Mộc mạc, chất phác và một tình cảm vô bờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những gì ông Trần Văn Cao, thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để lại ấn tượng cho bất cứ ai khi tiếp xúc với ông.

Hơn 30 năm vừa làm ruộng, vừa làm thơ, viết văn và dày công sưu tập ảnh Bác Hồ, đến nay, khi đã ở tuổi bát tuần, lão nông Trần Văn Cao đã hoàn thành tâm nguyện của mình: Xây dựng được Phòng lưu niệm Bác Hồ, viết xong sử ca về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam.

Một ngày đầu tháng 5, dù thời tiết nóng nực nhưng tại căn nhà ông Trần Văn Cao vẫn rôm rả tiếng nói cười của những người cao tuổi trong làng. Họ đến để tham quan, tìm hiểu về những câu chuyện liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ qua những bức ảnh được ông Trần Văn Cao trang trọng trưng bày ở Phòng lưu niệm và qua những câu chuyện kể của ông.

Tại đây có hơn 300 bức ảnh, trong đó có nhiều bức ảnh quý, được sưu tầm theo các mốc thời gian Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, những năm Người bôn ba ở nước ngoài, hay lúc trở về lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Ở xã Đại Yên, việc ông Cao tự xây Phòng lưu niệm Bác Hồ hay viết sử ca về Đảng, Bác Hồ, Cách mạng Việt Nam làm nức lòng người dân thôn quê.

Họ không nghĩ rằng, một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, mải mê với đồng ruộng lại có thời gian sưu tầm được khối lượng lớn ảnh về Bác, sáng tác một tập sử ca với 1.456 câu thơ, gần 100 trang viết về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam.

Thế nên, từ đầu năm 2020, khi Phòng lưu niệm Bác Hồ được hoàn thành, nhà riêng của ông Cao luôn tấp nập người dân trong làng, các đoàn thể trong xã và trong cả huyện Chương Mỹ về tham quan.

Phòng lưu niệm Bác Hồ của gia đình ông Trần Văn Cao trở thành niềm tự hào của cả người dân thôn Đại Phẩm và xã Đại Yên.

Chuyen ve nguoi nong dan xay Phong luu niem Bac Ho, viet su ca ve Dang hinh anh 1
 
 Ông Trần Văn Cao giới thiệu các bức ảnh của Bác Hồ cho khách tham quan. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Rót nước mời khách, ông Trần Văn Cao hào hứng kể về quá trình sưu tầm ảnh Bác Hồ của mình với sự dày công và tràn đầy nhiệt huyết.

Ông  hào hứng khoe bộ ảnh đầu tiên về Bác Hồ với 21 tấm được tặng trong Hội nghị Chiến sỹ thi đua toàn ngành Thủy lợi cả nước năm 1967 (nơi ông công tác trước khi nghỉ hưu), được ông phóng to từ những bức ảnh cũ.

"Đây là món quà quý giá đối với tôi để sau này, khi về hưu gắn bó với ruộng đồng, bất kỳ khi nào, lúc làm việc gì, từ cấy lúa, trồng rau tôi đều nghĩ đến Bác Hồ và nung nấu ý định sưu tầm những tư liệu liên quan đến Bác,” ông Cao chia sẻ.

Thế rồi, sử ca về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam cũng được chắp bút từ những xúc cảm, hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, về hoạt động của Đảng và Cách mạng Việt Nam.

Cứ mỗi ngày viết một ít, tranh thủ lúc rảnh rỗi, ông lại ngồi riết bên bàn cùng tập bản thảo. Có những lúc, cảm xúc tuôn trào theo nét bút khiến ông không viết kịp.

Hoàn thành phần một của cuốn sử ca gồm 1.456 câu thơ, ông chuyển sang phần hai viết bằng văn xuôi. Phần này ông Cao tập trung viết về 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cũng để thêm sự hấp dẫn cho tập sử ca, phần ba của cuốn sử ca được ông “kể chuyện” bằng những bức ảnh về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam. Số lượng ảnh tương đối phong phú nhưng ông Cao vẫn chưa hài lòng, vẫn nung nấu sưu tầm những bức ảnh về tuổi ấu thơ của Bác Hồ.

Kể về chặng đường 30 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ, nông dân Trần Văn Cao cho biết: “Tôi đi đến đâu, từ nhà anh em, bạn bè, cứ thấy ảnh Bác Hồ là xin; xin không được thì mượn để chụp lại. Hầu hết mọi người đều thấy tôi tâm huyết nên đều giúp đỡ.”

Ông cũng biết rằng, khi Internet phát triển, trên mạng có rất nhiều ảnh Bác Hồ nhưng ông không biết sử dụng nên chỉ sưu tầm qua tranh ảnh, sách báo. Vì vậy, các bức ảnh ông có được đều là ảnh đen trắng, mộc mạc.

Khi số lượng ảnh đủ lớn, cuộc sống không quá vất vả, ông Trần Văn Cao có ý định xây dựng một Phòng lưu niệm trưng bày ảnh về Bác Hồ.

Ông Trần Văn Cao kể, khi đề xuất ý tưởng xây dựng phòng lưu niệm, mọi người trong gia đình đều ủng hộ. Bởi họ hiểu rằng, ông luôn dành cho Bác Hồ một tình cảm trân trọng, thiêng liêng.

Từ cuối năm 2019, ông bắt tay vào xây dựng và đến dịp giáp Tết Nguyên đán Canh Tý (tháng 1/2020), Phòng lưu niệm Bác Hồ được hoàn thành với sự khang trang, ấm áp; ở đó không chỉ trưng bày những bức ảnh về Bác Hồ mà còn là nơi tưởng niệm Bác với một ban thờ nhỏ được trang trí trang trọng.

Không thể nào tả được xúc cảm của ông khi hoàn thành được ý nguyện ấp ủ hàng chục năm qua. Có những lúc, đứng trước căn phòng, cảm xúc dâng trào, nước mắt ông lại rưng rưng.

Chuyen ve nguoi nong dan xay Phong luu niem Bac Ho, viet su ca ve Dang hinh anh 2
 
 Ông Trần Văn Cao lau dọn Phòng lưu niệm Bác Hồ. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Khi có khách đến thăm, ông Trần Văn Cao lại kiêm luôn cả thuyết minh viên. Trong từng bức ảnh, ông thuộc lòng các dấu mốc, ý nghĩa và những câu chuyện của bức ảnh đó. Hơn cả, nó còn chứa đựng những tình cảm của ông ở trong đó.

Với lời giới thiệu hào hứng, cách kể chuyện say sưa, xen lẫn sự mộc mạc, chân thành, cách thuyết minh của ông Trần Văn Cao cuốn hút khách tham quan, đưa người ta đi từ sự kiện này tới sự kiện khác.

Giới thiệu cho mọi người xem bức ảnh Bác Hồ ngồi trong lều cỏ chỉ huy cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp hay bức ảnh Bác bị giam cầm ở nhà lao Trung Quốc, ông không giấu được sự xúc động, kể lại với sự nghẹn ngào, khóe mắt đỏ hoe.

Người dân xã Đại Yên không chỉ nể phục ông vì số lượng ảnh sưu tập mà còn khâm phục bởi sự bài trí khoa học.

Những bức ảnh được bài trí lớp lang theo từng chủ đề: Bác Hồ với gia đình, Bác Hồ khi ra đi tìm đường cứu nước, những năm Bác hoạt động ở nước ngoài, khi Bác về nước lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, Bác Hồ trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Bác Hồ trong công tác ngoại giao… tạo ra một câu chuyện kể hoàn chỉnh.

Khi thăm phòng lưu niệm, ông Nguyễn Văn Đắc, một thầy giáo đã nghỉ hưu tại xóm Đường, xã Đại Yên bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nghe ông Cao trình bày cả một chuỗi dài chặng đường hoạt động của Bác rất khoa học, logic. Cũng như mọi người trong làng, ông rất kính trọng tình cảm, lòng biết ơn của ông Trần Văn Cao dành cho Bác Hồ.

Từ khi Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Trần Văn Cao hoàn thành, không chỉ người dân trong thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên mà rất nhiều người trong huyện Chương Mỹ và những ai biết đến điểm đến ý nghĩa này đều ủng hộ ông.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Yên Đặng Tiến Hoàng khẳng định đây là một mô hình ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ, có sự lan tỏa lớn trong Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xã Đại Yên đã tổ chức cho các cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể trong xã đến tìm hiểu, tham quan phòng lưu niệm trong thời gian qua.

Không chỉ sưu tập ảnh, trưng bày tại phòng lưu niệm Bác Hồ, sáng tác sử ca về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam, ông Trần Văn Cao còn sáng tác nhiều tác phẩm hội họa về chân dung Bác Hồ và những địa danh liên quan đến Bác Hồ: Núi Karl Marx, suối Lenin, quê Bác, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ông còn mong muốn được đi nói chuyện, tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại những buổi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị của các thôn, xã.

Với ông, việc xây dựng Phòng lưu niệm về Bác Hồ hay sáng tác sử ca về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam không gì hơn ngoài mục đích giữ lại cho con cháu, dân làng và mọi người những giá trị, hình cảnh cao đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

 

  •  
(Theo Vietnam+)