Để có đảng viên tốt, chi bộ tốt và Đảng vững mạnh, một mặt không ngừng làm tốt công tác phát triển đảng viên; mặt khác, phải kiên quyết “đuổi ra” khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất. Do đó, "thanh lọc" đảng viên là một trong những quy luật “sắt” trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

VÌ SAO PHẢI "THANH LỌC" ĐẢNG VIÊN?

Thứ nhất, xuất phát từ nguồn gốc xuất thân của các đảng viên của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử, là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết Tình hình và nhiệm vụ (báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II) tháng 4 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích hết sức rõ ràng: “Về Đảng: Đảng ta có cơ sở khắp cả nước, Đảng đã thu hút những người cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng có chính cương, đường lối đúng. Đảng lãnh đạo toàn dân đoàn kết kháng chiến, tranh được nhiều thắng lợi. Đó là thành tích vẻ vang của Đảng ta. Những khuyết điểm của Đảng là: Giáo dục và tổ chức kém, cho nên số đảng viên đông (hơn 70 vạn) nhưng chất lượng kém. Nhiều đảng viên và cán bộ ta rất hy sinh tận tụy, làm gương mẫu trong mọi việc, được quần chúng kính phục và yêu mến. Nhưng số đông cán bộ và đảng viên ta chưa được rèn luyện trong đấu tranh, chưa được cải tạo tư tưởng, lập trường giai cấp vô sản không vững, (nhất là đảng viên thành phần tiểu tư sản và đảng viên mới)”(2); Đảng ta là đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc; thành phần vào Đảng không thuần nhất mà tập hợp nhiều giai tầng khác nhau. Do đó, mỗi đảng viên mang trong mình tư tưởng, lập trường giai cấp, thái độ chính trị khác nhau, nhất là đảng viên không xuất thân giai cấp công nhân. Về vấn đề này, trong tác phẩm Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng, Người giải thích và dẫn chứng lời dạy của V.I.Lênin: “Vì họ không phải từ giai cấp vô sản mà ra. Lênin thường nói: Đảng viên công nhân sẵn có tính tự nhiên của giai cấp vô sản. Vậy nên những đảng viên xuất thân từ giai cấp khác ắt cũng sẵn có tính tự nhiên của giai cấp đó. Tuy ngày nay họ đã theo tư tưởng cách mạng, nhưng dù sao cũng còn vương ít nhiều vết tích tư tưởng, ý thức, tập quán không cách mạng”(3).

Hơn nữa, có những đảng viên vào Đảng vì động cơ không trong sáng; vì vậy, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người viết: “Đối với các hạng đảng viên: Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước. Song Đảng có rất đông đảng viên. Phần đông cố nhiên đã hiểu biết vì dân, vì nước mà vào Đảng. Nhưng cũng có phần vì lẽ khác mà theo vào Đảng. Thí dụ: có người tưởng vào Đảng thì dễ tìm công ăn việc làm. Có người vào Đảng mong làm chức này, tước nọ. Có người vì anh em bạn hữu kéo vào...”(4)... Những đảng viên như thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Đối với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi kỷ luật nghiêm khắc mà xin ra khỏi Đảng, thì Đảng vẫn bằng lòng để họ ra. Đảng chỉ yêu cầu một điều là: Họ thề không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng. Như thế thì Đảng vẫn giữ cảm tình thân thiện với họ”(5).

Thứ hai, xuất phát từ quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đó là thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(6).

Theo đó, xây dựng Đảng luôn đòi hỏi phải tiến hành cả đổi mới và chỉnh đốn. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng có quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ. Đổi mới là từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời, kìm hãm, tạo ra những nét mới, tiến bộ, đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển. Chỉnh đốn là loại bỏ thoái hoá, biến chất, hư hỏng, vi phạm, chỉnh lại cho đúng những gì đã bị làm sai lệch. Đổi mới, chỉnh đốn để nâng chất lượng, tầm cao mới, để tồn tại, phát triển: “Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn. Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng”(7).

Trước thực trạng “nhiều đảng viên và cán bộ ta rất hy sinh tận tụy, làm gương mẫu trong mọi việc, được quần chúng kính phục và yêu mến. Nhưng số đông cán bộ và đảng viên ta chưa được rèn luyện trong đấu tranh, chưa được cải tạo tư tưởng, lập trường giai cấp vô sản không vững, (nhất là đảng viên thành phần tiểu tư sản và đảng viên mới)”(8); thậm chí, trong nội bộ của Đảng có cả kẻ thù len lỏi vào: “Tệ hơn nữa, bọn đặc vụ, bọn mật thám cố len lỏi vào Đảng”(9)... Vì vậy, toàn Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thực sự là Đảng “đạo đức và văn minh”, phải “tống khứ” những kẻ địch ở trong Đảng.

leftcenterrightdel
Báo Cứu quốc đưa tin Trần Dụ Châu ra Tòa án binh tối cao. Ảnh: nongnghiep.vn 
 

Trong tác phẩm Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng, Người giải thích hết sức rõ ràng: “Người đảng viên chẳng những phải ra sức rèn luyện và tu dưỡng, trong lúc gian khổ khó khăn, trong lúc thất bại, mà còn và càng phải rèn luyện và tu dưỡng trong lúc thuận lợi, trong lúc thành công. Có những đảng viên vì cách mạng thắng lợi, vì được quần chúng ủng hộ, vì gây được ít nhiều uy tín trong quần chúng, mà sinh ra say sưa. Rồi họ hoá ra huênh hoang, kiêu ngạo, quan liêu, hủ hoá, mất hết tư cách cách mạng. Đảng cần phải hết sức ngăn ngừa hiện tượng ấy, phải kịch liệt chống lại nó; phải tẩy những phần tử đã hủ hoá ra khỏi Đảng và cơ quan chính quyền, để giữ gìn tính trong sạch của Đảng và của chính quyền. Mỗi đảng viên phải ghi nhớ rằng: Đảng cách mạng của vô sản không thể tha thứ sự hủ hoá. Vì vậy, nhất là khi thắng lợi và thành công, đảng viên càng phải ra sức tu dưỡng, để giữ vững tính trong sạch và tư cách cách mạng của mình”(10).

"THANH LỌC" NHƯ THẾ NÀO?

Một là, phải "thanh lọc" ngay từ khi chuẩn bị kết nạp đảng viên. Đây là trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức Đảng, nhất là chi bộ, trong phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện và kết nạp đảng viên với quy trình chặt chẽ; tuyệt đối không được coi nhẹ chất lượng mà chạy theo số lượng, cơ cấu. Về vấn đề này, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người luận giải hết sức rõ ràng: “Chọn lọc đảng viên mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Chi bộ cần thường xuyên giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những phần tử hăng hái, nâng cao trình độ giác ngộ của họ đến tiêu chuẩn đảng viên. Khi giới thiệu họ vào Đảng, thì phải hết sức cẩn thận. Chi bộ phải hiểu rõ lý lịch, mặt mũi chính trị, trình độ giác ngộ, ưu điểm và khuyết điểm của mỗi đảng viên cũ. Phải đôn đốc họ học tập và tham gia mọi công tác của Đảng. Đối với những phần tử xấu chui vào trong Đảng, chi bộ phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, cùng với chính quyền và quần chúng tẩy trừ họ ra. Trách nhiệm của chi bộ là chấp hành kỷ luật của Đảng. Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”(11).

Hai là, phải chỉnh đốn chi bộ để "thanh lọc" đảng viên hiệu quả. Với trị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình, không ai khác và hơn tổ chức nào khác, chi bộ một mặt phải tăng cường xây dựng; mặt khác, phải tự chỉnh đốn để thực sự là hạt nhân lãnh đạo, là nền tảng của Đảng, có đủ “sức mạnh” để "tống cổ" các thành phần “hủ hóa” ra khỏi Đảng một các kiên quyết. Do đó, Người khẳng định: “Quan trọng nhất là chỉnh đốn chi bộ, chi bộ là nền tảng của Đảng, của cách mạng ở xã, nếu không chỉnh đốn chi bộ được tốt thì những phần tử xấu sẽ ngóc đầu lên. Muốn chỉnh đốn chi bộ tốt, thì những phần tử xấu phải xử trí đúng mức: Cần đuổi ra khỏi Đảng thì đuổi ra, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục. Việc này là việc quan trọng nhất”(12).

Ba là, phải làm tốt phận sự của người đảng viên chân chính. Người yêu cầu mỗi đảng viên phải ra sức tu dưỡng, để giữ vững tính trong sạch và tư cách cách mạng của mình; đồng thời, phải có “thái độ đúng. Tức là: a) Phân tách rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai. b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt. c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng. d) Không làm cách máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ. đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng. Bọn phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại. Vì vậy chúng ta phải ra sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi một đảng viên chân chính”(13).

Bốn là, toàn Đảng phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Bởi theo Người: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”(14). Người yêu cầu rất cao về thái độ phê bình của đảng viên: “Đối với tự phê bình và phê bình, có 3 thái độ khác nhau: Những đồng chí giác ngộ chính trị cao thì tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Khi phê bình người khác, các đồng chí ấy thành khẩn, nhẫn nại, giúp đỡ họ sửa chữa. Đối với những kẻ sai lầm rất nặng mà lại không chịu sửa đổi, thì các đồng chí ấy đấu tranh không nể nang. Chúng ta phải học tập tinh thần và tác phong của các đồng chí ấy. Có một số ít người thì phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi. Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”(15).

(1) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.113; tr.672

(2) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7; tr.395; tr.395

(3) (9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, tr.299; tr.299; tr.296

(4) (5) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr.294; tr.294; tr.304-305

(7) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, tr.280; tr.289

(12) (14) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, tr.311; tr.521; tr.521

NCS Nguyễn Hồng Hải
TS Hà Sơn Thái