Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tôi luôn nhớ những lời “tâm đạo” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trà Vân

Chủ nhật, 21/07/2024 - 09:53

(Thanh tra)- Năm 2013, một lần trò chuyện tại Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ rằng: Nhà nước thì lấy giáo dục làm quốc sách. Phật giáo của chúng ta cũng phải đặc biệt coi trọng tính giáo dục. Chỉ có giáo dục mới có thể nâng cao trình độ hiểu biết, nhân cách của tăng ni Phật giáo, đặc biệt trong thời đại ngày nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ khánh thành tấm bia đá về Phật hoàng Trần Nhân Tông, Cung Trúc Lâm, Yên Tử ngày 6/4/2022. Ảnh: TV

Câu chuyện về tấm bia trước cung Trúc Lâm

Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho biết, ông có duyên được biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ nhiều chục năm trước, khi Tổng Bí thư còn làm việc tại Tạp chí Cộng sản, chứ không phải đợi đến khi ông làm đại biểu Quốc hội. Đó là tình cảm như những người thân thiết nhất không bị ngăn cách bởi tuổi tác, địa vị xã hội hay cách ngăn giữa đạo và đời.

Năm 2008, tại Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, lúc đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng, Nhà nước về dự và phát biểu tại chùa Yên Tử.

Hòa thượng nhớ lại, Đại lễ năm ấy diễn ra trong thời tiết giông gió, nhưng khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết thúc bài diễn văn thì cũng vừa hay trời yên biển lặng.

Bài phát biểu, theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết là “rất sâu sắc, trí tuệ, nhân văn và rất tâm đạo”.

Thấy được giá trị của bài viết sâu sắc này, khi xây dựng Cung Trúc Lâm tại Yên Tử, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (lúc đó là Thượng tọa Thích Thanh Quyết) đã xin phép được khắc bài lược trích phát biểu này trên bia đá trang trọng đặt trước Cung Trúc Lâm và được vị lãnh đạo đáng kính của đất nước đồng ý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh tại lễ khánh thành tấm bia đá về Phật hoàng Trần Nhân Tông trước cung Trúc Lâm, Danh thắng Yên Tử, ngày 6/4/2022. Ảnh: TV

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang chiêm bái tâm bia đá. Ảnh: TV

Cách đây hai năm, vào ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự lễ khánh thành tấm bia này. Hai năm qua, tấm bia đá với những lời sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút nhiều người tham quan, tìm hiểu khi họ về với Danh thắng Yên Tử.

Nó không chỉ giúp người xem hiểu những điều căn cốt về Đức vua Phật hoàng, mà còn cho thấy trí tuệ và “tâm đạo” đáng kính nể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đọc những lời dưới đây trên bia đá về Phật hoàng Trần Nhân Tông, tưởng như thấy cả bóng hình của người đứng đầu Đảng vừa từ trần trong sự tiếc thương vô hạn của nhân dân: “Với đời, ngài là vị vua nhân từ, thông tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược.

Trong hòa bình thì dành hết tâm sức, tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Ngài ra sức chăm nom việc nông tang cày cấy, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống muôn dân; mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hóa. Trong xử thế thì nghiêm khắc với những việc làm sai trái của vua quan, quần thần, kể cả với con mình khi đã làm vua; khoan thứ cho người có lỗi đã biết hối cải, xóa bỏ mọi tị hiềm, tập hợp mọi người chung tay xây dựng đất nước. Với người ngoài thì thực hiện chính sách kết tình giao hảo, hòa hiếu lân bang, nhằm giữ nền hòa bình lâu dài cho xã tắc…”

Một nhân cách lớn

Hoà thượng Thích Thanh Quyết xúc động nhắc lại một kỷ niệm hết sức sâu sắc. Đó là, một lần trò chuyện tại Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ: Nhà nước thì lấy giáo dục làm quốc sách. Phật giáo của chúng ta cũng phải đặc biệt coi trọng tính giáo dục. Chỉ có giáo dục mới có thể nâng cao trình độ hiểu biết, nhân cách của tăng ni Phật giáo, đặc biệt trong thời đại ngày nay.

Hoà thượng Thích Thanh Quyết chụp ảnh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: NL

Được biết Tổng Bí thư từ khi còn trẻ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết hiểu rằng con người ấy giản dị, liêm khiết từ trong bản chất, không suy chuyển trong suốt cuộc đời. Đó là con người mà việc gì làm được cho nước cho dân đều gắng làm hết sức. Còn phần mình chỉ giữ cuộc đời thanh bạch. “Đó là con người có nhân cách lớn, chỉ làm những việc cho dân cho nước, để lại thành quả là một niềm tin lớn, một cơ đồ lớn cho Nhân dân”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết nói.

Khắc ghi với những căn dặn của Tổng Bí thư, Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trương ban Giáo dục Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã đem hết sức mình phụng sự đạo Pháp. Những năm qua, Học viện đã cung cấp cho Giáo hội và xã hội hàng ngàn tăng ni sinh có đạo hạnh và tri thức phục vụ đạo và đời. Bởi, giáo dục là nguồn lực cho sự phát triển.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm