Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Nguyên
Thứ sáu, 22/07/2022 - 15:56
(Thanh tra) - Bao năm qua các điểm nóng về ma túy như Chiềng Khừa, Loóng Sập, Chiềng Sơn… huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã khiến nhiều gia đình tan cửa, nát nhà. Bằng sự nỗ lực vào cuộc, không ngừng của các cấp đoàn thể, đặc biệt trong đó phải nói đến vai trò của Hội Phụ nữ huyện cùng việc linh động đưa luật cũng như các thông tư, nghị quyết vào cuộc sống đối với từng hộ gia đình mà các điểm “nóng” này đang dần hạ nhiệt.
Bằng sự vào cuộc của các cấp ngành, hội phụ nữ mà bình yên đã về với nhiều mái nhà. Ảnh: Phương Nguyên
Điểm tựa cho phụ nữ hoàn lương
Sau bao bể dâu của cuộc đời, giờ đây chị Loan (tên nhân vật đã được thay đổi) mới được yên ấm, hạnh phúc bên gia đình cùng những đứa con.
Hai đứa con của chị được ăn học đến nơi đến chốn, giờ sắp lập gia đình khiến chị ngấn lệ. Thế mà mấy năm trước đây, chả bao giờ chị nghĩ cuộc đời mình lại có được giây phút hạnh phúc này.
Nhớ lại chặng đường đầy tủi nhục cách đây 10 năm khiến chị cảm thấy ân hận vô cùng, khi bản Nà Bó 1 bị đảo lộn vì tình trạng nghiện hút và buôn bán ma túy. Bao gia đình rơi vào cảnh khốn cùng vì cả chồng, con cùng nghiện hút, không ít nhà bố con cùng dắt díu nhau vào tù.
Gia đình chị Loan cũng không tránh khỏi cái vòng xoáy nghiệt ngã đó. Chồng nghiện rồi đến chị cũng bị lợi nhuận từ ma túy làm cho mờ mắt. Từ một phụ nữ hiền lành, chất phác, chị lao vào xách thuê ma túy để kiếm lời. Một lần rồi hai lần, chị bị “chất trắng” bỏ bùa mê thuốc lú.
Trong một lần vận chuyển ma túy thuê cho đối tượng xấu, chị Loan bị công an bắt. Cái án 4 năm tù giam khiến chị như bị dứt từng khúc ruột khi phải xa 2 đứa con còn thơ dại. Suốt những ngày cải tạo tại nhà giam, chị đã dần nhận ra sai lầm của mình. Nhờ cải tạo tốt, chị được ra tù trước hạn.
Được về lại ngôi nhà, ở bên con cái chị mới cảm nhận được hạnh phúc đến nhường nào. “Những ngày đầu tôi về bản, tôi lúng túng chẳng biết bắt đầu làm lại cuộc đời từ đâu. Đúng lúc hoang mang nhất đó, tôi được các chị trong Chi hội Phụ nữ bản đến động viên và giúp đỡ tôi làm kinh tế. Các chị phải góp ý rất nhiều, tôi mới lấy lại được cân bằng khi hòa nhập cộng đồng”, chị Loan tâm sự.
Từ nguồn vốn giúp đỡ của hội, chị nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau… nhờ đó cuộc sống của mấy mẹ con dần ổn định. Từ một hội viên rụt rè, nhút nhát, sau mấy năm, chị đã tự tin hơn. Giờ chị còn là hội viên tích cực trong việc tuyên truyền phòng chống ma túy.
Cũng giống như chị Loan, chị Lường Thị Việt (tên nhân vật đã được thay đổi) ở bản Lùn phải vất vả lắm mới lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. 10 năm tù giam là cái án mà chị Việt từng phải gánh chịu vì tội buôn bán ma túy.
Ngày chị Việt trở về bên gia đình, chồng mất, con thì thất học, nhà cửa tan hoang.
Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Việt, các chị trong Chi hội Phụ nữ đã đến giúp chị làm lại cuộc đời từ đống đổ nát. Tham gia hội, chị được giao lưu với các chị em trong bản, được giúp đỡ vốn làm ăn. Những nỗi đau, nỗi buồn của chị Việt được mọi người chia sẻ cũng dần vơi. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng chị được sống vui vẻ bên gia đình.
Huy động cả cộng đồng vào cuộc
Mường Sang là cửa ngõ của tuyến đường lên Cửa khẩu Loóng Sập. “Cơn lốc trắng” càn quét qua đấy khiến nhiều phụ nữ rơi vào vòng lao lý. Họ là những người mẹ, người chị cả trong gia đình. Giúp những phụ nữ lầm lỡ hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng mà Hội Phụ nữ xã Mường Sang luôn ưu tiên.
Theo chị Hoàng Thị Sinh, Hội Phụ nữ xã Mường Sang thì: Hội luôn sát sao từng hoàn cảnh của chị em vừa cải tạo về để động viên, giúp đỡ. Ai cũng có một thời lầm lỡ, nên các hội viên cùng chung tay, chia sẻ và giúp đỡ các chị em hoàn thành cải tạo về có được nơi ăn, chốn ở ổn định. Đó là động lực giúp họ quên đi quãng đời lầm lỗi và hướng tới tương lai.
Không riêng gì xã Mường Sang, ở các xã khác như Chiềng Khừa, Loóng Sập, Chiềng Sơn, tình hình buôn bán, nghiện hút ma túy còn nóng hơn gấp nhiều lần mà trong những đối tượng buôn bán ma túy có rất nhiều người là phụ nữ. Theo thống kê của Hội Phụ nữ huyện Mộc Châu, lúc cao điểm, toàn huyện có trên 150 phụ nữ nghiện ma túy, hàng chục phụ nữ tham gia vào con đường vận chuyển ma túy thuê.
Ma túy khiến bản làng điêu đứng, đặc biệt là ở các bản giáp biên, tình hình còn thê thảm hơn. Có những gia đình cả nhà cùng nghiện. Bố, con, anh, chị em trong một nhà nối gót nhau vào tù.
Trước tình hình này, cùng với các ban ngành của huyện, các cấp Hội Phụ nữ huyện Mộc Châu coi nhiệm vụ vận động hội viên phòng chống ma túy là việc làm cấp bách. Chị Đỗ Thị Chúc - Hội Phụ nữ huyện Mộc Châu từng chứng kiến bao hoàn cảnh đau lòng do ma túy gây ra. Điều đó càng thôi thúc những cán bộ hội cùng chung tay vào việc “hạ nhiệt” vùng đất nóng.
“Các cán bộ hội của huyện được cử đi nằm vùng nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con rồi tìm cách tuyên truyền, thuyết phục các đối tượng buôn bán ma túy ra đầu thú. Riêng những người nghiện cũng được động viên đưa đi cai nghiện. Cán bộ thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) là những việc mà chúng tôi xác định phải làm bằng được. Muốn bà con thoát nghèo, thoát cảnh tan tác, việc đầu tiên là vận động con em họ thoát khỏi vòng “mê mị” của ma túy”, chị Chúc nhớ lại.
Đa phần các bản giáp biên là bà con người Mông sinh sống, nên muốn tổ chức sinh hoạt hội được phải tổ chức về tối. Đích thân chị Chúc và cán bộ đến bản tổ chức tuyên truyền cách phòng chống ma túy. Những nội dung thiết thực được chuyển tới hội viên như: Tác hại của ma túy đối với mỗi người, gia đình và xã hội; các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với ma túy; phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Một số biểu hiện và dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy. Vai trò của hội phụ nữ trong vận động, tổ chức hội viên và nhân dân tham gia tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội đồng thời trực tiếp tham gia quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.
Để bà con dễ hiểu và dễ tiếp thu, những nội dung được sao sang băng, đĩa CD, sang bằng tiếng dân tộc Mông, dân tộc Thái. Mỗi bản được phát 1 đĩa và mở thường xuyên cho bà con nghe. Mưa dầm thấm lâu, khi bà con hiểu tác hại của ma túy, bà con sẽ vào cuộc mạnh mẽ để giữ lấy người thân và bản làng mình được yên bình. Sau 2 năm vào cuộc quyết liệt, số người nghiện và số phụ nữ tham gia buôn bán ma túy đã giảm rõ rệt. Mừng hơn cả là bà con đã hiểu là phải xóa bỏ ma túy thì bản làng mới thoát nghèo và thoát khổ được.
Sự vào cuộc chung tay của cả cộng đồng là “thành trì” vững chãi chống lại “cơn lốc trắng” tràn qua đất này. Nhờ đó mà vùng đất “nóng” đang dần được “hạ nhiệt”. Cách làm của các cấp Hội Phụ nữ huyện Mộc Châu đã phát huy hiệu quả. Đây cũng là cách thu hút hội viên đến với hội.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.
Thảo Nguyên - Anh Mạnh
19:52 23/10/2024Minh Tân - Vũ Linh
08:00 30/07/2024Nam Dũng
21:12 09/12/2023Nam Dũng
11:57 16/11/2023Nam Dũng
22:09 08/11/2023Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình