Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đức Minh
Thứ hai, 04/07/2022 - 14:58
(Thanh tra) - Trước đây, vì mưu sinh nên trong suốt thời gian dài, nhiều đồng bào người Bahnar ở vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh vào rừng nguyên sinh chặt phá rừng để về sử dụng hoặc mang đi bán mà không hiểu được đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Cộng đồng dân làng Bahnar được hưởng lợi và bảo vệ những diện tích rừng được giao khoán. Ảnh: Đức Minh
Nhờ được tuyên truyên và phổ biến những kiến thức về pháp luật kịp thời, đồng bào ngày càng ý thức hơn và không những dần thay đổi được tập tục phá rừng mà giờ đây họ đã trở thành “phên giậu” ngăn lâm tặc ngay từ cửa rừng.
“Điểm nóng” một thời
Cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là 1 trong 7 Vườn Di sản ASEAN tại Việt Nam nằm ở phía Đông-Bắc tỉnh Gia Lai bao gồm các xã Đăk Roong, Kroong, Kon Pne (huyện KBang), Hà Đông (huyện Đăk Đoa) và Ayun (huyện Măng Yang).
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là khu rừng có vai trò quan trọng trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, nằm trên vùng núi cao nổi trội của cao nguyên Plei Ku với diện tích rừng tự nhiên 33.565ha. Tại khu vực vùng đệm hiện có 23 làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Người dân sinh sống gần rừng hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ và nhận thức thấp, nên công tác bảo vệ rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực vùng đệm rất khó khăn.
Anh A Mưm, một thành viên tích cực trong Đội Bảo vệ rừng của cộng đồng làng Đê Kjiêng cho biết, cách đây hơn chục năm trở về trước, dân làng thường vào rừng đốn cây về làm nhà sàn, đốt rừng làm nương rẫy, săn bắt thú rừng ăn thịt hoặc bán. Trong suốt thời gian dài, lực lượng Công an tỉnh và các cơ quan chức năng địa phương liên tục phát hiện hàng loạt những cây gỗ quý như trắc, lim, sến, táu bị những nhóm người dân chặt hạ. Nhiều gỗ được chuyển bán và số còn lại mang về để làm nhà sàn hoặc làm củi. Đặc biệt, nạn săn bắt thú rừng quý hiếm trở nên phổ biến.
“Hầu hết đồng bào ở đây chỉ suy nghĩ giản đơn cây trong rừng ai chặt về thì của người đó, thú trong rừng ai săn bắt được thì có quyền ăn… họ chưa hiểu đó là những việc làm bị Nhà nước cấm, là vi phạm pháp luật. Đã có không ít trường hợp người dân bị công an bắt, bị đi tù vì tham gia chặt phá rừng tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”, A Mưm bùi ngùi.
Cùng nhau bảo vệ rừng
Trước nguy cơ rừng bị xâm phạm, trong 2 năm 2013-2014, Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mở 40 lớp tìm hiểu về giá trị của vườn quốc gia này cho 1.200 học sinh trung học cơ sở và tiểu học vùng đệm ở 3 huyện Đăk Đoa, Mang Yang và K'Bang.
Từ năm 2015 đến nay, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã chủ động thực hiện giao khoán đất rừng trên diện rộng cho các cộng đồng dân cư sinh sống tại vùng đệm, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như cải thiện đời sống cho bà con nhân dân.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có tổng diện tích rừng tự nhiên lên tới gần 42.000ha, trải dài trên ba huyện là Đăk Đoa, Mang Yang và Kbang của tỉnh Gia Lai. Trong số này, gần 18.000ha đã được giao khoán bảo vệ cho 26 cộng đồng làng người Bahnar. Từ đầu năm tới nay, các cộng đồng làng phối hợp với lực lượng tại 9 trạm bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tổ chức 76 đợt tuần tra giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng phá rừng và vô hiệu hóa hàng trăm bẫy thú rừng.
Anh Toang, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng làng Đê KJiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang cho biết, trước kia, cuộc sống gia đình cũng như nhiều hộ dân trong làng rất vất vả vì phải thường xuyên chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên, từ khi được tham gia nhận khoán đất rừng, ngoài khoản thu nhập từ việc nhận khoán, anh còn có thể thu thêm các lâm sản phụ như măng, đót, nấm… nên cuộc sống đã ổn định hơn.
Theo ông Mai Thanh Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Mang Yang, hằng năm, xã luôn phối hợp với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trong công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu lợi ích từ việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học trong rừng. Trong đó, việc giao khoán và hỗ trợ kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng đã giúp bà con nhân dân cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn xã từ 35,5% năm 2016 xuống còn 16,61% trong năm 2019.
“Về phía địa phương, chúng tôi cũng mong muốn Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh quan tâm hơn nữa trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bà con nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân về các thông tư, nghị định mới của Chính phủ về Luật Lâm nghiệp để bà con được tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao nhận thức, góp phần quản lý tốt tài nguyên rừng cho Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”, ông Chung cho biết thêm.
Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh Nguyễn Văn Hoan chia sẻ, trong năm 2020, vườn tiếp tục duy trì diện tích giao khoán là 17.950 ha cho người dân tại các làng thuộc vùng đệm. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyển chọn người dân tham gia nhận khoán có ý thức làm việc tốt vào lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; phát triển cộng đồng vùng đệm của vườn.
Nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và chính sách giao khoán, bảo vệ, nhiều diện tích rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được giữ vững. Điều này có được là nhờ cộng đồng người Bahnar ở vùng đệm đã thay đổi tập tục khai phá rừng và trở thành “phên giậu” ngăn "lâm tặc" ngay từ cửa rừng.
Ông Lê Thanh Đạo, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng số 1 thông tin: Đối với những hộ được nhận khoán, chúng tôi chia sẻ kiến thức về các loài cấm không được khai thác, săn bắt và những điều khoản được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Trong quản lý, bám sát thông tin từ cơ sở nếu cá nhân nào có hành vi khai thác rừng, chúng tôi sẽ kết hợp với già làng, người uy tín, thuyết phục nên dần dần người dân cũng hiểu. Và nhiều năm gần đây, dân làng Đê Kjiêng mỗi khi vào rừng hái măng, hái đót, nếu phát hiện người lạ, hay tiếng máy cưa sẽ báo ngay cho lực lượng chuyên trách. Nhờ vậy, những năm qua tại lâm phần gần 2.000 ha của cộng đồng làng Đê Kjiêng nhận giao khoán, rừng được bảo vệ nguyên vẹn, không xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào.
Từ khi được nhận giao khoán bảo vệ, người dân đã ý thức hơn và dần bỏ hẳn những thói quen ảnh hưởng xấu đến rừng. Để ổn định sản xuất cho bà con, mỗi năm, sau khi nhận 250 triệu đồng kinh phí khoán, bảo vệ rừng, làng chia đều cho các hộ và trích ra một phần để mua máy cày, máy bơm nước phục vụ sản xuất chung; hỗ trợ vốn cho hộ nghèo.
Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, chia sẻ tổng số cán bộ, nhân viên tại đây chỉ có 75 người, trong khi diện tích rừng được giao quản lý lên tới gần 42.000ha. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị xác định dân cư vùng đệm chính là tai, mắt của mình. Chính vì vậy, hằng năm, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đều trích kinh phí làm các công trình chung như nhà cộng đồng, đèn chiếu sáng, hệ thống nước sạch, cấp cây giống và phân bón để hỗ trợ dân cư vùng đệm ổn định cuộc sống.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng triển khai dự án hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, xen trong nương rẫy nhằm giúp người dân có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập, yên tâm bảo vệ rừng,” ông Vinh chia sẻ thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.
Thảo Nguyên - Anh Mạnh
19:52 23/10/2024Minh Tân - Vũ Linh
08:00 30/07/2024Nam Dũng
21:12 09/12/2023Nam Dũng
11:57 16/11/2023Nam Dũng
22:09 08/11/2023Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank