Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đánh thức tiềm năng vùng trồng cam Tây Giang

Nguyên Phê

Thứ tư, 12/01/2022 - 21:23

(Thanh tra) - Chúng tôi vượt đường Hồ Chí Minh về hướng Tây lên huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam nằm sát biên giới Việt-Lào vào giữa mùa thu hoạch cam. Người đồng bào dân tộc Cơ Tu rất phấn khởi vì cam năm nay được mùa và càng phấn khởi hơn là, lần đầu tiên trái cam vùng biên giới được đưa về đồng bằng tiêu thụ nên thu nhập rất khá.

Người đồng bào Cà Tu sàng lọc cam chín để cân cho thương lái. Ảnh: N.P

Gặp khách quen thời còn công tác, ông Bhriu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang (là người dân tộc Cà Tu) sinh ra, lớn lên tại vùng đất A Xan “bật mí” với tôi: “Không biết giống cam ở Khu 7 (tức các xã vùng cao biên giới Tây Giang gồm Tr’Hy, A Xan, Ga Ry, Ch’ơm - PV) có từ bao giờ, nhưng từ hồi tôi còn bé, tức cách đây gần 60 năm, bố tôi lúc đó làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến lâm thời Khu 7 đã trồng một vườn cam ở thôn A Rằng. Giống cam không biết lấy từ đâu về, người bảo do bộ đội miền Bắc mang vào, người thì nói giống mang từ Lào sang… Trải qua chiến tranh rồi thiên tai bão lũ, vườn cam hoang hoá, đến bây giờ ở A Rằng còn sót lại đúng một cây cam ở khu vườn xưa, năm nay cũng xấp xỉ tuổi thọ trên 70 tuổi…”.

Cần nói thêm rằng, người Cơ Tu nơi đây định canh chưa ổn định, rất ít trồng các loại cây ăn quả, nên sự hiện hữu của cây cam là điều hiếm thấy. Giống cam ở A Xan được người dân mang lên trồng ở khắp Khu 7 nhiều nhất vẫn là xã Ga Ry. Ban đầu người dân trồng cam trên các vạt nương rãy để hái ăn chơi hoặc tiêu thụ nội địa, rồi bỏ rụng đầy nương rãy cho trâu bò ăn…

Trái cam vùng biên cương có vị ngọt thanh mát, là “cam sạch” nhưng phải chịu số phận hẩm hiu bên những cánh rừng già; mà nguyên nhân đầu tiên là cả vùng cam này từ bao đời nay không có đường giao thông…

Vườn cam Tây Giang

Bây giờ trái cây cam Tây Giang đã khác, nó được hoạch định phương án tiêu thụ rõ ràng, thuận lợi cho người trồng.

Ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp Tây Giang cho biết, cách đây 3 năm, có đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đi khảo sát các vùng miền núi biên giới đã phát hiện ra giống cam qúy Khu 7 này. Ngay sau đó, một đề án nghiên cứu bảo tồn nguồn gen qúy cây cam Tây Giang đã được triển khai trong 3 năm (2019 – 2021).

Theo kết quả đề tài nghiên cứu của đề án này, cây cam Tây Giang (Citrus sinensis L) có nguồn gốc tại Tây Giang,  được phân bố rải rác trên địa bàn huyện nhưng tập trung chủ yếu tại xã AXan và GaRy. Cây cam có nguồn gốc từ lâu đời, thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất này và được bà con dân tộc lưu giữ.

Theo đồng bào Cà Tu, khi sinh ra họ đã thấy cây cam. Nhiều cây cam cổ thụ có chiều cao 4-5 mét, đường kính tán rộng 5-6 mét mọc hoàn toàn tự nhiên không hề chăm sóc bón phân, tỉa cành; đến mùa cho quả thì đi hái.

Kết quả đánh giá đặc điểm sinh trưởng cây cam Tây Giang có trọng lượng trung bình 150-230gram/quả, vỏ quả khi chín chuyển dần vàng nhạt, vỏ mỏng, hàm lượng nước cao và vị ngọt mát lịm, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Quả cam bắt đầu chín từ tháng 9 Âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán hằng năm. Giá bán hiện nay trung bình khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg quả ngay tại vườn; trở thành nguồn thu nhập lớn cho bà con, nhất là chi tiêu trong dịp Tết đến Xuân về.

Nếu trước đây, xã Gari và Axan có diện tích trồng cam lớn nhất của huyện Tây Giang với số lượng hàng chục ha, hàng trăm nghìn gốc cam. Tuy nhiên, do không có nguồn tiêu thụ cam, nên người dân không mặn mà chăm sóc cho cam và một số hộ chăn thả gia súc vào khu vực trồng cam.

Có cả trăm hộ dân thu nhập mỗi hộ hàng trăm triệu đồng từ tiền bán cam. Đây là điều chưa từng có ở vùng biên cương này, khi sống người dân còn rất nhiều khó khăn…

Ông Zơ Zâm Nhưng, Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho biết, thời gian qua toàn xã có hơn 80 hộ trồng cam, chủ yếu trên các khu vực nương rãy. Mùa cam năm nay, lần đầu tiên UBND huyện kết nối được một số doanh nghiệp, tư thương ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) và Đà Nẵng lên mua cam cho người dân; tính đến cuối năm 2021, đã có hơn 100 tấn cam được chuyển về thị trường Đà Nẵng, Tam Kỳ tiêu thụ. Với giá bán tại vườn hiện nay, nhiều hộ dân đã có thu nhập tới 150 triệu đến 200 triệu đồng trong vụ cam này, đời sống người dân vùng trồng cam được cải thiện rõ rệt; đây là động lực để địa phương khuyến khích người dân phát triển thêm diện tích trồng cam.

Qua đề án nghiên cứu, có thể thấy giá trị và hiệu quả của cây cam ở huyện Tây Giang là rất lớn, đóng góp không nhỏ trong nền kinh tế và thu nhập của người dân địa phương; giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc Cơ Tu nơi vùng biên giới. Người đồng bào càng tin tưởng và phấn khởi mở rộng diện tích giống cam quý hiếm này.

Nắm tay tôi chỉ về hướng các thùng nhựa đầy ắp cam chín chuẩn đi đưa về xuôi, anh A Dân phá giọng cười vang giữa núi rừng... “Tết này, người đồng bào chúng tôi không chỉ ăn heo, gà mà còn mỗ cả trâu, bò để chén...”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm