Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa

Thứ hai, 28/04/2014 - 11:20

(Thanh tra) - Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục giảm mạnh; số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều; tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng đáng kể, từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% vào hết tháng 9/2013… dẫn đến đóng góp vào ngân sách Nhà nước tăng thấp hơn nhiều so với các năm trước và đứng trước nguy cơ mất thị phần trong nước.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6% và là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Ảnh: Thảo Nguyên

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014, diễn ra sáng nay (28/4).

Chỉ có 34,2% doanh nghiệp kinh doanh có lãi

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011 - 2013, cả nước có thêm 224.200 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 40,9% tổng số doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn 1991 - 2010. 

Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng liên tục bị ngắt quãng kể từ khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm từ 83.600 doanh nghiệp năm 2010 xuống còn 77.500 doanh nghiệp năm 2011, tiếp đó giảm sâu xuống còn 69.800 doanh nghiệp năm 2012, giảm 13.800 doanh nghiệp trong 2 năm. 

Năm 2013, dấu hiệu kinh tế phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt giúp cho số lượng doanh nghiệp thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại, đạt 76.955 doanh nghiệp, nhưng vẫn không bằng số lượng doanh nghiệp thành lập mới của năm 2009 và 2010. 

Quý I/2014, tuy cả nước có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số doanh nghiệp và 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2013, song vẫn còn gần 17.000 doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động.

“Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp và thiếu bền vững”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,2% vào hết tháng 9/2013. Thị trường trong nước thì phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng. Chỉ số hàng tồn kho cao như chế biến sữa, sản xuất đường (tăng 44-46%); sản xuất da và sản phẩm liên quan (tăng 53%); thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 61%)... Các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm tỷ trọng đến 40% trong thị trường bán lẻ, với sự góp mặt của nhiều tập đoàn phân phối hàng đầu như Casino (Pháp), Lion (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc)... cùng nhiều thương nhân Trung Quốc.

Trong khi đó, khả năng hấp thụ vốn thấp, doanh nghiệp có xu hướng co cụm, ngại mở rộng sản xuất, khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 30/9/2013, chỉ có 124.996/348.342 doanh nghiệp đang hoạt động tiếp cận được tín dụng. Thêm vào đó, bảo lãnh vay vốn không phát triển. Doanh nghiệp cũng khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ… trong bối cảnh sức mua của thị trường, tồn kho chưa cải thiện nhiều. 

Hơn 300 kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, nguyên nhân là do môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các khu vực doanh nghiệp, nên chưa tạo đủ niềm tin và động lực để doanh nghiệp bổ vốn đầu tư, dám làm và sáng tạo. Nguồn lực dành trợ giúp cho doanh nghiệp còn hạn chế, lại mang tính dàn trải, phân tán và rời rạc. Cùng với đó, năng lực của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu…

"Đó là các vấn đề đặt ra thách thức cho Chính phủ và các bộ, ngành trong việc xem xét, tìm ra cách thức hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới để huy động nguồn lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển”, ông Đông nhấn mạnh.  

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, yêu cầu có tính chất sống còn của cộng đồng doanh nghiệp là phải tái cấu trúc, phải đổi mới mô trình tăng trưởng. Doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên về quy mô, cao hơn về công nghệ, vươn tới các chuẩn mực quốc tế về quản trị, để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra được các thương hiệu, chuỗi giá trị của chính các doanh nghiệp.

VCCI đã tập hợp và gửi báo cáo lên Thủ tướng trên 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất, tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp; rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp có thể đi vào cuộc sống.

Công bố bộ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên cơ sở rà soát, loại bỏ trùng lắp giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành. “Cải cách hành chính đã quan trọng, cải cách tư pháp còn quan trọng hơn. Kết quả điều tra PCI của VCCI mấy năm qua cho thấy, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp”, ông Lộc cho biết.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ và ưu đãi (về thuế, tín dụng, khoa học và công nghệ, lao động…) theo chuỗi cụm ngành thay vì chính sách hỗ trợ từng ngành và doanh nghiệp riêng lẻ. 

Trong số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp cỡ lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng ngần ấy phần trăm các doanh nghiệp cỡ vừa. Còn lại 95 - 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (với tiêu chỉ dưới 10 lao động) chiếm tới 66-67%, nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới trên 99,9%...

Nói một cách hình ảnh, theo các nhà kinh tế, “đội thuyền thúng” doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn, khi thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề (hoàn thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Hiệp định thương mại tự do Viêt Nam - EU dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang trong quá trình đàm phán nước rút).

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024
Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm