 80%/2 lần/ngày…

Bên cạnh đó, công ty khuyến cáo công nhân không được tụ tập đông người sau giờ tan ca và hạn chế không đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện đeo khẩu  trang; bố trí bồn rửa tay ở ngay cửa ra vào phân xưởng, tổ sản xuất; tổ chức kiểm tra thân nhiệt cho tất cả công nhân trước khi bước bào công ty làm việc...

Với 600 lao động trong lĩnh vực sản xuất dày gia xuất khẩu, để tiếp tục duy trì sản xuất và đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Công ty TNHH Oriental Garment An Giang, tại Khu Công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành đã có cách làm vừa sáng tạo, tiết kiệm, lại hiệu quả. Công ty đã thiết kế và tận dụng các thùng carton cũ để lắp 560 vách ngăn tại khu vực phục vụ bữa ăn giữa ca cho người lao động. Điều này nhằm hạn chế người lao động tiếp xúc gần với nhau, ngăn chặn lây nhiễm dịch COVID-19.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Oriental Garment An Giang Đặng Đình Đạt chia sẻ, dù các vách ngăn bằng bìa carton có chút không thoải mái, hơi nóng nực nhưng được người lao động đồng tình, ủng hộ và giúp người họ an tâm hơn khi đến công ty làm việc.

Tại địa bàn thành phố Long Xuyên, các DN chế biến thủy sản cũng trong tình cảnh khó khăn, hàng hóa tồn kho, không có đơn hàng mới. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, Công ty Hưng Phúc Thịnh với hơn 450 lao động, đã chia đợt làm 150 lao động/ngày, luân phiên ngày làm, ngày nghỉ.

“Hiện hàng còn tồn kho chỉ làm ở khâu đóng gói, cũng không có đơn đặt hàng mới. Nhưng để giải quyết chế độ cho người lao động, công ty vẫn trả lương tối thiểu mỗi công nhân từ 3.920.000 đồng trở lên”- lãnh đạo Công ty Hưng Phúc Thịnh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, hiện nay, các công ty vẫn cố gắng đảm bảo trả đủ lương, chế độ cho người lao động trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, một số DN quá khó khăn thì chi trả theo sản phẩm và hỗ trợ thêm tiền xăng, nhà ở, thưởng chuyên cần... Còn những ngày nghỉ không theo kế hoạch, công ty sẽ thanh toán bằng lương chờ việc theo quy định.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cho rằng, đối với các DN, việc giữ chân người lao động trong lúc này cũng quan trọng không kém nhiệm vụ duy trì sản xuất, vì từ năm ngoái đến nay, nhiều công ty đã gặp khó khăn trong tuyển dụng, phải nhờ ngành chức năng và địa phương tiếp sức nhưng số lượng vẫn không đủ.

Mặt khác, DN đã bỏ chi phí lớn, công đào tạo cho người lao động trong thời gian nhất định; nhất là lao động gắn bó với công ty từ 1 năm trở lên đều có chuyên môn, tay nghề tốt, không dễ để tuyển dụng và bắt đầu lại với đội ngũ nhân sự mới khi tình hình sản xuất trở lại bình thường.

Chủ động hỗ trợ DN

Ông Phạm Thành Nhơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cho biết, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh An Giang đạt trên 217 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa đạt 2.478 tỷ đồng, đạt 36,67% dự toán năm. Số DN đăng ký mới là 194 DN, tăng 12 DN và 134 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 1.206 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 DN thuộc các lĩnh vực như: Chế biến nông, thủy sản, may mặc, da giày, du lịch… gặp khó khăn và đã tạm dừng hoạt động hoặc giảm giờ làm, cho người lao động tạm nghỉ việc hưởng lương với gần 16.000 lao động.

Ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cho biết, suốt thời gian qua, công đoàn luôn theo dõi tình hình hoạt động của DN và phương án chi trả tiền lương, thu nhập cho người lao động nghỉ việc, giãn thời giờ làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng chuẩn bị phương án kịp thời giải quyết những khó khăn cho DN.

Để thực hiện hiệu quả việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời những chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, miễn, giảm thuế cho DN, hộ, cá nhân kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19

Chẳng hạn: Hỗ trợ 95 DN và gần 1.200 hộ kinh doanh giảm lãi vay tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang với nguồn vốn hơn 397 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số vốn vay 197 tỷ đồng cho 778 khách hàng; cho vay mới phục hồi sản xuất gần 2.800 tỷ đồng đối với gần 1.300 khách hàng.

Cục Thuế tỉnh An Giang đã thực hiện miễn, giảm thuế gần 2.700 hồ sơ với số thuế là 2,63 tỷ đồng cho hộ, cá nhân kinh doanh. Ngành Công thương tỉnh An Giang cũng nhanh chóng tổ chức cho 22 DN mở 76 điểm bán hàng bình ổn với tổng số tiền dự trữ hàng hóa gần 5.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang đã đề nghị Công ty Điện lực An Giang xem xét có biện pháp hỗ trợ cho tạm hoãn tiền điện cho các DN trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang đã đề xuất Cục Thuế tỉnh An Giang giảm phí sử dụng đường bộ từ 15-20%/xe/năm cho xe khách từ 16 chỗ trở lên, xe tải và xe taxi; giảm phí dịch vụ xe ra vào bến từ 15-20%/xe/lượt cho tất cả các phương tiện vận tải ra vào bến xe,...

Với sự chủ động của chính quyền, DN, sự gắn kết, thấu hiểu của người lao động không chỉ đem lại hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh mà còn góp phần duy trì sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin để người lao động vượt khó cùng DN trong thời điểm dịch bệnh.

Công Mạo

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm