Chiều 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan với mục tiêu chậm nhất tới 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Hà Nội và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê qua báo cáo của các tỉnh, TP theo tiêu chí do Bộ Xây dựng quy định, đến nay, số nhà còn lại cần hỗ trợ là 153.881 căn, trong đó có 106.967 nhà xây mới (68.565 hộ nghèo, 38.402 hộ cận nghèo), 46.914 nhà sửa chữa (27.188 hộ nghèo, 19.726 hộ cận nghèo). Hiện, cả nước chỉ có Hà Nội và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Kinh phí huy động bổ sung để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cần khoảng hơn 6.522 tỷ đồng. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở và 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, bằng mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo hiện nay.
Ngoài số nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 1 đã hoàn thành với khoảng 500.000 căn nhà (kinh phí khoảng 11.000 tỷ đồng); sắp tới sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo theo nghị quyết của Quốc hội, với quy mô sơ bộ khoảng 200.000 căn nhà, bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Việc hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô khoảng 130.000 nhà, đến nay đã hoàn thành khoảng 50.000 nhà, còn khoảng hơn 80.000 nhà cần hoàn thành trong thời gian tới, cũng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
|
|
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: N.Bắc |
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, khi bắt đầu phát động chương trình, ước tính có khoảng 170.000 nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, đến nay còn khoảng hơn 153.000 nhà.
Ông nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2025, phải hoàn thành cả 3 nội dung: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; sửa chữa, xây mới hơn 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chậm nhất tới 31/12/2025 sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
Bộ Công an và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao phối hợp, rà soát số liệu, thông tin về các hộ gia đình cần hỗ trợ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Phương châm là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan với mục tiêu chậm nhất tới 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Ảnh: N.Bắc |
Thủ tướng nêu rõ cần huy động đa dạng nguồn lực từ nguồn lực Nhà nước; các cơ quan cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cạnh đó, là nguồn lực xã hội hóa (gồm đóng góp tài chính, góp công, góp của, góp vật liệu và các hình thức giúp đỡ khác như vận chuyển, xây dựng…); nguồn lực từ nỗ lực của chính các gia đình thụ hưởng chính sách; nguồn lực từ làng xóm, họ hàng… và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên cả nước.
Đề nghị phát động cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên toàn quốc, Thủ tướng nhấn mạnh với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
“Chúng ta quyết tâm chậm nhất tới 31/12/2025 sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng làm Trưởng Ban
Để hoàn thành 3 nội dung trên toàn quốc, theo Thủ tướng, cần thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng Ban Thường trực; thành viên là bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Ban Chỉ đạo sẽ phân công công việc cụ thể trên cơ sở báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Tại các địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn) thì Bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.
|