Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 15/03/2023 - 17:00
(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển du lịch nhanh, bền vững phải tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà khách cần”; từ du lịch “một mùa” sang “bốn mùa” hấp dẫn khách du lịch quay trở lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc
Sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, sáng ngày 15/3.
Đề nghị 63 tỉnh, thành có 63 sản phẩm du lịch bản sắc
Báo cáo tình hình ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2022, khách du lịch nội địa vượt ngưỡng 101,3 triệu lượt. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.
“Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế”, ông Hùng nói.
Chính sách visa so với các quốc gia khác “vẫn còn khiêm tốn”. Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế của thế giới, chưa phát huy được lợi thế ở Việt Nam. Trong khi, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức…
Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hùng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo để 63 tỉnh, thành có 63 sản phẩm du lịch bản sắc; chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết; tăng cường quản lý Nhà nước, giúp nhân dân nâng cao nhận thức làm du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu “mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch thân thiện”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã “hiến kế” để ngành du lịch “cất cánh”. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, để đạt mục tiêu, cần có nhiều giải pháp tập trung hơn với nhóm khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.
“Đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày. Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf”, bà Nga nói, Việt Nam đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất.
Cải cách chính sách visa mạnh mẽ để du lịch Việt không “về sau”
Bà Nga đề nghị, tăng cường quảng bá, tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn…
Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang nhất trí với những đề xuất, giải pháp như quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế…để thu hút khách du lịch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.
“Để hiện thực hóa cam kết mang đến dịch vụ đẳng cấp, trải nghiệm xuất sắc thì việc không ngừng phát triển những sản phẩm mới kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khám phá, thể thao hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách chính là điều kiện tiên quyết”, đại diện Vingroup nói.
Đề cấp đến chính sách visa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nhấn mạnh, chúng ta đã có những điểm tiến bộ về visa, nhưng cần cải cách mạnh hơn để có những đột phá hơn.
Ông Trường đưa ra con số so sánh, năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đón 40 triệu; năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu thì Thái Lan đã đón 25 triệu và đến năm 2027, họ là 80 triệu khách.
“Nếu như không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ, chúng ta sẽ về sau”, ông Trường đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh theo hướng tăng thời hạn thị thực với khách du lịch quốc tế, thời gian tạm trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần.
Ông Trường còn đề nghị nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm như Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ - đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.
“Cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nói, đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay “không phải dễ”, nhưng ông tin với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó thì sẽ đạt được.
Chia sẻ một số quan điểm chỉ đạo, theo người đứng đầu Chính phủ, phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội; phải thay đổi tư duy, chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”; từ du lịch “một mùa” sang “bốn mùa”, hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.
“Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh, cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; đa dạng hóa các phân khúc du lịch: bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao.
“Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số” - theo Thủ tướng.
Nêu các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Giải quyết thủ tục visa thuận tiện, chống tiêu cực, tham nhũng
Tại hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa; khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan giải quyết thủ tục visa thuận tiện theo quy định, chống tiêu cực, tham nhũng; đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế…
UBND các tỉnh, TP tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực.
Về 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm khi để xảy ra lãng phí, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân.
Hương Giang
21:08 30/10/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 30/10, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó có việc xử lý cán bộ, thu hồi tài sản, bắt người bỏ trốn ra nước ngoài liên quan tham nhũng
Hương Giang
18:29 30/10/2024Hương Giang
16:13 30/10/2024Hương Giang
16:12 30/10/2024Hương Giang
13:16 30/10/2024Hương Giang
11:10 30/10/2024N. Phê - L. Bình
Uyên Uyên
Hương Giang
T.Thanh
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Thái Hải
Uyên Uyên
Hương Giang
Hải Hà
Thái Hải
Phạm Hưng