16 tuổi có bức tranh đầu tiên về Bác

Trong căn phòng nhỏ xinh, họa sĩ Trần Hòa Bình (sinh năm 1955), ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được nhiều người biết đến là tác giả của hơn 700 bức chân dung Bác Hồ cho hay, cố họa sĩ Nam Phong - cha của ông chính là người đã truyền cảm hứng, đam mê và chỉ dạy cho ông tỉ mỉ từng nét vẽ đầu tiên.

Ngay từ nhỏ đã được chứng kiến hàng nghìn bức tranh về đạo của cha, ông luôn có ấn tượng rất sâu sắc và kỳ lạ đối với những bức tranh truyền thần về Bác mà cha đã vẽ.

"Tôi nhớ nhất những lời mà bố nói rằng, vẽ tranh về Bác không đơn giản là đẹp hay xấu, giống hay không mà quan trọng là cái thần, là cảm xúc, là sự kính trọng của chính người vẽ dựa trên hình ảnh chân thực về Bác. Bố tôi dặn là phải vẽ thật vững những ảnh khác thì mới vẽ chân dung Bác", họa sĩ Hòa Bình chia sẻ.

Họa sĩ Hòa Bình chia sẻ thêm, sau rất nhiều lần "vẽ đi, vẽ lại" đến năm 1971 (lúc đó 16 tuổi) ông mới có bức tranh truyền thần đầu tiên về Bác, cha của ông rất khen ngợi.

Chính bức tranh đầu tiên của ông về Bác đã được đánh giá cao và đem lại cho ông giải thưởng hội họa của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình lúc bấy giờ.

Tác phẩm đã được ông tặng UBND thị trấn Phát Diệm treo tại trụ sở. Đây cũng chính là động lực để họa sĩ Hòa Bình tiếp tục hành trình vẽ tranh truyền thần về Bác nhiều hơn.

Những tác phẩm tranh truyền thần được họa sĩ Hòa Bình vẽ chủ yếu trên chất liệu sơn dầu, khổ ảnh trung bình (68 x 88cm), với nhiều đề tài như Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ ngồi trên ghế sofa...

Trong đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên ghế sofa trong chuyến thăm và làm việc tại xứ sở Bạch Dương được họa sĩ Hòa Bình truyền thần nhiều nhất, với trên 700 bức tranh. Đây cũng là bức chân dung được nhiều người yêu thích nhất.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ Nguyễn Hòa Bình bên những tác phẩm vẽ về Bác Hồ. Ảnh: ND
 

Vẽ về Bác để được thể hiện tình yêu, lòng kính trọng

Mặc dù vẽ số lượng khá lớn tranh về Bác, nhưng mỗi bức vẽ ông đều đầu tư tâm sức, trí tuệ, sự tỉ mỉ tới từng đường nét để có thể lột tả sinh động khí chất của vị lãnh tụ vĩ đại, với ánh mắt luôn lo nghĩ cho nhân dân, đất nước, mà vẫn giữ được vẻ giản dị và gần gũi.

Theo họa sĩ Hòa Bình, từ năm 2000 trở lại đây, mỗi năm số lượng người đặt ông vẽ chân dung Bác nhiều hơn, nhưng không vì "chạy đua" với thời gian, mà phải dành trọn tâm huyết cho một tác phẩm làm sao tạo độ sâu trong các bức vẽ, tạo phong cách riêng có, cũng như sức hút mạnh mẽ với người yêu tranh.

Nhiều năm qua, tranh truyền thần do họa sĩ Hòa Bình vẽ được trưng bày không chỉ trong tư gia, văn phòng trong nước, mà còn được trưng bày trong tư gia tại nước ngoài.

Hàng chục năm nay, tiệm tranh của ông vẫn nằm khiêm tốn tại con phố nhỏ tại thị trấn Phát Diệm. Cả tiệm tranh đều đậm chất hoài niệm về một thời bao cấp xưa của đất nước. Ông cho biết, đây chính là nơi gìn giữ tâm huyết nghệ thuật của 3 thế hệ gắn bó với nghề vẽ tranh truyền thần. 

Nhiều năm trong nghề, họa sĩ Hòa Bình luôn tự tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp của mình để mỗi bức tranh về Bác luôn tốt hơn. Đến nay, ông cũng không còn nhớ được chính xác số lượng các bức tranh mình đã vẽ nhưng ông luôn ghi nhớ số lượng tranh đã vẽ về Bác. 

Họa sĩ Hòa Bình cho biết, thường thì ông mất 4 ngày để vẽ truyền thần một bức tranh về Bác bằng chất liệu sơn dầu với kích thước 68 x 88cm. Theo ông, điểm khó nhất khi vẽ chân dung Bác chính là đôi mắt. Làm sao phải toát lên được cái thần trong ánh mắt của Bác, sự bình dị, gần gũi, thân thương nhưng cũng rất cương nghị. Đến nay, bức tranh lớn nhất ông vẽ về Bác có kích thước trên 2m do một khách hàng ở Ninh Bình đặt mua. 

Là một giáo dân, họa sĩ Hòa Bình luôn tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương, thực hiện tốt phương châm “kính Chúa, yêu nước”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng xứ đạo bình yên và giàu mạnh; đồng thời thực hiện tốt phong trào xây dựng xứ họ đạo gương mẫu, xây dựng giáo xứ giàu đẹp.

Đến nay, dù đã ngoài 60 tuổi song đôi bàn tay của người họa sĩ tài hoa vẫn dẻo dai, khéo léo như ngày nào. Điều họa sĩ Hòa Bình luôn mong muốn là thế hệ sau này sẽ tiếp tục lưu giữ, duy trì và phát triển nghề vẽ tranh truyền thần đang ngày càng mai một. 

Nhìn những bức tranh mà họa sĩ Hòa Bình vẽ về Bác có thể thấy tình yêu, lòng tôn kính mà họa sĩ dành cho Bác trong suốt cuộc đời mình.

Bố Họa sĩ Nguyễn Hòa Bình là cố họa sĩ Nam Phong với bức tranh "Đức mẹ Việt Nam" được vẽ từ năm 1953. Bức tranh nổi tiếng nhờ những nét vẽ với màu sắc và đường nét rất tinh xảo. Đặc biệt là hình ảnh "Đức mẹ" trong bức tranh mang đậm nét của người phụ nữ Việt Nam.

“Năm 1994, trước khi qua đời, bố tôi đã đồng ý bán bức tranh lại cho bảo tàng với giá 5.000 USD và hiện đang được treo trong phòng tiếp khách của Đức Giáo hoàng tại Tòa thánh Vatican” - họa sĩ Nguyễn Hòa Bình cho hay. 

Nam Dũng