Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2023 và dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, bao gồm khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Đề cập dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, ông Phớc cho hay, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 80.000 tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt 15,3% GDP.

“Dự toán năm 2024 nói trên được xây dựng đã dự tính tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như năm 2023; đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Thực hiện đồng bộ cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, ông Phớc cho hay, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách Trung ương các năm thì tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng. Tổng cộng là 562.000 tỷ đồng.

Với dự kiến thu - chi ngân sách năm 2024, cùng nguồn cải cách tiền lương tích lũy, dự kiến thực hiện đồng bộ cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, nếu tính cả số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán chi năm 2024 của một số địa phương (khoảng 19.000 tỷ đồng) thì tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024 khoảng hơn 2,1 triệu tỷ đồng.

Từ đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội Quốc hội quyết định lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27; đồng thời, điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét quyết định tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT như Nghị quyết số 101 năm 2023 của Quốc hội trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tăng thu ngân sách bền vững để bảo đảm lộ trình cải cách tiền lương

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

Để đảm bảo thực hiện cải cách trong dài hạn, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá so sánh tổng thể các chính sách cải cách và cân đối nguồn lực trong các giai đoạn từ 2024 - 2030 đảm bảo khả thi và thực hiện lâu dài.

Ông Mạnh cho rằng, để đảm bảo thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cần đảm bảo tăng thu ngân sách bền vững, tránh bị động. Các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, phù hợp để bổ sung nguồn thu, vì áp lực chi ngân sách khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ tăng cao.

“Cải cách tiền lương cần đồng bộ, gắn với tinh giản biên chế, đề án vị trí việc làm của hệ thống chính trị”, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Về tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm thuế VAT tới hết tháng 6/2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ có tờ trình riêng cụ thể về nội dung trên theo quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật.

Hương Giang